Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến quản lý đất công, đất công ích trên địa bàn tỉnh Kon Tum.



Tin nên đọc

Mới đây, thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận số 1919/TB-TTCP, thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng, đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Buông lỏng quản lý đất công ích

Theo đó, liên quan đến công tác quản lý đất công, đất công ích trên địa bàn tỉnh Kon Tum qua kiểm tra 4 huyện là Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Ngọc Hồi đoàn thanh tra nhận thấy, sau khi nhận bàn giao đất, địa phương tiếp tục quản lý theo hiện trạng nhưng chưa tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh, vi phạm trình tự, thủ tục quản lý đất đai như: chậm chỉ đạo thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi, giao về địa phương quản lý…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 3/6 đơn vị có quỹ đất công ích 5% với tổng diện tích là 303,03ha được cấp huyện giao cho các xã, phường quản lý.

Tuy nhiên qua kiểm tra đoàn thanh tra cũng đã phát hiện việc quản lý, sử dụng đất của cấp huyện chưa chặt chẽ, còn buông lỏng dẫn đến cấp xã phường quản lý, sử dụng đất chưa đúng tại TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Sa Thầy còn có vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, cho thuê đất không đấu giá, không có kế hoạch đấu giá đất; lập hợp đồng có các điều khoản thiếu chất chẽ, nhất là điều khoản quy định về nghĩa vụ tài chính dẫn đến việc thu tiền chậm, khó thu hoặc không thu được tiền thuê đất nhưng thiếu kiểm tra, giám sát.

Đến thời điểm thanh tra một số cá nhân còn nợ tiền thuê đất là 345,6 triệu đồng cần phải đôn đốc thu về ngân sách nhà nước.

2.

Một trong nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh minh hoạ. (Báo Đầu tư)

Kết luận thanh tra đã chỉ ra chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2019 liên quan đến việc giao đất không qua đấu giá, tại TP Kon Tum vẫn còn tình trạng giao đất vượt hạn mức so với quy định của Tỉnh, phân lô theo hiện trạng dẫn đến diện tích các lô không đồng đều; giao đất cho 43 trường hợp (Khu đô thị phía Nam cầu Đan Bla) không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thu ngân sách tối thiểu là 3.515,19 triệu đồng.

Đây là những trường hợp trong gia đình có đất bị giải phóng mặt bằng ở địa bàn vùng kinh tế khó khăn. Xét tình hình thực tế nêu trên, việc thu thêm tiền của các trường hợp này là rất khó thực hiện (chưa kể có hộ đã chuyện nhượng - nếu có) nên Thanh tra Chính Phủ không kiến nghị thu thêm tiền có nguy cơ thất thu nhưng phải kiểm điểm xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan.

Tại huyện Đắk Hà có 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ lẻ trong một thời gian dài tập trung tại Thị trấn Đan Hà, xã Ngọc Wang, xã Đắk Hring là vi phạm luật đất đai 2013. Trong đó, có một số công chức thuộc huyện được giao diện tích lớn và nhiều trường hợp được giao đất để ở nhưng thực tế không có nhu cầu nên khi kiểm tra thực địa thấy để đất hoang hoá hoặc chuyển nhượng đất để kiểm lời. Đoàn thanh tra tạm tính tiền sử dụng đất của 13/85 trường hợp thấy giá giao đất thấp hơn giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước tối thiểu là 885,86 triệu đồng.

Đoàn thanh tra cũng đã chỉ ra riêng tại huyện Ngọc Hồi, UBND huyện giao đất cho các trường hợp thuộc Công ty TNHH MTV 732, Binh đoàn 15 không thông qua đấu giá với tổng diện tích đất ở 7,079ha tại thôn 2 xã Đắk Kạn huyện Ngọc Hồi vi phạm luật đất đai 2013.

Tại huyện Kon Rẫy, UBND huyện ban hành quyết định giao đất trồng cây hàng năm tại thôn 1, xã Tân Lập không thông qua đấu giá cho 2 hộ gia đình và quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vi phạm Luật đất đai 2013. Qua kiểm tra phát hiện trạng 2 thửa đất còn trống, cần phải huỷ quyết định giao đất, thu hồi 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, bố trí quỹ đất nông nghiệp cho 2 hộ gia đình trên theo quy định.

Liên quan đến việc giao đất thông qua đấu giá, Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện nhiều sai phạm, tồn tại cụ thể, đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Kon Tum không ban hành quy chế mới về đấu giá quyền sử dụng đất, để giao đất cho thuê đất nên trong quá trình triển khai thực hiện một số đơn vị còn lúng túng, hiểu sai hiểu chưa đúng hoặc tuỳ tiện trong áp dụng gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Đấu giá đất khi chưa giải phóng xong mặt bằng

Qua thanh tra, cơ quan chức năng còn chỉ rõ, trong công tác đấu giá đất còn để xảy ra vi phạm Luật đất đai, luật đấu giá tài sản như: Tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; đấu giá đất không phù hợp quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất; chậm nộp tiền trúng đấu giá đất nhưng không huỷ kết quả đấu giá, không thu tiền đặt cọc; dùng chứng thư hết thời hạn để xác định giá khởi điểm tổ chức đấu giá, chậm ra thông báo nộp tiền; tuỳ tiện điều chỉnh vị rí, diện tích một số lô đất;

Vị trí lô đất đấu giá chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tổ chức đấu giá trọn gói khu đất với phương phức nộp tiền một lần; tiền đặt cọc lớn đã hạn chế người dân có nhu cầu sử dụng đất; tổ chức đấu gía nhưng không chuyển mục đích sử dụng đất, không có kế hoạch sử dụng đất, chưa thực hiện niêm yết, công khai bán tài sản, không tổ chức lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản…

4

Nhà đất của bà Nguyễn Thị Ánh với 4 mặt tiền cũng được nêu tại Thông báo Kết luận thanh tra. (Ảnh báo Đầu tư)

Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đắk Bia, TP Kon Tum do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức đấu giá có nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, UBND tỉnh Kon Tum quyết định đầu tư dự án nhưng không tập trung nguồn lực, không phân kỳ đầu tư, không chia giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng khu vực để tổ chức đấu giá quyền sử dụng  cho phù hợp với tình hình thực tế đã dẫn đến thời gian kéo dài, làm hạn chế hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, cho phép triển khai đấu giá ồ ạt, dàn trải toàn bộ dự án khi chưa đầu tư cơ sở hạ tầng dẫn đến nhiều cuộc đấu giá có số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả thấp, tỷ lệ tăng sau đấu giá bình quân chỉ đạt 3,43%. Quá trình tổ chức thực hiện đấu giá còn vi phạm; thành lập hội đồng đấu giá không đúng quy định Luật đất đai 2013; không tuân thủ các quy định trong phương án và quy chế đấu giá.

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh rà soát lại trình tự thủ tục quá trình thực hiện dự án, chịu trách nhiệm về quyết định của mình để không làm thất thu ngân sách Nhà nước, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Qua xem xét 45/379 hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất 21 hộ gia đình; 24 doanh nghiệp cho phép nộp tiền nhiều lần được thực hiện trong giai đoạn 2014-2017 thấy: nhiều hồ sơ chậm nộp tiền trúng đấu giá, cá biệt có một số trường hợp trong các đợt nộp tiền chậm nộp từ 1 đến 3 năm tập trung tại các doanh nghiệp như Công ty Tuấn Dũng, Công ty CP Trường Long, Công ty TNHH ĐTXD Tiến Dung…đủ điều kiện huỷ kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum không tham mưu xử lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ không kiến nghị huỷ kết quả đấu giá thu hồi tiền cọc của 21 hồ sơ là các hộ gia đình, cá nhân do khó có khả năng thực hiện nhưng cần phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm sai quy định, đối với 24 hồ sơ do các doanh nghiệp tham gia đấu giá cần phải được xử lý, thu hồi tiền về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền 13.751,82 triệu đồng.

Đối với việc chuyển nhượng sau đấu giá quyền sử dụng đất, tại hầu hết các dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hiện tượng một số người trúng đấu giá từ hàng chục đến hàng trăm lô đất và chờ thời cơ bán kiếm lời, trúng đấu giá để hoang hoá, mất mỹ quan, hạ tầng cơ sở xuống cấp lãng phí nguồn tài nguyên đất. Điển hình 464 lô đất trúng đấu giá sau đó chuyển nhượng cho người có nhu đầu với giá thấp hơn cả giá trúng đấu giá.

Việc kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có dấu hiệu trốn thuế, nhưng cơ quan chuyên môn cơ quan thuế không kịp thời tham mưu xử lý theo thẩm quyền cơ nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước số tiền tạm tính là 1.185,6 triệu đồng.

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận