e magazine
NTK Vũ Lan Anh và câu chuyện chưa kể của BST “Tinh hoa đờn ca Việt”

23/11/2020 15:46

BST “Tinh hoa Đờn ca Việt” xuất hiện trong đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam năm 2020 “đắt giá” bởi những câu chuyện văn hoá ẩn sau từng bộ đồ.

BST áo dài “Tinh hoa Đờn ca Việt” đã ra mắt khán giả với phần trình diễn của Hoa hậu Kỳ Duyên và 7 thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020. Tuy nhiên, khi không còn ánh đèn hào nhoáng, ít ai để ý đằng sau mỗi chiếc áo, mỗi bộ cánh lộng lẫy ấy là cả một câu chuyện dài. Đó là hành trình của người nghệ sĩ cần mẫn tìm tòi, sáng tạo để có thể hiện thực hoá một nét văn hoá vùng miền của Việt Nam bằng ngôn ngữ thời trang.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền, chuyên sâu về các chuyên môn thời trang xung quanh BST “Tinh hoa đờn ca Việt” với NTK Vũ Lan Anh, đại điện thương hiệu Áo dài La Sen Vũ. Với niềm tin và tâm huyết nâng tầm văn hoá và trang phục Việt, NTK Vũ Lan Anh đã dành nhiều thời gian và hào hứng chia sẻ từng chi tiết từ khâu lên ý tưởng đến quá trình hoàn thiện BST đầy công phu của mình.

Slide1.
1.

- Điều gì đã đưa chị đến với ý tưởng của BST “Tinh hoa đờn ca Việt”?

- Cách đây nhiều tháng, tôi đã được BTC và đạo diễn Hoàng Nhật Nam trao đổi về ý tưởng trình diễn áo dài cho đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020. Chủ đề xuyên suốt hành trình cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 là “Thập kỷ hương sắc”, đánh dấu mốc 10 năm gần đây cuộc thi đã tôn vinh những người phụ nữ đẹp cả về sắc vóc, trí tuệ, lòng nhân ái trong thời đại mới. BTC mong muốn chủ đề “Thập kỷ hương sắc” được thể hiện và trình diễn qua 5 nhóm đề tài tương ứng với 5 nhóm thí sinh, mỗi nhóm một chủ đề tôn vinh giá trị những di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam trên trang phục áo dài.

Gương mặt dẫn đầu 5 nhóm thí sinh là 5 Hoa hậu đại diện cho các năm. Đầu tiên là Hoa hậu Ngọc Hân (2010) và sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Thứ hai là Hoa hậu Đặng Thu Thảo (2012) và chủ đề “Văn hoá Đông Sơn thời Vua Hùng” do nhà thiết kế Song Toàn nghiên cứu. Thứ ba là Hoa hậu Kỳ Duyên (2014) với chủ đề “Đờn ca tài tử” - di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2013 – do tôi đảm nhiệm. Thứ tư, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (2016) trình diễn áo dài văn hoá thực hành nghi thức thờ Mẫu, do NTK Trần Thiện Khánh thiết kế. Thứ năm là Hoa hậu Trần Tiểu Vy (2018) với sự kiện Seagame Việt Nam bước sang trang mới, do NTK Ngô Nhật Huy phụ trách.

Bởi vì yêu cầu của đạo diễn về chuyên môn rất cao, chúng tôi đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng trong thời gian tính bằng tháng từ khâu lên ý tưởng, trao đổi và sửa đổi thiết kế cùng nhau, rồi mới tập trung nguồn lực để làm nên những tác phẩm đẹp.

Slide5.

- Khi đảm nhận đề tài này, chị đã lên kế hoạch tiếp cận đề tài như thế nào? Hay nói cách khác, chị tìm kiếm nguồn cảm hứng như thế nào?

- Khi nghiên cứu về “Đờn ca tài tử” tôi đã đọc nhiều về quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật này và Đờn ca tài tử xuất hiện cách đây hơn 100 năm đến nay vẫn giữ được sức sống mãnh liệt với tầm ảnh hưởng rộng khắp 21 tỉnh thành phía Nam.

Đờn ca tài tử không ngừng sáng tạo nhờ tính ngẫu hứng biến hoá bởi cảm xúc và biệt tài của người chơi nhạc. Bằng cả khối óc và tâm hồn, họ thăng hoa biến hoá không gò bó trong cách diễn xướng. Người dân Nam Bộ đờn ca dân dã bình dị sau những giờ làm việc đồng áng, trước hiên nhà hay trên ghe thuyền đặc trưng sông nước Nam Bộ hoặc đơn giản diễn xướng khi miệt vườn.

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh cho biết Đờn ca tài tử bắt nguồn từ nhạc lễ, nhạc cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian Nam Bộ. Song những âm điệu và tướng hát dân dã của loại hình sinh hoạt văn hoá này là dấu chấm cuối cùng của nền âm nhạc cổ trước khi tân nhạc ra đời. Mang giá trị di sản của nhân loại và là báu vật của vùng đất phương Nam, Đờn ca tài tử ngày nay cần được bảo tồn và phát triển hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó tôi còn nghiên cứu rất nhiều về trang phục khi người dân đờn và nghiên cứu về trang phục xưa của người đồng bằng sông Cửu Long. Những phụ nữ Nam Kỳ xưa mặc áo dài choàng khăn trong đó có hoạ tiết khăn rằn, bới tóc đằng sau. Tôi cũng tìm hiểu trang sức những phụ nữ Nam Bộ sử dụng như kiềng cổ bạc, ngọc trai chuỗi, nhẫn hột xoàn, chuỗi hạt nhiều vòng,.. hay về không gian diễn xướng tại miệt vườn, trên sân nhà, trên thuyền ghe sông nước, nơi đình chùa. Trang phục họ mặc là áo bà ba, trên cổ hoặc trên đầu quấn khăn rằn. Mặt khác, những người tham gia đờn ca phần lớn là bạn bè chòm xóm tập trung lại để chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Các tài tử sử dụng các loại nhạc cụ đặc trưng: đàn tranh, sáo nguyệt nhị, đàn bầu, đàn ghita phím lõm và đàn tỳ bà.

Khi nghe về nhạc cụ trong nghệ thuật Đờn ca tài tử tôi có tham vấn ý kiến của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - người nghiên cứu nhạc cổ hơn 20 năm. Nhà nghiên cứu đã góp ý kiến khi tôi đưa bản thiết kế cho ông xem, ông cho biết rằng đàn tỳ bà không thực sự có thanh âm hay trong khi đàn hát và tài tử chọn thay bằng đàn sến. Tôi vẫn nhớ, lúc ấy nhà nghiên cứu cũng đã góp ý chân thành rằng “nên thay hình ảnh đàn tỳ bà bằng đàn sến bởi đường cong tròn như bông hoa sẽ làm mềm mại hơn trên tà áo dài sát thực với lối chơi đờn ca hơn”. Điều này đã tạo động lực cho tôi tạo nên một trong những thiết kế của mình.

Slide3.
2.

- Việc sử dụng chất liệu lụa Lãnh Mỹ A cho BST của mình có ý nghĩa gì đặc biệt với chị không?

- Tôi đã yêu mến và sử dụng lụa Lãnh Mỹ A từ lâu – thứ lụa đặc trưng vùng đất An Giang. Từ khi các NTK đưa ra Lãnh Mỹ A lên sàn diễn tôi đã yêu mến và chung tay muốn bảo tồn và phát triển ứng dụng vào đời sống chứ không chỉ sử dụng trên sàn diễn thời trang. Việc giữ gìn những giá trị văn hoá dân gian, các chất liệu dân gian đang bị mai một trước xu hướng sợi ni lông thịnh hành bởi có chi phí thấp hơn. Tôi luôn đau đáu muốn đóng góp sức để thực sự đưa lụa Lãnh, lụa Vạn Phúc, đũi Hà Nam, Thái Bình vào trong những thiết kế mang tính ứng dụng sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Sau khi xác định được chất liệu chủ yếu là Lãnh Mỹ A nhưng nếu dành cho các cô gái mới độ tuổi 20 trẻ trung của chương trình Hoa hậu Việt Nam 2020, thì lụa Lãnh với đặc trưng sắc đen tuyền nhuộm thủ công từ trái mặc nưa sẽ khá tối khi lên sân khấu. Để thể hiện sự trẻ trung, năng động, tươi mới ở các thí sinh, tôi đã kết hợp lụa Lãnh đen tuyền với sắc hồng đặc trưng của Ruby Lục Yên và sắc xanh neon của đá quý Spinel, Peridot Lục Yên mà tôi sưu tầm đã lâu nay.

BST “Tinh hoa đờn ca Việt” chia theo 2 gam màu chính: 4 mẫu có màu đặc trưng của hồng Ruby, 4 mẫu đặc trưng xanh đá Spinel, Peridot Lục Yên. Những mảng màu xanh và hồng được bố cục 30% sẽ tập trung ở những phần ngực hoặc tay áo để tăng độ sáng cho khuôn mặt tạo sự trẻ trung tươi mới đúng với lứa tuổi của các thí sinh.

Slide6.

- Chị còn trăn trở gì với những thiết kế áo dài của mình không?

- Tôi cũng trăn trở khi đạo diễn yêu cầu bộ áo dài mà Hoa hậu năm đăng quang (first face) phải khác biệt, lộng lẫy hơn. Và quả thực chiếc áo dài Hoa hậu Kỳ Duyên mặc tôi đã ấn định trong thiết kế là sẽ sử dụng hàng trăm viên Ruby hồng Lục Yên để gắn kết trên nền lụa Lãnh đen tạo ra thẩm mỹ và giá trị riêng khác với áo dài của các bạn thí sinh mặc. Và tone màu chủ đạo sau cùng tôi đưa lên trên những thiết kế là màu sắc đen của lụa Lãnh 70% kết hợp với 30% sắc hồng của Ruby Lục Yên và xanh đặc trưng của Spinel, Peridot Lục Yên.

Công đoạn chuẩn bị vài trăm viên Ruby hồng tự nhiên thực cũng là một áp lực. Tôi tuyển chọn những viên Ruby chất lượng có lửa mạnh, có độ trong cao để tạo nên màu sắc đối chọi và độ lấp lánh bởi viên Ruby quá nhỏ so với tà áo Lãnh. Giá trị trên thị trường mỗi viên Ruby từ 4-6 triệu mà hàng trăm viên Ruby hồng thì không hề rẻ đối với tôi, chưa kể đến việc đính cùng những viên kim cương moisainite tạo độ sáng.

Tôi đã phải chuẩn bị ngay từ khi BTC đưa cho chủ đề, và vài tháng để lên chấu chân bằng vàng trắng cho mỗi viên Ruby. Vì Ruby tự nhiên mỗi viên có một kích thước khác nhau nên công đoạn làm chấu chân từ lúc lên thiết kế, lên sáp đến hoàn thiện cũng khá lâu để có những viên Ruby hoàn chỉnh đính lên chiếc cổ áo dài.

- Vậy còn chi tiết hoa sen và hoạ tiết khăn rằn ?

- Đờn ca tài tử phổ khắp ở 21 tỉnh thành Nam Bộ đây là chi tiết để tôi nảy sinh ý tưởng sử dụng những hình ảnh đặc trưng của vùng đất Nam Bộ - hoa sen, khăn rằn, lụa Lãnh. Hình ảnh hoa sen là quốc hoa Việt Nam – và Đồng Tháp Mười là vùng đất với bạt ngàn hoa đầm hoa sen, hình ảnh hoa sen xuyên suốt trong BST “ Tinh hoa Đờn Ca Việt” và cũng là hình ảnh thương hiệu La Sen Vũ sử dụng trên logo và trong các bộ sưu tập nhiều năm qua.

Chiếc khăn rằn gắn với hình ảnh đặc trưng không thể thiếu của người dân Nam bộ và hình ảnh chiếc khăn rằn khi tài tử quấn trên cổ, trên đầu khi đàn ca cũng làm tôi tập trung nghiên cứu tìm ra những hình ảnh nhận diện quan trọng khi đưa vào thiết kế.

Xác định được chất liệu lụa Lãnh Mỹ A và đũi mặc nưa đen 70% kết hợp với lụa mỏng và nhung 30% (hiện xu hướng miền Bắc rất chuộng mặc nhung). Tone màu chủ đạo của BST là hồng Ruby và xanh Spinel, Peridot kết hợp với hình ảnh đặc trưng vùng Nam Bộ: rặng dừa xanh, ghe thuyền, bộ tứ tuyệt nhạc cụ, khăn rằn, hoa sen. Và tôi bắt tay vào thiết kế.

Slide4.

- Được biết chuyên ngành của chị là kiến trúc, điều này có ảnh hưởng đến thiết kế thời trang của chị không?

- Có chứ. Nguyên tắc thiết kế của tôi luôn áp dụng tỷ lệ vàng trên mỗi tà áo. Áp dụng tỷ lệ vàng cụ thể mà các hoạ sĩ, kiến trúc sư hay tính toán là kiến thức mà tôi tâm đắc nhất khi thiết kế áo dài. Như vậy, các hoạ tiết, màu sắc, bố cục sẽ tuân theo tỷ lệ vàng để tôn dáng, tôn chiều cao và che khuyết điểm cho người mặc.

Nhờ kiến thức tôi đã được thực hành nhiều khi vẽ tượng và áp dụng khi làm thời trang sẽ cho tôi cách tính ước chừng nhanh nhất để tạo ra tà áo dài có tỷ lệ đẹp tôn vóc dáng người mặc .Để từ đó áp dụng tính toán phân chia mảng miếng màu sắc hoạ tiết trên mỗi tà áo dài trên từng số đo cơ thể.

3.

- Mỗi bộ trang phục của các NTK đều có câu chuyện ẩn chứa sau đó. Liệu chị có thể chia sẻ kỹ hơn về ý tưởng từng bộ đồ trong BST “Tinh hoa đờn ca Việt”?

- Tất nhiên rồi, chỉ là các bạn có đủ thời gian nghe tôi kể hết không mà thôi. Vì có nhiều yếu tố chuyên môn thời trang nên tôi sẽ cố gắng diễn giải đơn giản nhất.

Slide7.

Đầu tiên là bộ áo dài dành cho first face – Hoa hậu Kỳ Duyên. Tinh thần ý tưởng chủ đạo là tái hiện cảnh sinh hoạt đờn ca nhóm 5 người với 5 loại nhạc cụ bố cục phía dưới tà về phía 2 mép của vạt áo để màu đen của lụa Lãnh xuyên suốt trải dài trên toàn bộ thân áo tạo cảm giác người mặc không bị chia tỷ lệ làm 2 sẽ gây thấp so với chiều cao thật. Và nhóm 5 người đờn ca sử dụng tone màu chủ đạo hồng làm rực rỡ hơn cho mẫu áo dài quan trọng nhất của BST.

Kết hợp cổ áo đính đá quý Ruby hồng hình tia hướng tâm để tạo cảm giác sự thu hút mạnh mẽ vào gương mặt. Áo choàng đen voan mỏng được thêu tay hoa sen bằng chỉ tơ cao cấp tạo ra hình ảnh cả đầm sen Đồng Tháp rực rỡ. Áo dài kết hợp với khăn đống nhỏ lặp màu đen hồng điểm xuyết bông sen. Phom dáng áo dài truyền thống ôm sát cơ thể, tà cắt thẳng. đáy tà nhỏ để lộ đường biên hồng của quần giúp người mặc nhiều sắc hồng trẻ trung hơn dễ dàng cảm nhận đường cong của eo, của hông.

Slide8.

Bộ thứ 2 được thí sinh Nguyễn Lê Phương Thảo – SBD 116 trình diễn. Tôi kết hợp sắc hồng trên nền hoạ tiết caro với hoa sen bố cục thẳng đứng như những cánh hoa sen vươn lên đầy sức sống. Nét cắt cúp phía eo tạo điểm nhấn giúp người mặc thon gọn hơn. Việc sử dụng nhiều sắc hồng trên phần vai và ngực làm cho thí sinh trẻ trung hơn và vẫn tuân thủ nguyên tắc 70% là lụa Lãnh đen và 30% là sắc hồng. Hoa sen được làm thủ công khâu đắp, đính cườm tỷ mỉ.

Bộ thứ 3 do thí sinh Doãn Hải My – SBD 319 trình diễn. Đây là sự kết hợp hoạ tiết mây trời bố cục hướng ngang làm nền cho chiếc đàn sến. Vì thân đàn to nên bố cục trên tà áo dài phom dáng truyền thống sẽ bố trí được dưới đáy tà áo nhưng vẫn áp dụng nguyên tắc tỷ lệ vàng , nguyên tắc chính phụ để hoạ tiết hoà quyện không bị phân tách tỷ lệ người mặc.

Việc sử dụng chất liệu lụa Lãnh mỹ A cũng gặp trở ngại nếu các đường may dáng rộng sẽ tạo ra nhăn nhúm mà tôi vẫn muốn giữ được dáng chuẩn của 1 tà áo dài là tay ráp-lăng ôm sát, chính vì thế trong mẫu thiết kế với bạn nào chỉ số hình thể vai ngang, xương đầu vai nhô tôi sẽ sử dụng vải lụa mềm hoạ tiết khăn rằn để thay thế lụa Lãnh, nhăm hạn chế độ bóng độ nhăn phần nách gập tay.

Bộ áo dài này được gắn kết 2 tà lụa mềm hồng nhắm tạo sự uyển chuyển, tạo ra hiệu ứng mềm mại lãng mạn trên sân khấu. Và chính bộ này tôi đã thay thế hình ảnh đàn tỳ bà bằng đàn sến theo góp ý của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

Bộ thứ 4 được thí sinh Nguyễn Hà My – SBD 335 biểu diễn. Cũng trên nguyên tắc sử dụng sắc đen tuyển 70% và hồng 30%. Tà áo này sử dụng hình ảnh đàn bầu vì cấu tạo chiếc đàn bầu dài nên được bố trí dưới đáy tà. Nếu tuân thủ cấu tạo đàn bầu nằm ngang, tà áo dài sẽ bị cứng và chia cắt đoạn chính vì thế nên sử dụng nét cắt chéo theo đường cong nhẹ tạo độ mềm mại nhưng cũng phân tách tỷ lệ chính phụ rõ ràng nên phần màu hồng chỉ xuất hiện phụ trợ dưới đáy tà và ráp hoạ tiết đàn bầu chạy chéo theo. Ở đây áp dụng nguyên lý thiết kế trong kiến trúc về trọng lực, phần ráp giữa 2 chất liệu bởi chiếc đàn bầu sẽ nặng việc bố trí dưới đáy tà sẽ tạo độ rủ độ buông bay cho tà áo.

Đặc biệt tư duy về đưa hoạ tiết lên tà áo dài một cách đầy đồng điệu hoà quyện tạo ra những gắn kết có lý, không tuỳ tiện đăt tại các vùng nhạy cảm như bụng, đầu ngực sẽ thu hút sự chú ý không che được khuyết điểm của người mặc. Bộ áo dài kết hợp với áo choàng nhỏ trên vai thêu 2 bông sen 3D nổi sắc hồng ánh lên khuôn mặt trẻ trung của thí sinh.

Slide9.

Mẫu thứ 5 do thí sinh Phạm Thị Ngọc Ánh – SBD 322 thể hiện. Bộ đồ thí sinh trình diễn được sử dụng tone xanh Spinel, Peridot và cũng là hình ảnh những rặng dừa nước xanh mướt che bóng những ghe thuyền của nhóm tài tử đang say sưa đờn ca trên nền sông nước lấp lánh. Bộ áo dài kết hợp với tà khăn khâu đính vắt chéo nhẹ sau vai in hoạ tiết những tàu dừa xanh mát bóng. Và toàn bộ 4 mẫu xanh tôi đã sử chuẩn bị hoa tai vàng đính đá Spinel, Peridot để kết hợp, tuy nhiên khi thí sinh mặc trang phục trình diễn được yêu cầu sử dụng trang sức phụ kiện ngọc trai của nhà tài trợ Long beach Pearl.

Bộ áo dài thứ 6 của thí sinh Lê Trúc Linh – SDB 077. Tôi sử dụng hình ảnh chiếc đàn nguyệt ( đàn kìm) mặt đàn nhỏ nên được bố cục phần ngang hông trên nền mây trời xanh trải dọc thân tà được đắp nổi kết đính khâu tay. Bộ áo dài sử dụng cắt cúp kết hợp mảng nhung the xanh chiếm tỷ lệ 30% màu đen Lãnh vẫn là 70%. Bề mặt nhung the xốp sẽ đối lập với chất liệu mượt mà đen bóng của lụa Lãnh.

Tiếp theo là bộ áo dài thí sinh Nguyễn Thị Bích Thuỳ - SBD 182. Được kết hợp tà choàng dài may 2 lớp lụa Lãnh và lót hoạ tiết caro khăn rằn tạo ra một background xanh nổi bật nền đen lụa Lãnh. Toàn bộ thân áo sử dụng hoạ tiết sen thẳng đứng vươn mình căng tràn sức sống trên nền lụa Lãnh. Chính vì thế phần tay áo giác lăng tôi sử dụng sắc xanh để giảm nhẹ màu đen huyền bí. Bố cục dọc thẳng đứng của hoa sen, của cườm dọc eo để đối lập với hoạ tiết caro ngang trên 2 cánh tay áo tạo nên sự hài hoà không nhàm chán.

Bộ cuối cùng được trình diển bởi thí sinh Nguyễn Khánh Ly – SBD 237. Lấy cảm hứng từ mặt đàn tranh, những dây đàn được kết cườm chạy dọc theo toàn bộ thân áo, điểm xuyết phím đàn hoạ tiết trang trí áp dụng kiến trúc âm dương đặc rỗng đối lập tạo ra điểm nhấn tối màu trên nền mặt nhung xanh xốp và ngược lại tay áo sắc đen để kéo lại phần màu. Bộ áo dài này tôi sử dụng 30% sắc đen của lụa Lãnh và 70% sắc xanh của nhung the.

Tất cả 8 bộ áo dài được kết hợp với 8 khăn đống size nhỏ tạo cảm giác gần gũi, dễ thương. Tôi đã trao đổi với ekip trang điểm sử dụng tone màu nhẹ nhàng, tóc bổ giữa 50/50 ép sát sau tay để cho gương mặt sáng nhất. Tóc búi sau gáy giống phụ nữ Nam bộ đồng thời giữ chặt mấn khi đội.

Slide10.

- Quả thực thiết kế lên một bộ đồ tưởng chừng đơn giản nhưng không hề như vậy. Với một công trình công phu như vậy, chị mong muốn truyền tải những thông điệp gì tới khán giả?

- Tất cả các bộ trang phục được chuẩn bị tỷ mỉ và công phu tạo ra giá trị riêng của BST và cũng là tài sản riêng của tôi. Đây là BST tôi muốn lưu lại trưng bày tại cửa hàng, là những tác phẩm tôn vinh loại hình nghệ thuật dân gian đờn ca tài tử, tôn vinh bảo tồn tơ lụa Việt Nam, và giới thiệu tài nguyên khoáng sản Việt Nam hướng tới toàn lễ kỷ niệm 75 năm ngày di sản Việt Nam 23/11/1945 – 23/11/2020.

Theo tôi, Đờn ca tài tử là loại hình dân gian thực sự là cuộc đối thoại của tâm hồn, tạo ra những giá trị nhân văn cao đẹp lối ứng xử, sự gắn kết cộng đồng, sự sẻ chia quen thuộc, lòng nhân ái của con người Việt Nam. Lý tưởng cao đẹp này cũng là tinh thần chủ đạo mà La Sen Vũ muốn truyền tải thông qua BST trình diễn trong đếm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020.

4.

- Chị có suy nghĩ gì về sự sáng tạo của người nghệ sĩ?

- Theo tôi, sự sáng tạo của các nhà thiết kế là không giới hạn và là một trong những điều bí ẩn nhất của bản thân mỗi con người. Sáng tạo đột phá từ họa tiết, phom dáng, chất liệu để làm nên các tác phẩm thời trang mang tính thẩm mỹ cao. Dựa trên cảm xúc, tư duy, trình độ, cá tính, sự nhay bén tinh tế khéo léo riêng của từng người để xử lý cùng một chất liệu, cùng một đề tài, quá trình tư duy để xây dựng ý tưởng của mỗi người đều khác nhau. Đơn cử, tà áo dài của La sen vũ luôn chú trọng tạo ra những tỷ lệ đẹp tôn được vóc dáng và che khuyết điểm của người mặc.

Slide2.

Do vậy, nhà thiết kế phải hiểu biết về chất liệu mình đang làm từ bề mặt, cấu trúc co giãn, độ rủ, màu sắc hiệu ứng, để tạo những kiểu dáng mình mong muốn! Tôi không thể ráp nối chiếc khăn rằn với lụa lãnh theo phương dọc bởi 2 cấu tạo cấu trúc vải khác nhau sẽ không tạo ra một phom dáng áo dài ôm sát chỉn chu. Tôi chỉ sử dụng hoạ tiết của khăn đưa vào thiết kế đâu đó để thể hiện sự gắn kết cộng đồng, sự yêu thương sẻ chia như đúng giá trị lụa Lãnh cao quý và khăn rằn đơn sơ.

Bên cạnh đó, NTK cũng phải hiểu về đối tượng đang hướng tới để thiết kế của mh dù thăng hoa nhưng vẫn phù hợp với đối tượng người mặc. Tôi nghĩ điều quan trọng là tư duy khác biệt, dám đổi mới, không bị áp lực kiểm soát cảm xúc, cùng sự nhạy bén về xu hướng và cơ hội để tạo ra những sáng tạo có giá trị, nhấn mạnh được cái tôi, cá tính và dấu ấn riêng biệt của mỗi NTK.

- Cuối cùng, trong thời gian tới chị có dự định gì tiếp theo không?

- Thời gian tới tôi vẫn tiếp tục dành trọn tình yêu và tâm sức cho tà áo dài truyền thống và vẫn tôn vinh những giá trị văn hoá dân gian, nghệ thuật dân gian, tôn vinh tơ lụa chất liệu việt trên tà áo để góp phần giữ gìn và phát triển. Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn nghiên cứu hàng ngày để giúp nâng tầm những tri thức mới, kiểu cách, chất liệu, kỹ thuật cắt may mới trong nghề làm áo dài việt trong thời đại hội nhập hiện nay.

Tôi mong rằng bản thân có thể góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc tế cho áo dài Việt Nam. Cũng như một câu nói tôi ưu thích từ NTK Christian Dior: “Tôi không bán một sản phẩm, tôi bán một ý tưởng, tôi bán một giá trị văn hoá”.

- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ cho bài phỏng vấn này, chúc chị luôn thành công.

Nội dung: Đỗ Trang - Thiết kế: Vũ Lành