Lịch sử là một môn khoa học với nhiều ý nghĩa và kiến thức khác nhau, nên việc tích hợp với các môn khác hay lồng ghép với bất kì môn nào là điều không thể. Lịch sử là lịch sử.



Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” do Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố có đề cập môn học mới là “Công dân với Tổ quốc”, dựa trên sự gộp, ghép cơ học của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh.

"Anh nào bỏ lịch sử mà coi thường nó tức là chấp nhận chúng ta chỉ là cái đuôi của thế giới", Giáo sư Trần Lâm Biền đã nói như vậy khi trao đổi với Phapluatplus. (Ảnh Quyên Quyên)

Ngay sau khi dự thảo được Bộ đưa ra lấy ý kiến đóng góp, ngay lập tức Bộ giáo dục đã nhận được phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa cũng như nhiều nhà giáo với lo ngại, môn học này có thể bị “xé nát” hoặc nối ghép vụn vặt…

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phapluatplus đã có cuộc trao đổi với với Giáo sư Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Thưa ông, Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có đề cập việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Tôi chỉ nói với bạn điều này: Hồi thằng Tây nó xâm lược nước ta trước năm 1945 và sau đó nữa năm 1954, thời tạm chiếm thì vai trò của những bà Trưng, Bà Triệu, vai trò của những anh hùng trong quá khứ đều được dạy trong các trường phổ thông.

Thời lệ thuộc, thời thực dân xâm lược mà lịch sử nước ta còn được dạy dưới góc độ như thế. Thế mà tại sao bây giờ lại coi thường?

Chúng ta độc lập rồi mà lại coi thường. Mà ngay ngày xưa nó có được nhập vào địa lý hay vào cái gì đâu, bởi vì môn lịch sử là môn lịch sử.

Bởi nó là quá khứ, vì chúng ta ai cũng có mẹ có cha, có ông có bà và nếu chúng ta cắt thẳng  với ông bà, cha me thì chúng là ai, chúng ta không thể biết được. Không biết chính mình là ai thì làm sao mà phát triển được?

Có nhiều ý kiến cho rằng môn lịch sử là môn học bắt buộc trong các chương trình giảng dạy. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Dưới góc độ là một công dân: Lịch sử nói về thời quá khứ, oai hung của người xưa và bài học cho ngày nay.

Không ai, mà kể cả tổ tiên ta cũng nói rồi bất kể kẻ nào mà hướng đến tương lai thì bắt buộc ngoái nhìn lại quá khứ, chính quá khứ là bệ đỡ cho đường hướng tới tương lai.

Mà quên lịch sử sẽ không thể vững bước được. Chúng ta hiểu 1 điều như thế này chúng ta đi lên hội nhập nhưng hội nhập nhưng không hòa tan. Muốn không hòa tan phải có bệ đỡ lịch sử. Anh nào bỏ lịch sử mà coi thường nó tức là chấp nhận chúng ta chỉ là cái đuôi của thế giới.

Nhiều giáo viên cho rằng cần đưa ra giải pháp để giảm tải, thay đổi phương pháp dạy môn lịch sử chứ không phải triệt tiêu môn học này? 

Tôi không hiểu tại sao phải giảm nhẹ nhưng với tư cách là một công dân tôi thấy tiếc, thời Tây còn đưa vào chính khóa lên cấp 2, cấp 3 tôi còn học lịch sử huống gì bây giờ.

Nếu tương lai đưa môn Lịch sử “lồng ghép” với các môn học khác, thì vô hình càng làm cho thế hệ trẻ sao nhãng, coi nhẹ truyền thống lịch sử hào hùng của tổ tiên, cha ông trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, gìn giữ độc lập chủ quyền quốc gia.

Không còn yêu thích môn sử có thể nói một cách nghiêm khắc là biểu hiện của sự “mất gốc”, mà lỗi không phải của con cháu chúng ta. Áp dụng phương pháp tích hợp hay phương pháp sư phạm nào là chuyên môn, nghiệp vụ của ngành giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận