Các giảng viên ở trường tâm tư vì đại học mang tên cố thủ tướng sắp chuyển giao cho Nguyễn Hoàng Group theo lộ trình xã hội hóa.



Trường Đại học Phạm Văn Đồng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập ngày 7/9/2007 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi và Trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi.

Giai đoạn 1 dự án xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng đến năm 2014 mới hoàn thành, năm 2016 quyết toán tổng kinh phí 307.840.940.000 đồng.

Trường hiện có 21 đơn vị trực thuộc với 9 khoa đào tạo và 191 giảng viên. Từ khi thành lập đến nay, trường ĐH Phạm Văn Đồng đã đào tạo gần 20.000 học sinh, sinh viên.

Phần lớn sinh viên của trường đến từ khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Do đó, trường ĐH Phạm Văn Đồng đóng vai trò khá quan trọng trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ cho tỉnh Quảng Ngãi.

Trường Đại học Phạm Văn Đồng tỉnh Quảng Ngãi - ảnh internet
Trường Đại học Phạm Văn Đồng tỉnh Quảng Ngãi - ảnh internet

Nhưng theo Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhận định, hoạt động của trường hiện nay còn quá nặng nề về bao cấp, thiếu tính cạnh tranh với thị trường, thiếu tính cạnh tranh với các trường đại học khác.

Do đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Phạm Văn Đồng ngày 3/4/2018, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo: "Việc cần làm ngay đó là trường khẩn trương hoàn thiện đề án đổi mới toàn diện theo cơ chế thị trường".

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng nhà trường, chủ trương xã hội hóa là việc làm đúng nhưng phải thực hiện cẩn thận tránh đi chệch hướng và biến thành tư nhân hóa. Và nhà trường hầu như không nắm bắt được nội dung, vì không nằm trong ban thành viên để có tiếng nói, trong khi đúng ra nhà trường phải là người viết đề án.

Ông Vũ chia sẻ tâm tư là trường đang cố gắng để tự chủ, sinh viên liên tục đạt giải Olympic toán học, tiếng Anh, Sao Tháng Giêng, 7 công trình khoa học, là trường ĐH địa phương đầu tiên được Bộ GD- ĐT công nhận đạt chuẩn, nhưng nỗ lực không được ghi nhận.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi, có ý kiến còn cho rằng, trường có 350 giảng viên, đào tạo 300 sinh viên/năm. Trong khi thực tế học viên đang theo học tại trường là 2.598 sinh viên; hệ liên thông là 3.000 sinh viên, trường vừa đào tạo đại học, vừa liên kết đào tạo thạc sỹ, công nhân tay nghề cao.

Điều mà giáo viên trong trường hốt hoảng, đó là không biết trước số phận của mình trôi về đâu, vì trong ban thực hiện cơ chế tự chủ này không có đại diện nhà trường, mọi người chỉ đoán mò và đều ngả theo xu hướng, trường sẽ bị phân lô bán nền.

Theo Nongnghiep.vn vs Giaoduc.net

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận