Bắc Giang: Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai sửa đổi: Tranh cãi quanh quy định đơn vị độc lập thẩm định giá đất
Ngành Tư pháp Hà Tĩnh: Đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định đấu giá đất
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Dự án nhà ở, đô thị muốn thực hiện phải đấu giá
Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 31/01/2023 của UBND tỉnh Bắc Giang, vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi Quang Huy – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và các đại diện đại diện các Sở, cơ quan, ban ngành; UBND các huyện, thành phố…

Hình ảnh minh họa.
Tại hội nghị, Đồng chí Bùi Quang Huy – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan về việc sửa đổi Luật Đất đai. Đồng thời, đề nghị công chức, viên chức và người lao động của ngành tài nguyên và Môi trường; các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là ý kiến về các nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật và các nội dung có liên quan đến phạm vi quản lý của ngành tài nguyên và môi trường, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định về đất đai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được công khai lấy ý kiến trong Nhân dân gồm 16 chương, 236 điều. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã tóm tắt một số nội dung trọng tâm cũng như một số điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để các đại biểu nắm bắt được và tập trung tham gia đóng góp ý kiến gồm: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến trực tiếp về các nội dung trọng tâm. Các đại biểu cơ bản nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung trong Dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dự thảo đã có nhiều quy định khắc phục được những bất cập trong Luật Đất đai 2013, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản…
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Lương Văn Nghiệp – Phó Giám đốc Sở đề xuất thống nhất giữa khoản 1 và khoản 2, Điều 53 về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, trong đó nêu rõ những quy định của việc chuyển nhượng đất theo hình thức phân lô, bán nền. Đồng thời, trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc đề xuất danh mục các dự án thu hút đầu tư, các dự án trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là hết sức cần thiết và cần bổ sung quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo, tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Bất động sản tỉnh đề xuất bổ sung chi tiết đối với Điều 64, Điều 65, Điều 68 trong thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Việc lập Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất phức tạp, căn cứ theo điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kế - xã hội tại địa phương nên cần đánh giá kỹ nội dung này để khi ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn phù hợp.
Một số ý kiến góp ý về các vấn đề mới như: quyền tiếp cận thông tin đất đai (Điều 25); quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời theo quy định của pháp luật (khoản đ, Điều 49); trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 67); một số các điều khoản liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,...
Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Bùi Quang Huy – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao phòng Quản lý đất đai là đơn vị chủ trì tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Trước đó UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: Các tầng lớp Nhân dân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở địa phương; Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác…
Gửi bình luận