Tính cả thất bại trước Thái Lan hôm 26/12, Việt Nam là đội thua nhiều nhất tại bán kết các kỳ AFF Cup, với tổng cộng 8 lần.



Đội tuyển Việt Nam trở thành đội để thua nhiều nhất ở bán kết AFF Cup.

Đội tuyển Việt Nam trở thành đội để thua nhiều nhất ở bán kết AFF Cup.

Bảy thất bại trước của đội tuyển Việt Nam diễn ra vào các năm 1996, 2000, 2002, 2007, 2010, 2014 và 2016. Số lần thua của chúng ta nhiều hơn hẳn so với Malaysia (5 lần) vào các năm 2000, 2002, 2004, 2007 và 2012, hay Philippines (4 lần) vào năm 2010, 2012, 2014 và 2018.

Vấn đề của Việt Nam càng trở nên tương phản khi đặt cạnh Thái Lan hay Singapore. Hai đội giàu thành tích nhất khu vực mới chỉ hai lần thua ở bán kết.

Ở một khía cạnh khác, số lần vào chung kết AFF Cup của Việt Nam chỉ đứng thứ năm trong khu vực, sau Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia, Ba lần Việt Nam vào chung kết diễn ra theo chu kỳ 10 năm, gồm 1998, 2008 và 2018. Trong đó, đội tuyển vô địch hai lần năm 2008 và 2018.

Vòng bán kết trở thành một nỗi ám ảnh mơ hồ với đội tuyển Việt Nam. Ngay tại giải năm nay, với tư cách đương kim vô địch, thầy trò Park Hang-seo đá như mơ ngủ ở bán kết lượt đi và thua dễ 0-2. Những nỗ lực tột cùng trong lượt về, thực tế, chỉ diễn ra trong hiệp một. Sự bùng nổ và lạc quan ấy tắt lịm trong 45 phút cuối, khi chúng ta thiếu hẳn mảng miếng tấn công.

Thiếu hụt ấy đến ngay từ việc ông Park đưa Công Phượng và Văn Toàn vào sân, nhằm khai thác những tình huống tấn công ở biên. Tuy nhiên, như chia sẻ trong buổi họp báo sau trận, ông Park không hài lòng khi hai học trò không tuân thủ chiến thuật, và thường xuyên dạt vào trung lộ, để rồi thất thế trước những trung vệ cao to.

Một sai lầm nữa là cách sử dụng Tuấn Anh. Từng được xem là tiền vệ trung tâm hàng đầu của đội tuyển, nhưng Tuấn Anh ở kỳ AFF Cup năm nay mờ nhạt. Chỉ sau 12 phút vào sân ở bán kết lượt về, tiền vệ khoác áo HAGL rời sân. Tính cả trong AFF Cup lần này, chưa lần nào đội tuyển Việt Nam thay người hiệu quả, dù ông Park dùng tất cả 30 quyền thay người trong 6 trận đấu.

Ngay cả ở trong điều chỉnh chiến thuật, nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng tỏ ra chậm trễ. Trong khi HLV Polking của Thái Lan nhận ra điểm yếu ở khu vực phòng ngự, và đưa một cầu thủ có chiều cao 1m96 là Elias Dolah vào sân để chống bóng bổng, thì Việt Nam vẫn "ngây thơ" sử dụng bóng dài và chuyền vượt tuyến. Nó chẳng mảy may tạo ra chút sức ép nào khi Thái Lan đã siết lại hàng thủ. 

Đánh mất sự bất ngờ, cũng như vũ khí lợi hại nhất là những điều chỉnh nhân sự, không có gì khó hiểu khi Việt Nam lại bị dớp bán kết AFF Cup ám ảnh. Càng chạnh lòng hơn khi nghĩ lại, rằng cả Indonesia lẫn Thái Lan đều bị Việt Nam đá văng ở vòng loại World Cup, nhưng nay đội quân của Park Hang-seo lại phải nhìn họ chơi trận chung kết AFF Cup. 

Phải chăng bóng đá Việt Nam chưa vươn tầm tới đẳng cấp mà chúng ta hằng nghĩ? Hay sự phát triển của một nền bóng đá không bao giờ đi theo đường thẳng? Có lẽ chỉ những lãnh đạo VFF mới có thể trả lời.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận