Kỳ 2: Gieo chữ trên đỉnh mây mù
Tính từ trung tâm huyện, xã Tà Xùa nằm ngược với Hồng Ngài, có độ cao trung bình 1600m so với mực nước biển, đỉnh cao nhất Tà Xùa đạt trên 2.000m. Nơi đây được xem như thánh địa của sương mù và mây núi, của cái lạnh thấu xương.
Kỳ 1: Xuân sớm Hồng Ngài
Phú Thọ: Chính quyền "bảo kê" doanh nghiệp xâm hại đê Sông Lô?
Giải mã chuyện "cây gạo bị ma ám" ở Phú Thọ
Chúng tôi đã nghe chuyện về những học sinh mới chỉ học lớp 5 nhưng đã hai lần…lấy vợ. Chúng tôi đã ngủ ở nhà người Mông hiếu học từng đi bộ xuyên rừng cả ngày trời cõng con đến lớp. Rồi chuyện về những cô giáo địu con cả ngày đường, lầm lụi đi cắm bản… Dù đã chứng kiến nhiều cảnh học vùng cao, nhưng để đạt tinh thần hiếu học như nơi đây thì ít nơi nào có được.
Trò hai vợ khi thầy chưa có người yêu!
Ký ức thầy giáo Phạm Văn Tập (SN 1979) như thước phim chầm chậm quay về những tháng ngày gian khổ giữa núi rừng Tà Xùa, Xím Vàng. Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, năm 1997, thầy Tập lên học trường TCCN ngành sư phạm tại Sơn La.
Ra trường, được phân công lên trường tiểu học xã Xím Vàng - một xã vùng 3 cách huyện Bắc Yên chừng 30km. Giờ thì đường nhựa đã vào được đến trung tâm xã, nhưng cách đây 12 năm thì chỉ đi bộ, xe máy không thể vào được.
Giáo viên ngày ấy cứ vài tháng mới băng rừng về huyện, đi trọn một ngày trời; may mắn thì mượn được ngựa thồ của dân bản; nếu không thì cứ lầm lũi cõng gạo, quần áo, thực phẩm dùng cho cả tháng, nhắm hướng núi mà ngược.
![]() |
Trưởng tiểu học xã Tà Xùa nơi con chữ được gieo mầm. |
Tà Xùa, Xím Vàng lúc bấy giờ là biệt khu, giao thông chia cắt, giáo viên phải tự học cách bám bản, học tiếng Mông để tồn tại và gieo chữ. Xím Vàng giờ vẫn nghèo, xưa còn nghèo hơn. Học sinh quanh năm chỉ có mỗi một manh áo phong phanh, dùng cho cả bốn mùa.
Lớp học chỉ độc bốn cây cột, chống mái gianh. Thầy Tập thuộc lớp giáo viên trẻ xông xáo nên vận động học sinh kiếm củi rào kín bốn bên, nom xa như cái vườn ươm nấm. Vậy mà bao thế hệ thầy trò đã từng dìu dắt nhau trưởng thành trong khu “vườn ươm” ấy, nhiều em giờ đã trở thành cán bộ xã, cán bộ huyện.
Ai lên Xím Vàng ngày đầu đều khóc, vì bốn phía chỉ có nắng, gió, núi và mây mù. Thầy Tập cũng không ngoại lệ. Nhưng chính sự khắc nghiệt, đói nghèo ấy lại hình thành nên phong trào hiếu học ở các xã thuộc vùng 3. Năm 2.000, lớp “đầu tay” do thầy Tập chủ nhiệm (lớp 5) gồm 25 học sinh mà có tới 4 em đã…có vợ. Trước kia học sinh vùng cao đi học muộn, lấy vợ sớm, 16 tuổi vẫn học lớp 5.
Các thầy giáo trẻ đa số còn chưa có người yêu, nhưng Mùa A Dinh khi đó 15 tuổi nhưng đã có “thành tích” cưới sang cô vợ thứ hai. Bị bạn bè trêu, Dinh xấu hổ liên tục đòi bỏ học, trốn vào rừng. Các thầy thay nhau đi tìm, kéo về lớp. Mà không chỉ có Dinh, nhiều em khác cũng thường trốn như thế. Nhưng sự kiên trì cộng với tình thương các thầy cô quá lớn, các em đều quay lại theo học, thành người. A Dinh giờ đã trở thành một cán bộ năng động của xã Xím Vàng.
Những dấu chân cắm bản
Thầy Tập hiện đã chuyển về làm hiệu trưởng trường tiểu học Tà Xùa. Thầy kể, ở đây có một đặc thù, giáo viên không được đến lớp muộn hơn học sinh. Vì học sinh người Mông đến lớp rất sớm, nhưng không thấy thầy cô thì cho rằng…được nghỉ nên quay về. Ở lớp 1, sau tiếng trống vào lớp, thầy cô kiểm tra sĩ số, rồi vào bản cõng từng em còn thiếu đến trường.
Tà Xùa một năm có 9 tháng sương mù, quần áo lúc nào cũng ẩm ướt, không có khái niệm khô. Mùa đông rét mướt, học sinh từ các bản xa, phải đốt đuốc đi học từ mờ đất. “Mình vất vả một thì học sinh vất vả mười. Vì thế, giáo viên nào lên đây cũng gắn bó không muốn rời”, thầy Tập tâm sự.
![]() |
Cô giáo Nông Thị Vinh xúc động kể lại những năm tháng nơi Tà Xùa heo hút |
Một trong những cô giáo có thâm niên cắm bản tại Tà Xùa là cô Nông Thị Vinh, sinh năm 1976. Cô Vinh gắn bó với bản Tà Xùa C heo hút tới 12 năm trời, từ ngày chỉ có ngựa thồ và sức người mới có thể vào xã. Một điều đặt biệt nữa là trong 12 năm đó, chưa có học sinh nào lớp cô bỏ học. Chồng cô là thầy Nguyễn Xuân Anh là người có thâm niên dạy và cắm bản lâu nhất trường Tà Xùa. Hai vợ chồng như Ngưu Lang-Chức Nữ, biền biệt cả tháng mới gặp một lần.
Cô nhớ lại, ngày đầu đi cắm bản, lương chẳng đủ tiêu, cuối tháng lại đi bộ về huyện. Lúc lên thì lưng cõng con nhỏ, tay sách ba lô gồm cả gạo, quần áo vượt rừng về xã, rồi lại từ xã băng rừng về bản Tà Xùa C. Hành trình ấy mất trọn hai ngày. Giờ lên lớp, một tay bế con, một tay cầm phấn.
Có thể, nước mắt cô đã phải rơi theo những cung đường gập gềnh núi rừng Tây Bắc ấy, hay những đêm dài vò võ ôm con bên trang giáo án và ngọn đèn dầu? Tôi dám tin điều đó bởi trước tôi, cô cũng đã khóc khi nói về những học sinh bản Tà Xùa C nghèo nhưng hiếu học. Thương học sinh, có bao nhiêu quần áo cũ, sách vở cũ (hay chưa kịp cũ) của con, hoặc đồ xin được, cô đều mang cho lũ trẻ. Từ lâu cô đã được dân làng coi là thành viên trong bản. Đó chính là món quà mang giá trị tinh thần lớn nhất mà chỉ những giáo viên vùng cao thầm lặng cống hiến, hy sinh mới có được.
Gia đình người Mông hiếu học-niềm tự hào Xím Vàng
Chúng tôi lên xã Xím Vàng giữa cái lạnh tê người của mùa đông Tây Bắc. Đêm Xím Vàng cô tịch, rét như kim châm, bếp lửa bập bùng thơm nồng khói pơ-mu dường như không đủ ấm. Chủ tịch xã Hạng A Củ (SN 1976) tiếp chúng tôi bằng chén rượu đầu chân tình theo đúng nghi lễ người Mông. Đó là người con trai đầu của ông Hạng A Sáu. Ông Sáu vốn được coi là niềm tự hào lớn của “sự học” Xím Vàng.
Thời A Củ vào lớp 1 thì xã Xím Vàng, Tà Xùa vẫn chưa có trường học. Ông Sáu cứ đều đặn hàng tuần khi thì cõng, khi mượn ngựa thồ cho con xuống trung tâm huyện lỵ Bắc Yên theo học. Ban đầu, ông Sáu vận động được 5 gia đình khác cùng cho con xuống học dưới huyện. Nhưng chỉ 2 tuần sau, đã có gia đình nản chí, bỏ cuộc. Gia đình bền bỉ nhất cũng chỉ 1 năm. Sang năm lớp 2, còn mỗi A Củ và bố đều đặn đến trường, mưa cũng như nắng, đúng khí chất kiên gan và bền chí của người Mông.
![]() |
Đêm bên bếp lửa của gia đình ông Hạng A Sáu |
Lên lớp 7, A Củ đã tự đi học một mình, lưng đeo gạo, rau, măng cho cả tuần trọ học. Các em của A Củ lớn lên cũng đều đi học theo cách ấy và đều thành đạt. Hiện con ông Sáu có người làm ở ngân hàng huyện, Đài truyền hình huyện và một người làm cán bộ xã bên. Toàn xã Xím Vàng có 4 người học lên ĐH thì gia đình nhà ông Hạng A Sáu đóng góp tới hai. Các cháu nội của ông phần lớn đều được nhận học tại trường nội trú huyện. Ở Bắc Yên, phải học giỏi, 3 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến thì mới đạt tiêu chí vào học nội trú.
“Phong trào học ở Xím Vàng bây giờ mạnh lắm. Số lượng học sinh học lên THPT đứng đầu các xã vùng 3 đấy”, Chủ tịch Hạng A Củ phấn khởi nói. Phong trào người Mông hiếu học đã nhân rộng tới từng gia đình, cũng chính bởi được nhen nhóm từ những bước chân băng từng đi tìm con chữ của ông Sáu khi xưa. Mặc dù trước đây-Giàng A Củ ghé tai tôi nói nhỏ-ông Sáu chỉ học lớp 2 bình dân học vụ, nhưng lúc đó “học vị” này đã cao nhất… toàn xã.
Gửi bình luận