Bắc Giang là địa phương đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD thu hút FDI
Trong 3 tháng đầu năm, Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam thu hút hơn 14 tỷ USD vốn FDI
Long Khánh “cực tăng trưởng” mới thu hút FDI miền Đông Nam Bộ

Ảnh minh họa. (Nguồn: Infonet)
Theo số liệu mới nhất về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính từ đầu năm đến 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo địa bàn đầu tư, báo cáo cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 20,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Đây cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2023.
Cục Đầu tư nước ngoài lý giải, vốn đầu tư của Bắc Giang tăng mạnh do có tới 3 dự án đầu tư lớn, có vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Các dự án này đã chiếm tới 97% tổng vốn đầu tư của Bắc Giang trong 3 tháng.

Số liệu: fia.mpi.gov.vn
Đồng Nai xếp thứ hai với 18 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, chiếm hơn 11,1% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, TP HCM, Hải Phòng,… Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (41,4%), số lượt dự án điều chỉnh (15,8%) và GVMCP (66,6%).
Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ song đã có cải thiện so với 02 tháng đầu năm 2023 (Cụ thể: Giảm 2,2% so với cùng kỳ và tăng 2,7 điểm phần trăm so với 02 tháng năm 2023).
Cùng với đó, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư,…) như Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP HCM, Hải Phòng,…
Tính lũy kế đến ngày 20/03/2023, cả nước có 36.881 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 278,3 tỷ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong đó TP HCM là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI với hơn 56,4 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 36,7 tỷ USD (chiếm hơn 8,9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 38,9 tỷ USD (chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư).
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam giảm mạnh
Theo chiều ngược lại, trong 03 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 119,5 triệu USD (bằng 56,5% so với cùng kỳ).
Trong đó, có 21 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 113,3 triệu USD (bằng 62,8% so với cùng kỳ); có 07 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 6,2 triệu USD (bằng 19,9% so với cùng kỳ).
Lũy kế đến 20/03/2023 Việt Nam đã có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,9 tỷ USD.
Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm gần 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,7%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,5%); Campuchia (13,5%); Venezuela (8,3%);…
Gửi bình luận