Thiên nhiên thơ mộng trong thơ Lê Thị Ái Tùng
Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng tuổi đã cao, nhưng sức sáng tạo thi ca của bà thật sự đáng nể. Bà vẫn viết những câu thơ hay dâng đời. Mỗi câu thơ của bà là một chi tiết đẹp về cảnh vật, thiên nhiên Việt Nam. Đó là những câu thơ tả cảnh tài tình. Đọc thơ Lê Thị Ái Tùng, ta bắt gặp lại một hồn thơ của Chu Mạnh Trinh, của Tố Hữu, và một phần của Bà Huyện Thanh Quan.
Chỉ thị của Thống đốc NHNN: Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng
Hà Nội phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc dịp Tết Quý Mão
Cảnh tiên giữa cõi trần
Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng sinh tại Huế, là cán bộ hưu trí, đã từng công tác tại Bộ Ngoại giao. Chồng bà là cán bộ lão thành Cách mạng. Bà là Hội viên Hội Nhà văn Việt - Nga, Hội viên Hội Nhà thơ Việt- Nga. Bà đã có nhiều bài thơ được in trong các tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội như: Thăng Long Văn Việt, Nghệ Thuật Mới, Văn Việt...

Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng.
Nhiều bài của bà cũng được đăng rải rác ở một số tờ báo khác. Bà cũng là tác giả của cuốn tiểu thuyết “Sóng gió thời dĩ vãng” do Nhà Xuất bản Phụ nữ in năm 2001. Tuổi đã cao, nhưng sức sáng tạo thi ca của bà thật sự đáng nể. Bà vẫn viết những câu thơ hay dâng đời. Mỗi câu thơ của bà là một chi tiết đẹp về cảnh vật Việt Nam. Đó là những câu thơ tả cảnh tài tình.
Đọc thơ Lê Thị Ái Tùng, ta bắt gặp lại một hồn thơ của Chu Mạnh Trinh, của Tố Hữu, và một phần của Bà Huyện Thanh Quan. Và đâu đó, ta bắt gặp những câu thơ thời Thơ Mới ẩn hiện trong thơ bà. Viết về thiên nhiên hay, trước tiên, người viết phải là người yêu thiên nhiên thật tâm, thật lòng. Để thiên nhiên hiện lên qua câu chữ không lặp lại của người khác, không cũ kỹ, người viết càng phải có bút pháp uyển chuyển.
Thơ viết về thiên nhiên của nhà thơ Lê Thị Ái Tùng luôn gây cho ta sự tò mò, vừa lạ, vừa quen, là sự pha trộn những những thi ảnh cổ điển, cùng những thi ảnh được tạo tác bởi nội tâm sâu sắc của bà. “Chiều buông, sương xuống trắng ngàn cây/ Văng vẳng đầy vơi tiếng mõ thầy/ Động Chính khói, sương huyền ảo quá/ Mây trời ráng, gió diệu kỳ thay/ Đường lên Thượng Giới cao xa đó/ Nẻo xuống Âm Ty sâu thẳm đây/ Nhũ đá long lanh bao dáng vẻ/ Kìa trông ẩn hiện lối trong mây!” (Chiều Hương Tích).
Bài thơ được nhà thơ thể hiện theo phong cách xưa, nhưng không làm người đọc nhàm chán. Chiều Hương Tích hiện lên với sương trắng ngàn cây, tiếng mõ thầy, sương huyền ảo, mây trời ráng, nhũ đá long lanh. Những hình ảnh đẹp nhất của thiên nhiên đã được tác giả khéo léo đưa vào thơ.
Chiều Hương Tích khiến ta nhớ lại những thi ảnh của Chu Mạnh Trinh với bài hát nói “Hương Sơn phong cảnh ca”. Không chỉ miêu tả thiên nhiên đơn thuần, bà còn cài cắm trong đó bóng dáng người xưa, những người đã tạo nên lịch sử của dân tộc Việt Nam. Điều này được bà thể hiện trong bài thơ “Cảnh đẹp chùa Thiên Mụ”: “Cố đô xưa ở nơi này/ Với bao vẻ đẹp đắm say lòng người/ Chùa Thiên Mụ chính là nơi/ Khơi nguồn nhạc, họa, đẹp lời thơ ca/ Bốn trăm năm đã trôi qua/ Cảnh chùa vẫn đẹp khiến ta ngỡ ngàng/ Nằm bên dòng nước Hương Giang/ Tiếng chuông Thiên Mụ ngân vang một vùng/ Trông xa, chùa đẹp lạ thường/ Có toà bảo tháp trên lưng chú rùa/ Đoàn du khách tới thăm chùa/ Thấy bia triều Nguyễn còn chưa phai mờ”.
Qua đoạn thơ này, ta thấy nữ nhà thơ mạnh về miêu tả. Đương nhiên, cách miêu tả rất tinh tế, đi vào những hình ảnh cụ thể, làm nổi bật cảnh vật được nói đến. Tác giả xúc động tưởng nhớ lại triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Dường như, trong mỗi bài thơ của nhà thơ Lê Thị Ái Tùng luôn phảng phất bóng dáng Phật Tiên. Cũng trong bài thơ “Cảnh đẹp chùa Thiên Mụ”, hình bóng Phật hiện diện: “Tháp cao tên gọi Phước Duyên/ Hút hồn du khách mọi miền gần xa/ Bảy tầng tháp cổ nguy nga/ Cao hai mốt mét thật là nghiêm trang/ Bên trong tháp có cầu thang/ Theo hình xoắn ốc dẫn lên thượng tầng/ Có pho tượng Phật bằng vàng/ Ngạt ngào hương khói tỏa lan bốn bề/ Giúp người thoát khỏi u mê/ Để lương tâm lại quay về sáng trong”.
Nâng tầm thêm cho các địa danh Việt Nam
Như chúng ta đã biết, Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, được thế giới công nhận. Những danh lam thắng cảnh này đã được nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ đưa vào các tác phẩm của mình. Nằm trong dòng chảy này, Lê Thị Ái Tùng cũng đưa những địa danh đó vào thơ. Mà qua những bài thơ đó, ta thấy các địa danh vốn đã nổi tiếng, lại càng nổi bật hơn.

Cảnh xuân tại núi rừng Tây Bắc. (Ảnh Nguyễn Hoa)
Ca ngợi rừng Cúc Phương trong bài “Về thăm rừng Cúc Phương”, bà viết: “Đất lành tỏa ngát sắc hương/ Trời cao lồng lộng thỏa đường chim bay/ Hoang sơ vẻ đẹp nơi này/ Nguyên sinh rừng núi dang tay đón mình”. Bà đi từ cái tổng thể, khái quát, rồi sau đó đi vào chi tiết: “Động Người Xưa thuở bình minh/ Dấu chân tiền sử còn in chốn này/ Cây Chò Ngàn Năm còn đây/ Thân to hai chục vòng tay mới vừa/ Lá hoa tươi tốt bốn mùa/ Gọi đàn linh trưởng nô đùa cành cao”.
Rừng Cúc Phương cũng được bà đánh giá là cảnh thần tiên. Không chỉ nói về thiên nhiên, hoa lá; ở bài này, ta còn bắt gặp bóng dáng con người hiện lên thật đẹp: “Tới thăm làng bản người Mường Ấm lòng chén rượu, thân thương nụ cười”. Cảnh đẹp vùng Tây Bắc cũng được nhà thơ Lê Thị Ái Tùng vẽ ra, vừa nên thơ, vừa hùng vỹ. “Núi rừng Tây Bắc bao la/ Thiên nhiên tạo dựng cho ta một vùng/ Cheo leo núi đá trập trùng/ Cổng Trời cao vút tầng không đợi người/ Hai bên vách đá chào mời/ Bạt ngàn mây trắng giữa trời trôi đi”; “Ngàn năm thác đổ ầm ầm/ Bọt tung trắng xoá, vang ngân tiếng đàn/ Non xanh mây trắng giăng màn/ Sương buông chiều tím bạt ngàn hoàng hôn/ Đàn dê gặm cỏ trên non/ Ngước nhìn thửa ruộng bậc thang trải dài”.
Nếu như không đọc tên tác giả, thì ta cứ tưởng những câu thơ này trong bài thơ “Cảnh đẹp Tây Bắc” của nhà thơ Lê Thị Ái Tùng là của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu. Không chỉ miêu tả thiên nhiên chỉ để miêu tả, bà còn nhân hoá cảnh vật lên, như trong bài “Vãng cảnh Hạ Long”: “Cách xa đã mấy dặm đường/ Mà lòng cảm thấy vấn vương bồi hồi/ Tượng hình ai đó đang ngồi/ Đăm đăm nhìn phía chân trời mây bay/ Như đang thương nhớ ai đây/ Bao năm ngồi đợi đổi thay cuộc đời”.
Tác giả ví những đảo như ai đó đang ngồi đăm đăm, thương nhớ ai. Và ngồi đó chứng kiến cuộc đời biến chuyển. Rõ ràng, Vịnh Hạ Long là tuyệt tác thiên nhiên, nhưng khi được nữ thi sĩ Lê Thị Ái Tùng khắc họa lại, Vịnh Hạ Long một lần nữa sáng giá hơn.
Những câu thơ tiếp theo trong bài “Vãng cảnh Hạ Long” xứng đáng là những câu thơ hay của thơ ca Việt Nam khi viết về di sản thiên nhiên thế giới này: “Giữa vùng biển núi trời mây/ Thiên hình vạn trạng, vương đầy sương sa/ Giữa dòng biển nước bao la/ Núi non trùng điệp, lòng ta bồi hồi/ Tiên Ông, Đầu Gỗ rạng ngời/ Là hai hang động tuyệt vời hiện ra/ Tam Cung, Trinh Nữ xa xa/ Hiên ngang đứng giữa sơn hà quanh năm/ Hoàng hôn buông xuống non ngàn/ Biển như dát bạc, dát vàng nên thơ”.
Ngoài sử dụng bút pháp miêu tả, nhân hoá, nhà thơ Lê Thị Ái Tùng còn tiếp nối dòng thơ kể chuyện của Đại thi hào Nguyễn Du khi viết sử bằng thơ về Văn Miếu Quốc Tử Giám, để rồi khi chúng ta đọc, thêm một lần nữa tự hào đối với di tích lừng danh về Nho học: “Bái Đường, Trống Sấm đây rồi/ Nền cao sân rộng như thời xa xưa/ Tự hào truyền thống dân ta/ Hiền tài nguyên khí quốc gia muôn đời”.
Thơ bà dù có chuyên chú viết về cảnh vật, về thiên nhiên, nhưng ta vẫn nhận ra rõ nét về tính nhân văn, về cốt cách tốt đẹp của con người trong đó. Qua đây, cũng cho thấy nhà thơ Lê Thị Ái Tùng là người đã sống hết lòng đối với quê hương, đất nước, con người Việt Nam
Gửi bình luận