Người dân vùng biển Đa Lộc đã quá quen với hình ảnh thầy Đào Thanh Hương (Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), sinh ra không có chân và tay bên trái bị teo tóp do ảnh hưởng chất độc da cam. Vậy nhưng suốt gần 40 năm qua, người thầy tật nguyền không ngừng cô gắng vượt lên số phận, chiến thắng bản thân, trở thành nhà giáo giỏi của miền quê nghèo.



Quyết tâm thực hiện ước mơ làm thầy

Sinh ra trong một gia đình nghèo vùng biển xã Đa Lộc, từ nhỏ cậu bé Hương đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi do ảnh hường chất độc da cam từ bố. Ngày Hương chào đời cũng là lúc mẹ anh khóc cạn nước mắt, đứa con trai đầu lòng thiếu hai bàn chân, một bàn tay do di chứng chất độc dioxin từ cha trong chiến trường Quảng Trị.

Đây là thiệu thòi quá lớn trong gia đình nghèo ở miền quê với bao thiếu thốn, tủi hờn.

Đến tuổi con người ta biết chạy, thì Hương vẫn “đặt đâu nằm đó”. Đến 3 tuổi, mẹ anh mới bắt đầu tập cho đi. Thiếu 1 bàn tay, 2 bàn chân, để tự vận động được như những đứa trẻ bình thường khác, bản thân Hương và gia đình không ngừng nỗ lực vượt lên mọi khó khăn.

Tuổi thơ trôi đi trong nhọc nhằn, mặc cảm. Niền vui lớn nhất của anh là hàng ngày được cắp sách đến trường.

Ngày đó, mọi con đường ở vùng biển quê nghèo chỉ toàn cát với đá sỏi. Nắng thì bỏng rát chân đến tứa máu, mưa thì sình lầy, ngày ngày Hương tự mình đi bộ trên đôi chân tật nguyền đến trường.

Sớm ý thức được những khiếm khuyết của mình, Hương luôn đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Cậu học trò nghèo còn bộc lộ năng khiếu thơ văn khi được đăng và đạt giải thưởng trên các tờ báo dành cho lứa tuổi học trò.

Từ nhỏ, được nhìn thấy mẹ bên trang giáo án, cậu bé nuôi mơ ước trở thành giáo viên được giảng dạy trên chính quê hương mình. Năm 1991, Hương thi đỗ vào trường THPT Hậu Lộc 1. Đó là sự kiện trọng đại của cả gia đình. Bố vắng nhà, mẹ bận rộn lo cơm cháo gạo tiền và chăm các em nhỏ. Chỉ có cánh tay phải, Hương phải tự đạp xe đến trường cách nhà hơn 10km.

Thầy Hương biến ước mơ làm giáo viên trường làng thành hiện thực. Ảnh: Nguyệt Nguyệt
Thầy Hương biến ước mơ làm giáo viên trường làng thành hiện thực. Ảnh: Nguyệt Nguyệt

 Suốt nhiều năm về sau anh vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đến ngôi trường mới. “Đó là ngày khai giảng lớp 10, để kịp giờ, 4h sáng tôi cặm cụi đạp xe đến trường. Trời tối, xe không đèn, đường lại khó đi, tôi bị ngã không biết bao lần. Đến nơi thì ngất tại nhà xe, khi tỉnh dạy thấy mình nằm ở phòng y tế, 2 ống quần và ống tay áo bê bết máu. Lúc đó mới biết thầy cô và các bạn đến sau phát hiện ra đưa lên phòng”. Suốt 3 năm THPT, Hương đạt danh hiệu học sinh giỏi, là tấm gương sáng được bạn bè, thầy cô yêu quý.

Để biến ước mơ nhà giáo thành hiện thực, Hương thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm (nay là trường ĐH Hồng Đức) với số điểm khá cao.

Niềm vui chưa bao lâu, anh bị nhà trường từ chối với lý do khuyết tật. Không đành lòng từ bỏ khi đã vượt qua bao khó khăn, chàng trai 18 tuổi viết thư gửi Ban giám hiệu nhà trường và Giám đốc sở Giáo dục Thanh Hóa, trình bày mong muốn được đi học và cam kết chỉ học 2 năm đầu đại cương ở trường, sau đó sẽ tự liên hệ thực tập nơi khác.

Thời gian chờ đợi, Hương sống trong tâm trạng lo âu thấp thỏm. Ngày thì lang thang ở giảng đường chờ kết quả, đêm ngủ ở khu kí túc xá sinh viên. Ngày nhận thông báo được học, anh òa khóc vì hạnh phúc. Đó là một phần động lực để 2 năm học đầu anh là sinh viên xuất sắc của khoa. Một lần nữa, trường cho anh học tiếp. Tốt nghiệp xuất sắc, Hương trở thành thầy giáo trên chính mai trường THCS Đa Lộc dạy học. Một thầy giáo giỏi chuyên môn, lại gần gũi, anh nhận được sự yêu mến của học trò và đồng nghiệp.

Hạnh phúc mỉm cười

Mười tám năm đứng lớp, thầy Hương liên tục là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là người trực tiếp đào tạo nhiều học trò thi đạt thành tích cao. Năm 2008, anh được Tỉnh đoàn Thanh Hóa trao tặng danh hiệu "Đoàn viên ưu tú học tập và làm theo lời Bác".

Năm 2009, Đào Thanh Hương còn là một trong những cán bộ đoàn, hội xuất sắc được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng giải thưởng 15-10. Thầy được học sinh và phụ huynh bầu chọn là một trong những giáo viên được yêu quý nhất trường.

Thầy Phạm Văn Đồng - Phó hiệu trưởng trường. Ảnh: Nguyệt Nguyệt
Thầy Phạm Văn Đồng - Phó hiệu trưởng trường. Ảnh: Nguyệt Nguyệt

 Thầy Phạm Văn Đồng, Hiệu phó nhà trường nhận xét: “thầy Hương có năng lực chuyên môn bẩm sinh. Không những giỏi chuyên môn, sáng tạo mà còn rất chăm chỉ và gần gũi với học sinh. Thầy Hương là tấm gương tiêu biểu cho ý chí vượt lên số phận, là người được học sinh bầu chọn là giáo viên được yêu quý nhất trường”.

Nói đến thầy Hương, cần kể thêm một chút về câu chuyện tình yêu với một cô giáo cùng tên. Đó là một chuyện tình đẹp, được các thầy cô trong trường ngưỡng mộ.

Tình yêu của cô giáo xinh đẹp, dịu dàng đã giúp Hương bỏ qua những mặc cảm ngoại hình đi đến bến bờ hạnh phúc. Cuộc tình ấy vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người thân trong gia đình. Hai người quyết nắm tay nhau vượt qua khó khăn bằng đám cưới không có sự góp mặt của gia đình nhà gái. 

Thầy Hương bên vợ và cậu con trai đầu. Ảnh: Nguyệt Nguyệt
Thầy Hương bên vợ và cậu con trai đầu. Ảnh: Nguyệt Nguyệt

 Bước qua bao sóng gió, giai đoạn cơ hàn nhất của của đời đã đi qua. “Đây là lúc tôi cảm thấy mình hạnh phúc nhất trong cuộc đời” – thầy xúc động chia sẻ. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ của họ luôn vang tiếng cười của 2 cậu con trai bé nhỏ cùng người vợ hiền đảm đang. Đó là món quà lớn và tuyệt vời nhất mà cuộc đời đã bù đắp cho những thiệt thòi, bất hạnh của người thầy đầy nghị lực đang miệt mài với sự nghiệp trồng người nơi miền quê nghèo mặn mòi gió biển./.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận