e magazine
Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

14/12/2018 12:35

Năm 2018 có thể coi là một năm đầy biến động đối với thị trường xe nhập khẩu khi nhiều quy định mới của Chính phủ có có hiệu lực...

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Năm 2018 có thể coi là một năm đầy biến động đối với thị trường xe nhập khẩu khi nhiều quy định mới của Chính phủ có có hiệu lực với dòng xe này. Lượng xe được nhập về các tháng liên tục có sự thay đổi.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Từ 1/1/2018, theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các mẫu ô tô được nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Indonesia hay Malaysia... có thuế nhập khẩu giảm về 0% với những mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong khối từ 40% trở lên.

Đây là một thông tin được nhiều người tiêu dùng Việt mong chờ từ cuối năm 2017, vì thuế giảm sẽ giúp giá xe giảm (thuế giảm về 0% sẽ giúp giá xe giảm từ 15 – 20%).

Tuy nhiên, tin vui này đã không được trở thành hiện thực vì cùng với việc giảm thuế nhập khẩu này, từ 1/1/2018 cũng là thời gian Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Nghị định này đã “vô tình” trở thành một rào cản đối với các doanh nghiệp kinh doanh và phân phối xe nhập khẩu vì để được kinh doanh ô tô tại Việt Nam doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hay thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định như: Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, những quy định mới trong nghị định đều rất chặt chẽ như: Phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP…

Trong đó, 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03 (Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116) mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất: Quy định về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài (VTA -Vehicle Type Approval); quy định thử nghiệm khí thải và an toàn theo từng lô đối với xe nhập khẩu và quy định về đường chạy thử đối với hoạt động sản xuất ô tô trong nước.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Do đó, trong những tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được những quy định mới này của Chính phủ nên lượng xe nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm liên tục sụt giảm. Các hãng không thể nhập xe về Việt Nam hoặc chỉ về với lượng rất ít. Nên hầu hết các doanh nghiệp chỉ “cầm cự” và cố gắng duy trì việc bán hàng bằng cách bán nốt lượng xe tồn được nhập khẩu từ trước đó.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số xe ô tô nguyên chiếc được nhập về đạt 10.084 xe với tổng trị giá đạt hơn 277 triệu USD. Trong đó, ô tô con dưới 9 chỗ đạt 7.551 xe, chiếm khoảng 75% tổng lượng ô tô nhập khẩu. Đáng chú ý, phần lớn lượng ô tô con được nhập khẩu về nước đều có nguồn gốc từ Thái Lan. Đây cũng là quốc gia nhiều năm liền dẫn đầu về lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

So với cùng kỳ năm 2017, lượng xe nhập khẩu sụt giảm 80% (đến hết 15/6/2017 cả nước đã nhập khẩu tới 46.793 xe ô tô các loại, trị giá lên tới gần 1 tỷ USD).

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, nhân viên kinh doanh của đại lý Ford tại Hà Nội chia sẻ, khoảng thời gian đầu năm 2018 có lẽ là thời điểm bán hàng ảm đạm nhất của nhiều hãng xe vì dù khác có nhu cầu cao, nhưng không có xe để bán. Đại lý nào may còn hàng tồn thì bán nốt chứ không thì chỉ biết lắc đầu khi khách hỏi mua những dòng xe nhập khẩu.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Trước những khó khăn đó, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu đã liên tục xin được làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để đề xuất ý kiến, nguyện vọng nhằm khai thông sự bế tắc đó.

Cụ thể, tại thời điểm đó, ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm công tác Ô tô và Xe máy của VBF (gồm các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản, Mỹ, châu Âu), cũng là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đưa ra ý kiến, Chính phủ cần phải sửa đổi một vài điểm trong Nghị định 116 bởi nghị định này gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu CBU của các nước phát triển (Nhật Bản, châu Âu,…) trong 6 tháng vừa qua. Nhiều đơn hàng xe nhập khẩu cho các tháng đầu năm 2018 đã phải hủy do không đáp ứng được các quy định của Nghị định 116 và Thông tư 03.

Và điều này vô hình chung đã kéo theo rất nhiều ảnh hưởng khác: Việc làm, hoạt động kinh doanh tại các đại lý của những hãng xe. Khách hàng phải chờ đợi lâu hơn để có xe do thiếu nguồn cung từ đầu năm. Bất ổn này xảy ra với cả doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp trong nước.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Sau những tháng “ảm đảm” từ tháng 7/2018, thị trường ô tô nhập khẩu bắt đầu trở lại sôi động hơn khi các hãng bắt đầu đáp ứng được các quy định mới của Nghị định 116 và Thông tư 03 (Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116). Những mẫu xe được hưởng thuế ưu đãi 0% từ các nước: Thái Lan, Indonesia... đã bắt đầu được nhập khẩu trở lại.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Cụ thể trong tháng 7/2018, cả nước nhập gần 6.586 ô tô nguyên chiếc các loại, bằng hơn 50% lượng xe nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2018 (10.084 xe). Đáng chú ý là số lượng xe nhập khẩu chủ yếu vẫn là từ thị trường Thái Lan. Và Honda Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên đáp ứng được các quy định của Nghị định 116 và Thông tư 03 để nhập khẩu xe về Việt Nam với các mẫu xe: CR-V, Civic, Jazz, Acrod. Tiếp sau đó là các hãng GM Việt Nam, Toyota, Nissan...

Từ tháng 9 – 11/2018 lượng xe nhập khẩu bắt đầu tăng tốc và dần ổn định nhờ nguồn cung tốt. Cụ thể trong tháng 9/2018 lượng xe nhập khẩu về đạt 11.507xe, tháng 10/2018 đạt 12.468 xe và tháng 11/2018 đạt 13.778 xe – cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tuần đầu tiên của tháng 12/2018, lượng xe nhập khẩu đạt 3.731 chiếc với tổng trị giá đạt 79,8 triệu USD. Trong đó lượng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được nhập khẩu đạt 1.969 xe, chiếm 52,8% tổng số lượng xe nhập khẩu, trị giá 41 triệu USD. Lượng xe này chủ yếu đến từ các nước trong khu vực ASEAN, cụ thể, 1.090 xe xuất xứ Thái Lan, 765 xe từ Indonesia, 86 xe từ Trung Quốc và 14 xe từ Anh, còn lại từ các quốc gia khác.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'
Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Với việc khai thông được nguồn cung và hưởng thuế nhập khẩu 0%, hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam đang dần chuyển sang phân phối các dòng xe nhập khẩu thay vì lắp ráp như trước.

Trong đó phải kể tới Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Nissan và thậm chí mới đây nhất là Mazda (Thaco) – một “ông lớn” của ngành ô tô Việt cũng lựa chọn phương án nhập khẩu mẫu Mazda2 từ Thái Lan thay vì lắp ráp.

Hiện tại Honda Việt Nam chỉ còn mẫu City là được lắp ráp tại Việt Nam, còn hầu hết các sản phẩm: CR-V, Civic... đều là xe nhập khẩu. Mới đây nhất, Honda còn bố sung thêm mẫu HR-V được nhập khẩu từ Thái Lan làm phong phú danh mục sản phẩm của mình.

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Bên cạnh đó, Toyota cũng đã tham gia “cuộc chơi” này với 3 mẫu xe giá rẻ - Wigo, Avanza, Rush được nhập khẩu từ Indonesia bên cạnh mẫu Fortuner.

Hay mới nhất là Suzuki Việt Nam sau gần 1 năm ngừng lắp ráp Swift cũng bắt đầu nhập khẩu mẫu xe nhỏ này về bán. Mitsubishi có thêm mẫu Xpander nhập Indonesia.

Ngoài ra, ở phân khúc bán tải và SUV 7 chỗ có tầm giá 1 tỷ đồng vẫn là “sân chơi” riêng của xe nhập khẩu từ ASEAN với các mẫu: Ford Ranger, Everest; Chevrolet Colorado, Trailblazer; Nissan Terra, Mitsubishi Triton, Pajero...

Qua đây cũng có thể thấy, thị trường ô tô Việt đang có những chuyển biến khi các mẫu xe nhập khẩu đạt tỷ lệ nội địa khối ASEAN từ 40% được hưởng thuế nhập khẩu 0% về Việt Nam.

Đồng thời, bài toán chi phí cũng là điều các doanh nghiệp tính đến khi chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu. Bởi, đối với một mẫu xe mới sẽ phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, tốn rất nhiều chi phí trong khi sản xuất xe tại một số nước ASEAN như Thái Lan có tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn nên rẻ hơn, không phải đầu tư mà thuế nhập khẩu đã về 0% nên doanh nghiệp không tội gì mà không nhập khẩu.

Như Theo ông Shinjiro Kajikawa - Phó Giám đốc Giám đốc Khối Hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam nhận định, hiện tại quy mô thị trường Việt Nam vẫn nhỏ, năm 2017 chỉ khoảng 300.000 xe và tỷ lệ nội địa hoá thấp nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10-20% (tính cả chi phí vận chuyển của cho giá xe nhập khẩu vào Việt Nam).

Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'
Thị trường ô tô nhập khẩu 2018: Một năm 'nhảy múa'

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu ô tô cũng phần nào tác động đến các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Nếu muốn cạnh tranh thì phải đưa ra những mức giá hợp lý, nâng cao chất lượng, có nhiều chương trình ưu đãi đối với khách hàng… và khi đó người dùng được hưởng lợi./.

Gia Linh  -  Theo VOV