Theo PGĐ Đại học QGHN, muốn đánh giá năng lực người học một cách toàn diện, phải dựa trên nền tảng kiến thức THPT kết hợp với vốn kiến thức xã hội.



Trước kỳ thi Đánh giá năng lực của trường ĐH QGHN đang đến gần, ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐH QGHN đã chia sẻ với Phapluatplus về những lưu ý trong việc ôn luyện cho kỳ thi này.

Thưa ông, đối với đề thi Đánh giá năng lực năm nay, các thí sinh cần ôn tập như thế nào?

Bài thi đánh giá năng lực đòi hỏi kiến thức rộng, bao gồm cả lớp 10, 11 và 12, trong đó chủ yếu là lớp 12. Đại học Quốc gia Hà Nội muốn đánh giá năng lực người học một cách toàn diện, dựa trên nền tảng kiến thức THPT kết hợp với vốn kiến thức xã hội.

Tuy nhiên, thí sinh không nên quá lo lắng vì thực tế từ kỳ thi năm 2015, các thí sinh ở thành phố hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều thích ứng với điều kiện thi trên máy tính cũng như cách thức ra đề thi này.

Kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực năm trước cũng cho thấy, những học sinh có học lực khá, giỏi đều đạt kết quả khá tốt trong bài thi đánh giá năng lực. Những thí sinh có điểm cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực cũng đồng thời có điểm rất cao trong kỳ thi THPT quốc gia.

Theo Phó Giám đốc ĐH QGHN, muốn đánh giá năng lực người học một cách toàn diện, dựa trên nền tảng kiến thức THPT kết hợp với vốn kiến thức xã hội. Ảnh minh họa.
Theo Phó Giám đốc ĐH QGHN, muốn đánh giá năng lực người học một cách toàn diện, dựa trên nền tảng kiến thức THPT kết hợp với vốn kiến thức xã hội. Ảnh minh họa.

Đối với các thí sinh học quá thiên lệch một số môn thì cần ôn tập thêm các kiến thức của những môn học khác nữa, thí sinh có thể vào trang chủ của ĐH Quốc gia Hà Nội để làm quen với hình thức thi này bằng một số đề thi mẫu.

Năm nay, trường có thay đổi như thế nào trong bộ đề thi? Nhất là việc đảm bảo cân bằng độ khó và tránh sự trùng lặp?

Năm nay, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cân bằng độ khó. Hàng năm, Đại học Quốc gia Hà Nội đều có những bước sàng lọc bộ đề với tỷ lệ đảm bảo cân bằng độ khó giữa các kỳ thi trước và sau, theo các năm, đồng thời cũng bổ sung, mở rộng những câu hỏi mới với tỷ lệ hợp lý.

Về cơ bản, cấu trúc đề thi không có gì thay đổi so với năm 2015, được chia thành các phần bắt buộc và tự chọn, 140 câu hỏi tương ứng với 140 điểm và chưa tính hệ số.

Ngoài ra, đề thi năm nay cũng sẽ tăng cường những câu hỏi theo hướng mở, gắn với kiến thức thực tế. Tỷ lệ câu hỏi này sẽ được gia tăng dần qua mỗi năm để thí sinh có thể thích ứng.

Vấn đề đăng ký dự thi gián tiếp qua trang web của Trung tâm có lợi thế ra sao, thưa ông?

Phần mềm của ĐH Quốc gia Hà Nội thiết kế cho phép thí sinh đăng ký ứng tuyển vào các chương trình đào tạo của trường.

Việc đăng ký online giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cũng như căng thẳng không cần thiết cho thí sinh và gia đình; đồng thời, giúp công tác xét tuyển của trường nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Thí sinh có thể vào trang web chung của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc website từng đơn vị thành viên để trực tiếp đăng ký vào các chương trình mình có nguyện vọng.

Kỳ thi Đánh giá năng lực được tổ chức thành 2 đợt thi:

Đợt 1 diễn ra từ ngày 05/5/2016 đến ngày 08/5/2016;

Đợt 2 diễn ra từ ngày 13/5/2016 đến ngày 15/5/2016.

Thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 từ ngày 2/3 đến hết 17h ngày 22/3, thông qua 2 hình thức đăng ký TẠI ĐÂY và nộp lệ phí tham dự thi theo hướng dẫn; hoặc đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Khảo thí ĐH QGHN tại địa chỉ: Tầng 3, nhà C1T, số 144 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).

Kỳ thi được tổ chức tại TP Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An) và Đà Nẵng.

Năm nay, có 6 trường ĐH, CĐ không thuộc ĐH QGHN sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển, bao gồm: ĐH Thủ Đô, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận