Những năm gần đây, Du lịch Việt Nam phát triển khá mạnh, tuy nhiên vẫn luôn bị đánh giá là “giàu tài nguyên nhưng nghèo sản phẩm”.



Liên quan tới vấn đề này, phóng viên Pháp luật Plus - Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tài, giám đốc Công ty du lịch Vietsense (88 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội).

Từ lâu, du lịch Việt Nam luôn bị đánh giá là “giàu tài nguyên nhưng nghèo sản phẩm”. Ông nhận định sao về vấn đề này?

- Với diện tích phần đất liền của Việt Nam trên 330.000 km2 trải dọc nhiều vĩ tuyến bắc-nam với 3/4 đồi núi, địa hình, khí hậu đa dạng tạo nên diện mạo hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú thể hiện qua những danh lam thắng cảnh như Hạ Long, Sapa, Phong Nha-Kẻ Bàng, Vân phong…Có thể nói, Việt nam được xếp vào danh mục các quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, giàu tài nguyên thiên nhiên là điều kiện tốt để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, do thói quen, tư duy "ăn sẵn", khai thác cạn kiệt tiềm năng sẵn có, ít chịu đầu tư hoặc có đầu tư cũng chọn cách đầu tư ngắn hạn và dễ nhất nên khiến cho du lịch Việt Nam trở nên nhàm chán, không có điểm nhấn.

Du lịch Việt Nam vẫn đang bị đánh giá
Du lịch Việt Nam vẫn đang bị đánh giá "giàu tài nguyên nhưng nghèo sản phẩm (Ảnh: Internet)

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới nghịch lí này?

Thực tế, trong thời gian qua Việt Nam vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn trong các chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, của vùng và cả nước. Thêm vào đó, năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến du lịch bằng các công cụ cập nhật theo đời sống hiện đại còn hạn chế, chưa được nâng cấp và đưa vào sử dụng .

Từ đó, nhiệm vụ trước mắt cần đẩy mạnh liên kết vùng theo chuỗi cung ứng, hình thành các mô hình giúp phát triển sản phẩm du lịch mới: du lịch văn hóa, du lịch chăm sóc sức khỏe cá nhân, du lịch MICE, du lịch tàu biển, định vị du lịch cho từng khu vực.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch Vietsense (Ảnh: Thanh Huyền)
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch Vietsense (Ảnh: Thanh Huyền)

Nhiều năm qua, hướng dẫn viên du lịch sử dụng phổ biến tiếng Anh, Trung, Pháp, hướng dẫn viên du lịch sử dụng tiếng Thái, Nhật, Đức đang thiếu trầm trọng.  Ông giải thích sao về thực trạng này?

Du lịch là ngành có nhân lực sử dụng ngoại ngữ khá cao, chiếm 65% tổng số nhân lực. Tuy nhiên, đặc thù của ngành đòi hỏi tỷ lệ này cần phải nâng cao hơn nữa. Phần lớn nguồn nhân lực biết ngoại ngữ nhiều nhất là tiếng Anh, chiếm khoảng 42%, tiếng Trung, tiếng Pháp và các tiếng khác với tỷ lệ tương ứng là 5%, 4% và 9% nhân lực toàn ngành.

Ngành du lịch đang tập trung khai thác khách từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức, việc mở rộng đào tạo ngoại ngữ các nước nêu trên bên cạnh tiếng Anh là cần thiết. 

Bên cạnh đó, xét dưới góc độ giữa các cơ sở đào tạo, vẫn còn sự chênh lệch về chất lượng đào tạo du lịch giữa các trường nghề với các trường không thuộc khối này, giữa các trường công lập với trường dân lập.

Bởi vậy, nếu các trường trung cấp nghề thiên về thực hành cho sinh viên thì các trường đại học, cao đẳng lại thiên về hướng hàn lâm, thiếu trầm trọng thực hành, dẫn đến phần lớn sinh viên ra trường đều thiếu kỹ năng cần thiết để tiếp cận ngay vị trí công việc được giao…

Về phía đơn vị lữ hành, theo ông để có một đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh du lịch có trình độ, nghiệp vụ cao, ngoại ngữ giỏi thì cần phải có những yếu tố gì?

Theo tôi, để có một đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh du lịch có trình độ nghiệp vụ cao, ngoại ngữ giỏi thì cần phải xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai, áp dụng một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhằm hình thành, phát triển đội ngũ nhân lực có chất lượng cao cho ngành du lịch nói riêng và cho cả nước nói chung.

Đào tạo và phát triển nhân lực ngành du lịch cần phải được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cơ quan, tổ chức nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu trong lĩnh vực quan trọng như du lịch hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận