Mực nước hồ Đèo Lai xuống thấp kỷ lục, hàng trăm hộ dân “khát” nước
Mực nước hồ Đèo Lai năm nay bất ngờ xuống kỷ lục khiến những cánh đồng của người dân khô cằn, thiếu nước tưới tiêu.
Đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với quy mô 2 làn xe
Công an tỉnh Bình Thuận tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về nguồn tại tỉnh Tuyên Quang
Hồ Đèo Lai, nằm trên lưng chừng Đèo Lai một bên là địa giới hành chính của huyện Lâm Bình, một bên của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Từ hàng thế kỷ nay, những sườn núi chồi ra các mạch nước ngầm đổ xuống hồ Đèo Lai tạo thành hồ nước trong xanh, khổng lồ phục vụ nước tưới tiêu cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình.
Ông Bùi Văn Hùng – Người từng được giao trông giữ hồ Đèo Lai nhiều năm trở lại đây cho biết, chưa năm nào mực nước hồ Đèo Lai lại xuống thấp như năm nay. So với những năm trước đây, mực nước hồ đã cạn xuống khoảng 7m. Do mực nước xuống quá thấp nên nước không thể tràn lên thân đập để dẫn nước đến khu vực canh tác lúa của người dân, do đó đồng bào không có nước tưới tiêu.

Những cánh rừng đầu nguồn ở hồ Đèo Lai bị đào bới nham nhở, rừng bị phát trắng, hiện trường chỉ còn những làn khói đen.
“Có hàng trăm hộ dân đang sử dụng nước từ hồ thủy lợi Đèo Lai. Riêng thôn Bản Lai là 145 hộ dân, còn một nửa người dân ở thôn Bản Cậu cũng sử dụng nguồn nước này để tưới tiêu, sinh hoạt”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến việc nước hồ Đèo Lai xuống thấp một phần là do năm nay hạn hán, nhưng chủ yếu vẫn là do chặt phá rừng đầu nguồn dẫn đến các mạch nước không còn có nước chảy vào hồ.
Qua xác định tọa độ điểm và so sánh trên bản đồ, khu vực rừng đầu nguồn đã bị phát trắng như người dân phản ánh là rừng sản xuất do UBND xã Phúc Sơn quản lý, đã được chuyển đổi thành rừng trồng từ năm 2016.
Theo người dân địa phương, trước đây khu vực rừng đầu nguồn này chủ yếu là rừng tự nhiên xen lẫn cây giang và nứa. Năm 2008, cây nứa và cây giang bắt đầu có dấu hiệu chết khuy, đến khoảng năm 2010 chính quyền địa phương đã nhận cây giống và giao cho các hội, đoàn thể của địa phương trồng theo dự án 661, nhằm phủ xanh đồi núi trọc, tạo nguồn nước vào hồ. Sau 7 năm trồng, bỗng dưng địa phương cho khai thác trắng và trồng tiếp, đến nay đã là lần khai thác thứ 2.
Ông Bùi Văn Tường, trú tại thôn Bản Lai bảo, gia đình ông có 2.400m2 đất trồng lúa, so với những năm trước đây, năm nay không có nước để canh tác. Tất cả phụ thuộc vào nước mưa, đến mùa khô ruộng chắc chắn sẽ bỏ hoang.
Còn ông Dương Văn Vượng, trú tại thôn Bản Lai thì cho hay, trước đây khu vực rừng đầu nguồn được địa phương bảo vệ chặt chẽ. Mỗi gia đình được giao nhiệm vụ thay phiên nhau tuần rừng, nhưng giờ không có rừng nữa, 2000m2 đất trồng lúa của gia đình ông khô cằn, thiếu nước.
Đánh giá về thực trạng trên, một lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình cho rằng, trước khi xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (từ rừng tự nhiên sang sản xuất là rừng trồng) địa phương cần khảo sát thực tế. Trường hợp là rừng đầu nguồn cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo người dân có nước để sinh hoạt.
Còn trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Vi Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: “thời điểm chuyển đổi rừng tôi chưa được nhận nhiệm vụ, tuy nhiên trước thực trạng khan hiếm nguồn nước như trên, thời gian tới chúng tôi sẽ giao cho các hội, đoàn thể trồng một số loại cây giữ nước như: cây sấu,…Đồng thời, tương lai không cho khai thác cây nữa”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cho đến thời điểm hiện tại nhiều hộ gia đình đã tự ý phát dọn, trồng cây keo lên khu vực rừng đầu nguồn để thể hiện mình là chủ đất.
Thiết nghĩ, địa phương này đang cần có giải pháp cấp bách để bảo vệ “máu” của chính đồng bào nơi này.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên đã ghi lại:

Ông Bùi Văn Hùng – Người từng được giao trông giữ hồ Đèo Lai đau xót khi mực nước hồ xuống kỉ lục.

Mực nước hồ giảm sâu so với trước đây.

Do mực nước xuống quá thấp nên nước không thể tràn lên thân đập để dẫn nước đến khu vực canh tác lúa của người dân.

Các mạch nước ngầm trước đây dồi dào, nhưng nay đã cạn nước.

Những cánh đồng mênh mông lúa giờ đây đang trong tình trạng “khát” nước tưới tiêu.

Gửi bình luận