Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, trong khi chờ đợi bộ môn SGK Lịch sử mới đưa vào giảng dạy, Bộ GD – ĐT phải chỉ đạo các Sở nhanh chóng đưa các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào các hoạt động, chương trình chính khóa, ngoại khóa của môn học.



Trong khi chờ đợi khung chi tiết chương trình tổng thể, Bộ GD & ĐT phải làm gì khi các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo còn đang xem xét để đưa cụ thể vào chương trình SGK mới? Pháp luật Plus đã ghi lại ý kiến của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam.

Thưa PGS, ông đánh giá và nhìn nhận như thế nào về những nội dung và kiến thức lịch sử về các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo trong Sách giáo khoa hiện hành (SGK)?

Đây là những nội dung hết sức quan trọng, là một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hiện nay,  trong chương trình SGK bậc phổ thông cũng đã có nội dung về các cuộc chiến tranh biên giới (SGK lớp 9); riêng về “hải chiến” thì có được nhắc đến trong bộ môn Địa lý.

SGK lớp 9 có bài 32, nói về cuộc đấu tranh bảo vệ đất và trong đó có phần nói về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và mục số 2 là cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Trong chương trình SGK lớp 12 có đưa vào cả 2 bộ sách cơ bản và sách nâng cao.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam trao đổi cùng phóng viên. Ảnh: L.B
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam trao đổi cùng phóng viên. Ảnh: L.B

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc đưa nội dung các cuộc chiến tranh trên vào chương trình SGK còn rất ngắn gọn, đơn giản, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Những kiến thức trên cần phải đưa một cách sâu rộng hơn.

Vấn đề này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của người viết SGK, cũng như nhu cầu giảng dạy của giáo viên, học sinh, những người quan tâm đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 của chúng ta.

Thưa ông, nếu như đưa các cuộc chiến tranh đó vào SGK mới, thì cần nhấn mạnh những nội dung gì?

Thực hiện Nghị quyết 29 của TW Đảng về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và trong đó có chương trình bộ môn SGK; dự kiến đến năm 2018 sẽ bắt đầu đưa chương trình mới vào giảng dạy.

Hiện nay, Bộ GD & ĐT cũng đang tích cực chuẩn bị chương trình tổng thể và trên nền đó sẽ xây dựng ý tưởng các bộ môn, trong đó có bộ môn Lịch Sử.

Chúng tôi dự kiến sẽ đưa những sự kiện hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng để làm cho người dân các thế hệ phải khắc cốt ghi tâm những truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Bên cạnh đó là đưa vào tất cả các cấp học, thậm chí là cả tiểu học.

Có thể, nội dung này sẽ được đưa vào sách vở dưới hình thức đơn giản, gọn nhẹ ngay từ bậc Tiểu học (Ví dụ: kể chuyện những địa danh lịch sử, 6 tỉnh biên giới là như thế nào, những câu chuyện kể về các nhân vật lịch sử,…) để cho các em yêu mến đất nước của mình, thấy cần phải bảo vệ lãnh thổ thiên nhiên. Từ đó, nâng cao lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc của các em.

"Phải đưa các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào tất cả các cấp học, thậm chí là cả tiểu học". Ảnh internet.

Đến THCS, phải làm rõ hơn, cụ thể hơn, thậm chí là nêu những sự kiện, âm mưu của thế lực thù địch, cuộc đấu tranh chống lại của chúng ta diễn ra như thế nào. Nói rõ ý nghĩa, vai trò chiến thắng của chúng ta ra sao khi bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc, có lẽ là thời lượng chương trình cũng phải tăng lên.

Ở cấp THPT, có thể dạy theo các chủ đề, các chuyên đề về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc, từ các cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông, chống Thanh rồi chống Pháp, chống Mỹ, tới các cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc,…

Đó chỉ là dự kiến, sau này có thể bàn bạc mức độ đưa ở các cấp học, nhưng chắc chắn sẽ phải đưa vào một cách cụ thể hơn, nhiều hơn so với thời lượng bây giờ.

Trong thời gian chờ đợi chương trình SKG mới, thì chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Vai trò của Bộ GD & ĐT rất quan trọng. Trong khi chờ đợi chương trình mới (2018), Bộ có thể chỉ đạo cho các Sở GD đưa vào các hoạt động chính khóa hoặc ngoại khóa về nội dung các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới dưới những hình thức đa dạng như kể chuyện ngoại khóa, đi thăm các di tích lịch sử, những địa danh, kể chuyện các anh hùng, những chiến sỹ của chúng ta bảo vệ như thế nào, về Trường Sa, Hoàng Sa,…

Điều quan trọng là Bộ nên làm sớm và phải có hướng dẫn cụ thể giao cho các đơn vị; các Sở GD và các trường THPT phải làm để tiếp tục giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và cảnh giác cách mạng.

"Trong khi chờ đợi chương trình bộ môn SGK Lịch sử mới đưa vào giảng dạy, Bộ GD & ĐT nên chỉ đạo các Sở đưa vào các hoạt đông ngoại khóa". Ảnh minh họa.

Với vai trò là một người đã từng tham gia viết sách, ông có kiến nghị gì với Bộ GD & ĐT về vấn đề đưa các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào SGK mới?

Bộ nên có những chỉ đạo trong khi chờ đợi chương trình, thông báo và giao cho các Sở GD - ĐT.

Để làm tốt hơn, Bộ GD nên áp dụng trở lại hình thức như trước đây là thành lập hội đồng các bộ môn, như hội đồng bộ môn Toán, Văn, Lịch sử,… để có thể đưa các vấn đề ra hội đồng bộ môn cùng thảo luận, thống nhất.

Hiện nay, hội đồng bộ môn không hoạt động, trong khi đó, hội đồng bộ môn có thể chỉ đạo, đóng góp, tham mưu, tư vấn cho Bộ GD - ĐT, cũng như tư vấn cho các chuyên viên đầu ngành phụ trách môn Lịch Sử ở các tỉnh để chỉ đạo tốt việc dạy và học.

Bên cạnh đó, hội đồng bộ môn này sẽ bàn bạc, thảo luận chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào cho tốt hơn.

Bộ GD & ĐT phải đứng ra làm việc này sớm, cập nhật tình hình chung nhằm động viên đội ngũ cán bộ giảng dạy để làm cho học sinh yêu mến bộ môn Lịch sử hơn.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận