Đinh Ngọc Hệ dùng quyền hạn để mua biệt thự giá rẻ tại 164 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Licogi 13 làm chủ đầu tư.



Hành trình “Út trọc” trục lợi, mua biệt thự giá rẻ tại Licogi 13

Ngày 31/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối vói người khác để trục lợi” xảy ra tại CTCP Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long, Công ty CP Licogi 13 và các đơn vị liên quan”.

Đinh Ngọc Hệ đã dùng nhiều chiêu trò để tiếp cận các doanh nghiệp bất động sản, sau đó xin mua giá rẻ, đổi lại Hệ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đó được thi công những dự án Hệ được 'ưu ái' là chủ đầu tư.

Đinh Ngọc Hệ đã dùng nhiều chiêu trò để tiếp cận các doanh nghiệp bất động sản, sau đó xin mua giá rẻ, đổi lại Hệ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đó được thi công những dự án Hệ được 'ưu ái' là chủ đầu tư.

Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật

Liên quan tới vụ án, Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng) đã bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu cầm đầu cùng 12 đồng phạm và tội lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo Kết luận điều tra, ngoài lừa đảo chiếm đoạt 725 tỉ đồng từ tiền thu phí tuyến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương thì Út “trọc” dùng quyền hạn để mua biệt thự giá rẻ tại 164 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Licogi 13 làm chủ đầu tư.

Theo quy định của Công ty CP Licogi 13, giá bán biệt thự (rộng 143,5m2) là là 18,4 tỷ đồng.

Ông Đinh Ngọc Hệ - tức Út “trọc” đã lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (công ty có 51% vốn Nhà nước) để yêu cầu Công ty CP Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự BT01 cho ông Hệ với giá hơn 15 tỷ đồng, đổi lại Út “trọc” hứa cho công ty CP Licogi 13 được tham gia thi công dự án không qua đấu thầu, để hưởng lợi cá nhân hơn 3,4 tỷ đồng.

Được biết, đến tháng 4/2014, công ty CP BOT cầu Việt Trì đã có các liên danh nhà thầu để thi công, trong đó có Công ty CP Licogi 13.

Sau khi được tham gia thi công gói thầu, ngày 10/9/2014 ông Phạm Văn Thăng đại diện Công ty CP Licogi 13 và vợ Đinh Ngọc Hệ đã ký hợp đồng mua bán căn biệt thự nêu trên với giá hơn 15 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận điều tra, Công ty CP BOT cầu Việt Trì đến thời điểm hiện tại vẫn đang nợ Công ty CP Licogi 13 gần 21,5 tỷ đồng.

"Họ Licogi13" bị BHXH quận Thanh Xuân đòi nợ!

Mới đây Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ban hành một danh sách các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHYT, BHXH, BHTN) trên địa bàn.

Tính đến thời điểm tháng 10/2020 có 430 đơn vị bị "bêu tên", trong đó đáng lưu ý danh sách này có hàng  loạt các Công ty mang họ “Licogi 13” đã lọt vào danh nợ của Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân. Cụ thể như sau:

Công ty CP Licogi 13 - vật liệu xây dựng (tầng 1 đơn nguyên A, Tòa nhà Licogi 13, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) có 19 lao động, tổng số nợ tính đến ngày 4/11/2020 hơn 5,8 tỷ đồng;

Công ty CP Licogi 13 (Cơ giới và xây lắp 13); (tầng 4 tòa Licogi 13 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) có 102 lao động, tổng số nợ tính đến ngày 4/11/2020 hơn 2,7 tỷ đồng;

Công ty CP Licogi 13 cơ giới hạ tầng (tầng 1, Licogi 13 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) tổng có 66 lao động, số nợ tính đến ngày 4/11/2020 hơn hơn 700 triệu đồng;

Công ty CP năng lượng tái tạo Licogi 13 (tầng 4  tòa Licogi 13, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân) có 8 lao động, còn nợ đến ngày 4/11/2020 hơn 114 triệu đồng.

Dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị. Ảnh: Licogi 13

Dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị. Ảnh: Licogi 13

Licogi 13 khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020

Theo tìm hiểu, Công ty CP Licogi 13 được hình thành và phát triển từ năm 1960, từ cái nôi của Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi), tiền thân là Đội thi công cơ giới số 57 sau đó phát triển thành Công trường Cơ giới 57.

Năm 2005, công ty chuyển đổi hình thức sở hữu từ công ty nhà nước sang Công ty Cổ phần theo Quyết định số 2088/QĐ-BXD ngày 29/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đến ngày 22/4/2010, Công ty CP Licogi 13 niêm yết trên sàn HNX với mã là LIG.

Từ một công ty có bề dày trong lĩnh vực xây lắp, Công ty CP Licogi 13 đã đề ra mục tiêu tái cấu trúc trên 3 nền móng là: Xây dựng, bất động sản, công nghiệp và hạ tầng.

Licogi 13 được biết đến là nhà đầu tư từng thực hiện những công trình lớn, như: Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội mới. Các công trình thủy điện: Bản Chát, Lai Châu; Nhà máy Xi măng Bút Sơn 2, Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang)…

Ngoài ra, có thể kể đến các công trình hạ tầng giao thông như: đường bao biển và hạ tầng Khu đô thị Lán Bè - Cột 8 (TP Hạ Long, Quảng Ninh); Quốc lộ 1A (Khánh Hòa), Quốc lộ 20 (Lâm Đồng), cầu Hạc Trì (Phú Thọ), đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai….

Bên cạnh đó là xây dựng các công trình dân dụng: Khu nhà ở Licogi 13, Tòa nhà hỗn hợp Licogi 13 Tower, các tòa nhà của nhiều chủ đầu tư tên tuổi như Handico, Viwaseen, FLC, Sông Đà 7…

Ngày 26/6/2020, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Công ty CP Licogi 13 đã công bố nhiều thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian gần đây.

Kết thúc năm 2019, doanh thu toàn hệ thống đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 31,887 tỷ đồng, bằng 60,35% kế hoạch năm từng đặt ra.

Nhóm ngành xây dựng, bất động sản, công nghiệp và hạ tầng tiếp tục là mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty, đóng góp gần 80% doanh thu và lợi nhuận năm 2019.

Trong mảng bất động sản, Công ty CP Licogi 13 đặt ra mục tiêu triển khai các dự án như dự án Cầu Hưng Lai Nghi (Quảng Nam); Dự án Nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh; Dự án Khu đô thị hồ Suối Cam (Đồng Xoài – Bình Phước) và dự án Khu du lịch cao cấp Trà Cổ. Licogi 13 cũng cho biết sẽ “khởi công 1-2 dự án bất động sản tại Thái Bình, Ninh Bình vào quý IV/2020”.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 vừa được Công ty CP Licogi 13 công bố vào cuối tháng 10, doanh thu thuần bán hàng và dịch vụ của doanh nghiệp này trong quý III năm nay là hơn 447 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của quý III/2020 là hơn 4,8 tỷ đồng, tăng mạnh gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và dịch vụ của Licogi 13 đạt hơn 1534 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 15,5 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, Công ty CP Licogi 13 đặt mục tiêu mang về 2.030 tỷ đồng doanh thu, 59 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã hoàn thành 75% mục tiêu về doanh thu, nhưng mới chỉ hoàn thành 26% mục tiêu về lợi nhuận cả năm.

Trong 3 tháng còn lại của năm 2020, nhiều khả năng Công ty CP Licogi 13 sẽ khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Ở nhà của Licogi 13 Tower nhưng không có...sổ hồng!

Dự án Licogi 13 Tower có địa chỉ tại 164 Đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Finance Stock

Dự án Licogi 13 Tower có địa chỉ tại 164 Đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Finance Stock

Dự án Licogi 13 Tower, có địa chỉ tại 164 Đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội do Công ty CP Licogi 13 làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 27 tầng nổi, 3 tầng hầm.

Trong đó, từ tầng 1 đến tầng 15 là văn phòng cho thuê, còn từ tầng 16 đến tầng 25 là căn hộ cao cấp cho thuê. Tổng diện tích đất là 3.363,7 m²; Diện tích đất xây dựng là 843,53 m²; Tổng diện tích sàn là 30.602 m².

Nằm ở vị trí đắc địa của thủ đô khi gần các trục giao thông lớn, Licogi 13 Tower được không ít các nhà đầu tư quan tâm khi được Licogi 13 đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay có một số nhà đầu tư tại Licogi 13 Tower cho biết, các môi giới đã quảng cáo, giới thiệu mập mờ về dự án, khi không làm rõ về vấn đề đây chỉ là dự án căn hộ cao cấp cho thuê (từ tầng 16 - 25) chứ không thể sở hữu nhà.

Việc làm này đã gây "hiểu nhầm", khi nhà đầu tư tin tưởng rằng họ có thể được làm sổ hồng/giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các căn hộ của Dự án.

Thực tế, các nhà đầu tư này đã phải đóng tiền thuê căn hộ trong 50 năm - rất giống với việc đóng tiền mua nhà chung cư. Tuy nhiên, thay vì được cấp sổ hồng, họ sẽ chỉ được vào ở trong căn hộ với thời gian dài hạn mà thôi.

Ông S - một nhà đầu tư tại Dự án Licogi 13 Tower cho biết đây là dự án văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê:

"Khi mua và ký hợp đồng ở đây thì chúng tôi đã đóng đầy đủ tiền cho chủ đầu tư và bây giờ chỉ được thuê căn hộ cao cấp trong vòng 50 năm chứ không có quyền sở hữu nhà. Vì thế, việc làm sổ hồng/giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với những người đã đóng tiền để được vào đây ở là không thể".

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận