Ngay sau khi hay tin thầy Văn Như Cương qua đời vào sáng sớm ngày 9/10, rất nhiều người là cựu giáo viên, cựu học sinh đã có mặt tại trường THPT Lương Thế Vinh để thăm hỏi tình hình.



Ngày hôm nay, sáng thứ 2 đầu tuần có lẽ là ngày khó quên nhất đối với nhiều thế hệ học sinh và giáo viên của trường THPT Lương Thế Vinh bởi sự ra đi của người thầy đáng kính - thầy Văn Như Cương.

Sáng nay, sau gần 3 năm trời chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, thầy Văn Như Cương đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 81 tuổi.

Theo thông tin mới nhất từ gia đình, lễ viếng sẽ được tổ chức từ 10h30 - 12h30 ngày 12/10/2017 (tức ngày 23/8 âm lịch) tại Nhà tang lễ Quốc Gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Ngay sau khi nghe tin buồn về sự ra đi của thầy Cương rất nhiều giáo viên cũ, đồng hương và cả những cựu học sinh đã tìm đến trường mong được chia sẻ nỗi đau cùng gia đình.

Thầy Văn Như Cương. Ảnh: Kim Ngân
Thầy Văn Như Cương. Ảnh: Kim Ngân

“PGS Văn Như Cương là một con người tâm huyết của trường Lương Thế Vinh…”

Một trong những người giáo viên khóa đầu của trường - thầy Đoàn Ngọc Tọa đã cùng cùng cô học trò Lê Thùy Dương, học sinh khóa 10 của trường đến hỏi thăm tình hình.

Chia sẻ với PV, thầy Tọa xúc động: “Cảm giác chung của chúng tôi là hơi đường đột, chúng tôi thương tiếc vì đây là một con người tâm huyết của trường Lương Thế Vinh và cho cả giáo dục ngoài công lập.

Thầy Cương có rất nhiều kinh nghiệm dạy học trò, tôi tham gia trường này từ đầu nên tôi rất hiểu thầy, hiện nay trường Lương Thế Vinh đã đạt đến đỉnh cao, giữ được cái đỉnh cao cũng một phần nhờ thầy.

Đột ngột bàng hoàng, tôi cứ nghĩ là thầy Cương có thể thọ thêm một thời gian nữa.

Thầy Cương vẫn khỏe, vẫn minh mẫn, thầy vẫn muốn cống hiến cho học sinh, giáo viên. Thầy vẫn còn nhiều sự định và tôi nghĩ đây là một điều thiệt thòi.

Tôi mến thầy Cương ở chỗ thầy vừa có tố chất của một ông đồ Nghệ, tư duy của nhà toán học và có tính cách của một nghệ sĩ.

Rõ ràng nghệ sỹ thực sự, tư duy viết rất giỏi, và bổ sung thêm thầy còn có tố chất của một nhà kinh doanh.

Tôi nghĩ đây là những tố chất để thu hút giáo viên, đồng nghiệp sư phạm, đồng nghiệp tổng hợp và một số giáo viên phổ thông. Trong cách ứng xử của thầy đậm chất sư phạm.

Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy Cương, thứ nhất là đọc thơ với thầy Cương cách đây mấy chục năm ở trên đài truyền hình nhân ngày 20/11; thứ hai là những buổi dạy thầy góp ý rất nhiều cho tôi về môn Văn, là môn tôi dạy; thứ ba là hai chúng tôi ngoắc tay nhau cai thuốc lá, tôi thì cai được còn thầy thì không.

Thầy hay ra câu đối, tôi là người đối lại, có câu đối lại được có câu không. Với tôi, thầy là con người rất tri thức và ứng xử rất tốt.

Khi vào trường sư phạm, khi vào trường Lương Thế Vinh ấn tượng của tôi là câu nói đầu tiên của thầy, dù nói với ai, giáo viên mới thầy đều xưng thầy cô, không có anh anh, em em, cậu cậu, tớ tớ.

Tức là không khí sư phạm thầy Cương xây dựng ở trường này rất tốt. Chúng tôi luôn nhớ 1 lời của thầy Cương “tất cả giáo viên chúng ta đến là nhà giáo nhân dân vì do dân nuôi”.

Thầy Đoàn Ngọc Tọa và chị Lê Thùy Dương chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về thầy Văn Như Cương. 
Thầy Đoàn Ngọc Tọa và chị Lê Thùy Dương chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về thầy Văn Như Cương. 

“PGS Văn Như Cương là một người thầy đúng nghĩa…”

Ông Dương Danh Tấn (75 tuổi), cùng quê với Nhà giáo Văn Như Cương (Quỳnh Lôi, Nghệ An), học trò của cha thầy Cương chia sẻ, ngay khi nhận được thông tin PGS. Cương mất, ông và một số người bạn đã về trường Lương Thế Vinh để chia sẻ nỗi buồn này.

Theo lời ông Tấn, cha thầy Cương cùng là một thầy giáo vô cùng nghiêm khắc với học sinh, ông đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, là một thầy giáo được học trò kính nể.

Ông cũng chia sẻ: “Thầy Văn Như Cương là một người tuyệt vời trong cách sống.

Mặc dù khi đã có tuổi nhưng mỗi khi về quê, dù lớn tuổi nhưng ông vẫn cõng mẹ đi chùa, vì thế có bài thơ “Cõng mẹ đi chùa” khi ông đã hơn 70 tuổi.

Thầy Cương là người thầy đúng nghĩa, được nhiều thế hệ học trò kính trọng, không những vậy thầy Cương còn là người luôn lắng nghe và chia sẻ”.

Là người thầy thành lập trường dân lập đầu tiên trên cả nước, thầy không chỉ nghiêm khắc mà trái lại thầy rất thương yêu, gần gũi học trò.

3 năm chống chọi với bệnh tật, để ngày hôm nay, thầy đã ra đi, để lại tiếc thương cho bao thế hệ học trò về người thầy xứ Nghệ suốt đời cặm cụi chở những chuyến đò sang sông.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận