Thái Bình thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập
UBND tỉnh Thái Bình định hướng từng bước chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập sang thực hiện theo cơ chế tự đảm bảo về chi thường xuyên.

Khu vui chơi Trường mầm non tư thục Hoa Thủy Tiên, TP Thái Bình. (Ảnh minh họa)
Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội
Nhằm giải quyết những hạn chế, khó khăn trong thu hút các nguồn lực xã hội hóa giáo dục thời gian qua, cuối tháng 3/2023 tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030. Với định hướng xuyên suốt là: Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các lực lượng xã hội đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao, để giảm áp lực về quy mô trường lớp nhất là ở địa bàn thị trấn, thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp.
Xuất phát từ thực tế, việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển đa dạng các loại hình trường, lớp còn hạn chế; chưa có nhiều loại hình đầu tư (công lập tự chủ, liên kết, hợp tác,...); số lượng cơ sở giáo dục tư thục còn ít; chưa phát triển được trường có cấp tiểu học, trung học cơ sở tư thục; chưa phát triển được trường chất lượng cao. Làm cho tỷ lệ học sinh được tham gia hoạt động giáo dục nghệ thuật, thẩm mỹ, hoạt động thể thao, được học các kỹ năng thực hành xã hội theo hình thức xã hội hóa, tỷ lệ các đơn vị có cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục (hồ bơi, nhà thi đấu, sân bóng đá, thư viện thông minh...) bằng hình thức xã hội hóa còn hạn chế.
Nguyên nhân là việc thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển các trường tư thục chưa đồng bộ (từ quy hoạch phát triển trường lớp, quy hoạch đất đai, mặt bằng, cơ chế đầu tư, cơ chế tuyển sinh, phát triển đội ngũ...) việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa có bước đột phá, chưa rõ lộ trình và cơ chế thực hiện…

Trường THPT dân lập Nguyễn Công Trứ - Thái Bình. (Ảnh: VOV)
Từ những đánh giá trên, UBND tỉnh Thái Bình định hướng từng bước chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập sang thực hiện theo cơ chế tự đảm bảo về chi thường xuyên. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo đó, mục tiêu chung của đề án là tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục; cùng với nguồn lực nhà nước tạo nên sự phát triển vững chắc của sự nghiệp giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; tạo cơ hội cho mọi người, mọi tổ chức đều được đóng góp và được hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển giáo dục.
Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, công nhân lao động, giảm sự quá tải đối với các trường mầm non, phổ thông công lập, nhất là khu vực thành phố, khu công nghiệp tập trung, khu trung tâm huyện, khu đô thị mới đông dân cư, nhằm góp phần giải quyết an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho người học và gia đình người học được tiếp cận các dịch vụ giáo dục đa dạng theo các nhu cầu khác nhau; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân học sinh...
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các trường chuyển đổi sang mô hình tự chủ về chi thường xuyên phải hướng đến giáo dục chất lượng cao.
UBND tỉnh giao chỉ tiêu, đến năm 2025, có từ 03 đến 04 trường mầm non công lập, 01 trường trung học phổ thông (THPT) công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức độ tự chủ chi thường xuyên là 50%. Đồng thời, phấn đấu mỗi huyện phát triển thêm ít nhất 01 trường mầm non tư thục; riêng Thành phố phát triển thêm ít nhất 02 trường mầm non, 03 trường tiểu học (hoặc trường có nhiều cấp học trong đó có cấp tiểu học), 01 trường THCS (hoặc trường có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS), tăng từ 13 trường trở lên so với năm 2022. Tỷ lệ học sinh tư thục: Mầm non đạt 7%, phổ thông đạt 4% trở lên.
Đến năm 2030, các trường mầm non đã hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên, đồng thời chuyển từ 04 đến 05 trường mầm non công lập sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức độ tự chủ chi thường xuyên là 50%; thực hiện chuyển trường THPT đã hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên, đồng thời chuyển 02 trường THPT công lập sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức độ tự chủ chi thường xuyên là 50%.
Tạo điều kiện thuận lợi việc triển khai dự án giáo dục chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế
Đề án của UBND tỉnh nhấn mạnh cần hoàn thiện và ban hành một số cơ chế chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Đó là, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.
Ban hành chính sách của địa phương về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời, thực hiện hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập về thiết bị dạy học tối thiểu (theo danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo) định mức áp dụng bằng định mức các trường công lập trên địa bàn; giáo viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bình đẳng như giáo viên công lập trên địa bàn và hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Bên cạnh đó, Đề án nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập;... Trong đó, có những nội dung đáng chú ý như: Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tăng đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục để từng bước tăng nguồn thu đảm bảo chi thường xuyên.
Phổ biến, tuyên truyền và tập huấn cho các nhà đầu tư, người quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập về các chính sách của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tài trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; lồng ghép các nội dung tuyên truyền, động viên, khuyến khích người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, đóng góp cho giáo dục.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và ưu tiên các hoạt động xúc tiến liên kết, hợp tác với các tổ chức, cơ sở giáo dục có uy tín, chất lượng trong và ngoài nước để hình thành các cơ sở giáo dục tư thục có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ giáo dục cao của xã hội. Trong đó tập trung ưu tiên cơ chế về đầu tư, đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính... để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuận lợi trong triển khai dự án giáo dục chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế.
Gửi bình luận