Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng.



Quán quân về lợi nhuận ngành ngân hàng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với những kết quả đầy ấn tượng.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 12.419 tỷ đồng, tức là tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm 2021.

Thu nhập lãi thuần tăng 38,8% lên 14.809 tỷ đồng. Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác lại ghi nhận tăng không đáng kể thậm chí là sụt giảm mạnh (lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 79%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 47%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,4%...)

Tăng trưởng lợi nhuận cao được đóng góp bởi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng hơn 21% và giảm 51,6% chi phí dự phòng rủi ro xuống còn 1.678 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, Vietcombank lãi trước thuế 37.358 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước và tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận ngành ngân hàng.

vietcombank-dantri-crop-1667005347931

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản Vietcombank đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2021. Cho vay khách hàng tăng 19,2% lên 1,1 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 9,5%, đạt 1,2 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, số dư nợ xấu tăng 27,6% lên 7.808 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 tăng 50% từ 4.417 tỷ đồng lên 6.623 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,64% lên 0,68%.

Trong năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt 9% so với năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến 12,8%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một TCTD yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023.

Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.

Thông qua phương án tăng vốn điều lệ tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023

Vào ngày ngày 30/1/2023, Vietcombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, quyết nghị một số nội dung quan trọng.

Thứ nhất, thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Tùng vào Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018 - 2023. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị được bầu bổ sung là thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Thứ hai, Đại hội thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018; thông qua việc sửa đổi Điều lệ của Vietcombank đối với nội dung vốn điều lệ sau phát hành theo phương án đã được thông qua và kết quả phát hành thực tế.

Giao/ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018; quyết định ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được hưởng quyền, sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quyết định tất cả các thủ tục, công việc khác có liên quan đến việc tăng vốn điều lệ…

cc

Tờ trình của Vietcombank.

Được biết, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.

Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vietcombank cho biết, việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trên cơ sở đánh giá quy mô vốn của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực. Theo đó, vốn điều lệ của Vietcombank hiện thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước, thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận