Sáng nay (25/6), dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu chính thức được khởi công.



Sáng nay (25/6), UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ khởi công cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo các tỉnh thành phố vùng ĐBSCL...

Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là công trình có tầm quan trọng đặc biệt nhằm kết nối mạng lưới cao tốc vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đến các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tạo động lực phát triển vùng ĐBSCL.

Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có chiều dài khoảng 27,43 km, điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án nhóm A, có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước với tổng vốn khoảng 5.886 tỉ đồng.

4.

Sơ đồ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. Ảnh: https://dongthap.gov.vn

Dự án chia làm 2 thành phần. Theo đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km, từ Km 0 đến Km16+000 nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.

Dự án thành phần 2 từ Km16+000 đến Km27+430, dài 11,4 km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỉ đồng.

Hướng tuyến chủ yếu đi song song với Quốc lộ 30 hiện hữu, có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Km0+00) đi theo hướng Đông Nam vượt qua ĐT.847 (Km2+018) cách thị trấn Mỹ Thọ khoảng 1,7km, sau đó đi theo hướng Đông vượt qua đường tỉnh ĐT.850 và kết nối vào nút giao ĐT.850 (Km16+00).

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nằm trong cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9/2021 là một trong các tuyến giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hàng lang kinh tế trục ngang vùng Tây Nam bộ.

Khi hoàn thành, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ kết nối với cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo trục dọc, gồm: TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau. Ở phía Tây, sẽ nối vào cao tốc Bắc - Nam đang hình thành, gồm: đường Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Được biết, cũng trong sáng nay (25/6) tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo, bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo thành phố Hà Nội; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, và đại diện nhân dân các địa phương... cũng đã tham dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

vd4-1-16650441347732116088319.

Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1 được khởi công tại ba địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113 km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2 km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.

Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80 km/h với bề rộng 17 m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12 m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85,8 nghìn tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm Dự án quan trọng quốc gia, nhằm cụ thể hóa đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đây là cơ sở để thực hiện công tác Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng, tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị; tạo động lực mới để phát triến đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển cho thành phố Hà Nội, phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có.

Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận