Trong chuyến đồng hành cùng Quỹ trao tặng yêu thương Hà Nội đến với vùng cao Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. PV Pháp Luật Plus đã ghi lại được những cảm xúc đặc biệt về một nhà giáo tâm huyết, tận tụy trong sự nghiệp trồng người, ở vùng đất xa xôi, còn nhiều khó khăn, việc học vẫn là điều xa lạ với người dân. Đó là thầy Lầu Bá Tu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Lống 2.



Hành trình từ người giáo viên đến hiệu trưởng tận tâm đưa con chữ đến với trẻ em người Mông

Sau khi tốt nghiệp khoa tiểu học của trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, thầy Lầu Bá Tu đã có 14 năm công tác tại trường Tiểu học Nậm Cắn - 1 ngôi trường chất lượng top đầu của huyện Kỳ Sơn, đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2014 (mức độ 2 năm 2017).

Tiếp đó, thầy Lầu Bá Tu được Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn điều động về chức vụ hiệu phó chuyên môn với nhiều khó khăn  thiếu thốn cả về vật chất lẫn chất lượng giáo dục của ngôi trường này.

C36C4791-C682-40EA-851F-206BD15FEE7D

Thầy Lầu Bá Tu cùng các học sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau 9 năm làm hiệu phó phụ trách chuyên môn, thầy Lầu Bá Tu nhận được sự tín nhiệm của cấp trên cũng như đội ngũ giáo viên tại ngôi trường thầy đang giảng dạy, thầy Tu tiếp tục được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Lống 2, một ngôi trường của vùng sâu vùng xa của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Mường Lống là xã vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là thung lũng, địa hình hiểm trở cheo leo bên cạnh những vách núi đá nằm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 50 km. Người dân sinh sống trong xã Mường Lống chủ yếu là người dân tộc Mông nên việc cho con em đến với con chữ còn nhiều khó khăn gian khổ vì nhận thức của đồng bào dân tộc Mông còn hạn chế.

Đây chính là sự trăn trở của một người hiệu trưởng luôn đau đáu một ước mơ đưa con chữ và kiến thức của mình cũng như tập thể, đội ngũ giáo viên đến với những bản làng nơi vùng cao của Tổ quốc.

Đường đến trường của những đứa trẻ người Mông thật sự gian nan vất vả, cheo leo trên những vách đá, nhiều bản các em băng rừng lội suối để đến trường, mọi cơ sở vật chất như lớp bán trú, công cụ phục vụ cho công tác giảng dạy còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô tại ngôi trường tiểu học Mường Lống và thầy hiệu trưởng luôn đau đáu một ước mơ: “Khi thấy mô hình trường học bán trú từ các trường bạn hiệu quả tôi đã quyết tâm kêu gọi những chương trình từ thiện xây nhà bán trú học sinh, nhằm đưa các em học sinh ở điểm bản xa hàng chục km như các bản Tham Hang, Tham Hốc, Xám Xúm, Tham Lực, Mò Nừng về ăn, ở, học tại trường. Chỉ mong sao việc học với các em sẽ bớt vất vả, có nhiều thời gian cho việc học hơn…”.

Với vai trò là hiệu trưởng nhưng thầy Tu đã trực tiếp cùng với các thầy cô giáo di chuyển trên những con đường đất, đá quanh co bên sườn núi đá để vào các điểm bản lẻ, bản xa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, phụ huynh… thầy kể: Tôi muốn gặp trực tiếp các em học sinh gia đình hoàn cảnh, khó khăn dẫn đến thường xuyên vắng học để có giải pháp giúp đỡ, động viện các em đi học chuyên cần, hiệu quả, hướng tới tương lai tốt đẹp sau này”.

Cũng nhờ đó, chất lượng dạy và học tại Mường Lống dù chưa được như mong muốn cao nhất của thầy nhưng chỉ với gần 7 tháng làm hiệu trưởng, mọi thứ đều đã có hiệu quả trông thấy rõ rệt.

Trái ngọt từ người thầy hiệu trưởng có trái tim và tình thương yêu vô bờ với các em học sinh nơi vùng cao xứ Nghệ

85C755BC-1897-4B18-8543-347EE0B0BBDF.

Thầy Lầu Bá Tu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Lống 2 phát biểu khi nhận quà từ Quỹ trao tặng yêu thương

Suốt thời gian công tác, thấy mô hình trường học bán trú của các trường bạn hiệu quả, chính thầy Tu đã quyết định sẽ đứng ra viết thư ngỏ kêu gọi chương trình từ thiện, làm nhà bán trú học sinh nhằm đưa các em học sinh lớp 3,4,5 ở xa về điểm trường, để các em nhận được chế độ bán trú của Nhà nước.

Điều này không chỉ giúp các em có môi trường học tập tốt hơn mà còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước nhờ giảm được các lớp học dàn trải.

Khi thầy Lầu Bá Tu cũng như đội ngũ giáo viên đưa ra kế hoạch kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình xóa nghèo con chữ để xây dưng ngôi trường bán trú nhiều bậc phụ huynh đã không nghĩ thầy Tu sẽ làm được điều này.

Trong cuộc họp phụ huynh ngày 8/1/2019 nhiều phụ huynh không đồng ý cho con ra ở bán trú vì cho rằng nhà trường không xây được nhà bán trú cũng như lo lắng con nhỏ không ai chăm sóc.

Đặc biệt còn có phụ huynh dùng lời lẽ thô tục, nạt thầy Tu cùng thầy phó hiệu trưởng Xồng Bá Chư.

Nhưng thầy Tu không bao giờ lùi bước trước những khó khăn, vẫn quyết tâm, mạnh dạn đề xuất chương trình kêu gọi xây nhà bán trú cho học sinh nghèo hiếu học với chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn.

Được sự ủng hộ của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cũng như chính quyền địa phương thầy đã viết tâm thư kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xóa nghèo con chữ đến nay trường Mường Luống 2 và thu được nhiều trái ngọt.

Sau khi biết được tâm nguyện của vị hiệu trưởng nơi vùng cao toàn nắng và đá, các nhà hảo tâm đã chung tay tài trợ 2 đợt lớn đến từ Quỹ trao tặng yêu thương Hà Nội và thầy Nguyên Quang trụ trì chùa Đông Yên, huyện Quỳnh Lưu với số tiền ủng hộ lên đến 180 triệu đồng để giúp nhà trường xây dựng ngôi trường bán trú và thay mới một số thiết bị phục vụ công tác dạy và học của thầy cô nơi đây.

TTyT2

Quỹ Trao tặng yêu thương tặng quà cho thầy và trò trường tiểu học Mường Lống 2

Nhưng nhờ thành công trong việc xin tài trợ và làm xong nhà bán trú ngay trong dịp hè. Đến nay, cả 100% phụ huynh đã đồng ý đưa con ra điểm trường để ở bán trú. Trong đó phụ huynh phản đối quyết liệt nhất lần trước thì ngày đưa con ra ở bán trú cả 2 vợ chồng đều có mặt và tiếp xúc vui vẻ, thân thiện nhất với các thầy, cô giáo. “Đây là món quà từ thiện tiền mặt lớn nhất từ xưa đến nay tại địa bàn xã Mường Lống nói riêng, huyện Kỳ Sơn nói chung và là món quà không chỉ ý nghĩa trong trường, trong xã mà nó còn có ý nghĩa trong toàn huyện Kỳ Sơn. Từ đó bản thân tôi cảm thấy vui mừng, phấn khởi nhiều lắm”- Thầy Lầu Bá Tu tâm sự.

Không phụ công người thầy tận tâm, hiện nay, kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối năm học 2018-2019 của trường đạt 97,5% cao hơn hẳn so với những năm học trước. Riêng học sinh giỏi huyện năm học 2018-2019 đạt 5/12 em, trong đó năm học 2017-2018 chỉ là 2/12 em. Về phần học sinh lớp 5 thi đạt vào học trường PTDTNT THCS huyện Kỳ Sơn năm học 2018-2019 là 1/4 em, tỷ lệ 25%, trong đó năm học 2017-2018 đạt 0/4 em, tỷ lệ 0%.

Qua nhiều năm công tác, thầy đã nhiều lần đạt chiến sĩ thi đua cấp huyện, được Liên đoàn lao động các cấp khen thưởng. Đây quả thực là những động lực to lớn để thầy Tu nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nói chung cũng như sự nghiệp giáo dục tỉnh Nghệ An nói riêng.

Sau 6 tháng cùng Quỹ trao tặng yêu thương Hà Nội tới với điểm trường Mường Lống 2. Đến nay, khi gặp lại thầy Lầu Bá Tu, cảm nhận rõ trên khuôn mặt rạng rỡ sự mãn nguyện, hạnh phúc trong từng nụ cười luôn nở trên môi người thầy giáo tận tâm, tận tụy với nghề và với chính những em học sinh mà thầy coi như con của mình. Ấn tượng với phóng viên không chỉ là không khí ấm cúng của chuyến xe thiện nguyện vượt hơn 500 km từ Hà Nội đến Kỳ Sơn mà còn là khoảnh khắc hạnh phúc của người thầy giáo hiền lành, mến khách nơi vùng cao xứ Nghệ.

Đối với phụ huynh và học sinh trường Tiểu học Mường Lống 2, hình ảnh người thầy hiệu trưởng đi vận động từng nhà, kêu gọi từng học sinh đến lớp, xin tài trợ xây nhà bán trú, quần áo, sách vở cho học trò sẽ mãi là một phần của hình ảnh núi rừng, của những bản làng người Mông, ở Kỳ Sơn, Nghệ An. Thầy Lầu Bá Tu chia sẻ với chúng tôi những mong ước rất thực tế: “Chắc chắn rằng, mỗi chúng ta ai cũng đều có nhiều kỳ vọng tốt, ý tưởng hay nhưng hiện tại bản thân tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ được khó khăn cho trường Tiểu học Mường Lống 2. Và giáo dục xã Mường Lống, giáo dục huyện Kỳ Sơn sẽ ngày càng chất lượng hơn nữa”.

Biết rằng hành trình đem cái chữ đến với vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, những vất vả gian nan sẽ còn chờ đợi tập thể thầy, cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học Mường Lống 2.

Thế nhưng với đam mê nghề nghiệp, tận tâm, tận tụy cùng chương trình chung tay xóa nghèo con chữ, nhiều người dân địa phương nói chung và đoàn thiện nguyện nói riêng tin chắc rằng thầy Tu sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng, bám bản làng và nuôi dưỡng ước mơ cho con em đồng bào Mông, nơi vùng cao của Tổ quốc đến với ước mơ xóa nghèo con chữ để thay đổi cuộc đời cũng như thay đổi bản làng nơi đây.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận