"Bởi tư tưởng, quan điểm giáo dục hiện đại là chắp vá, học mót; tính khoa học, tính dân tộc yếu cho dù có hội nhập quốc tế đi chăng nữa, nên không có cơ sở thực tiễn cho việc tích hợp các môn, có áp dụng cũng không có cơ sở đảm bảo thắng lợi".



Đó là nhận định của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam về việc tích hợp môn Lịch sử thành một phân môn, trong dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể của Bộ Giáo dục và đào tạo đang gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Môn lịch sử cần phải độc lập

Thưa Giáo sư, ông có quan điểm như thế nào về thông tin tích hợp môn Lịch sử thành một phân môn trong Dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể của Bộ Giáo dục và đào tạo? 

Không riêng gì môn Lịch Sử, đã có những bức xức về khái niệm môn Giáo dục công dân có tên mới là “Công dân với Tổ quốc”, dù là “với” tổ quốc hay “và” tổ quốc thì đều vô nghĩa, cái đó mà lồng với môn Lịch sử nữa thì càng không thể được, vì vấn đề công dân khác với vấn đề Sử học.

Công dân là nói đến nghĩa vụ, quyền lợi của dân đối với đất nước; Sử là nói lên tiến trình phát triển của cả xã hội, gắn liền với các sự kiện, các nhân vật, với vận mệnh của đất nước qua những thăng trầm của lịch sử, nói lên truyền thống dựng nước và giữ nước.

Cho nên, việc nói rằng môn Lịch sử tích hợp sẽ học được nhiều hơn, theo tôi, điều đó là vô nghĩa, ví như một bát chè đỗ đen mà nấu với đỗ xanh thì đỗ sẽ phải ít hơn khi chỉ là một bát chè đỗ đen hoặc khi chỉ là một bát chè đỗ xanh.

"Chỉ nên tích hợp ở những lớp dưới như ở bậc Tiểu học, vì trẻ em chưa học sâu". Ảnh: Loan Bảo 

Về mặt logic, mỗi môn học có đối tượng học, phương pháp dạy và học riêng, không thể dạy môn Giáo dục công dân hay môn Địa lý như…môn Lịch sử.

Và tùy từng nội dung mỗi bài trong môn mà đinh ra mỗi nội dung riêng biệt; nếu dạy tích hợp sẽ dùng những phần kiến thức nào? Đó là điều không thể giải thích được!.

Cho nên, môn Lịch sử cần phải độc lập. Đành rằng sẽ có những tri thức mới của nhân loại, ra những môn học mới nhưng điều ấy không có nghĩa là ra những môn học mới là cần phải tích hợp.

Ở các nước ngoài, việc tích hợp môn thành một phân môn chỉ áp dụng ở bậc Tiểu học, ông nghĩ sao về điều này?

Chỉ nên tích hợp ở những lớp dưới như ở bậc Tiểu học, vì trẻ em chưa học sâu.

Nhưng từ học sinh THCS trở lên thì phải học riêng biệt, để chuẩn bị cho sự phân luồng, hướng nghiệp (như phân luồng ngành kỹ thuật, ngành khoa học, ngành nhân văn,… ) vì học những môn riêng biệt mới đúng với tính hướng nghiệp, phân luồng mới sâu sắc được. Như học Toán học, Văn học, Sử học sẽ càng hiểu nội dung của từng lĩnh vực, rồi mới có thể đi đến quyết định chọn nghề, sau này chọn tương lai theo hướng nào!?

“Bộ Giáo dục không trả lời được, cứ ào ào đi thôi!”

Thưa ông, khi tích hợp môn Lịch sử thành một phân môn sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào đối với nhà trường?

Dù Bộ trưởng Giáo dục có giải thích thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không thể “thông” được, rằng tại sao tích hợp lại học nhiều hơn?

Rằng chủ chương tích hợp, sách sẽ viết tích hợp hay viết riêng? Nếu sách tích hợp thì trong 1 bài có nội dung môn Sử pha trộn với môn Giáo dục công dân, vậy khi soạn bài này là một người dạy hay là 2 người dạy?

Tôi sợ 1 bài 2 người dạy thì chẳng lẽ 2 người ngồi cạnh nhau trên lớp để dạy trên lớp? còn nếu 1 người dạy thì sẽ bị thừa ra 1 người, nghĩa là sẽ có chuyện giảm biên chế!?

Bộ không trả lời được, cứ ào ào đi thôi!. Giờ cho học sinh tự chọn thì chắc chắn họ sẽ không chọn. Kỳ thi sắp tới có những phòng thi sẽ trống ấy chứ!.

Học cái gì mà cứ “màng màng” như “Cưỡi ngựa xem hoa” thì sao biết lịch sử nước nhà là cái gì!?

Vì…tư tưởng, quan điểm giáo dục là sự chắp vá, học mót

Dưới góc độ là một chuyên gia đầu ngành giáo dục, ông có tán thành với những điểm trong Dự thảo!?

Nhìn chung, dự thảo về Chương trình Giáo dục tổng thể này tôi không tán thành, vì tôi thấy không có cơ sở khoa học, đó là cái quan trọng nhất.

Thứ 2 là không có cơ sở thực tiễn, vì nếu có áp dụng thực tế cũng không có cơ sở đảm bảo thắng lợi.

Thứ 3 là tư tưởng giáo dục, quan điểm giáo dục hiện đại là chắp vá, học mót; tính khoa học tính dân tộc yếu, dù là hội nhập quốc tế đi chăng nữa!. Thậm chí các trường đại học của chúng ta không đảm bảo được cho quốc gia một sức mạnh mềm.

Chương trình Dự thảo của Bộ GD rõ ràng là không “hay”, nhưng nếu nhà nước mà “bật đèn xanh” thì bộ cứ đào tạo thôi, nhưng dùng được hay không thì theo tôi sẽ còn thất nghiệp nhiều, nếu như họ không đào tạo lại.

 

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận