Ở Việt Nam hiện nay có hàng ngàn bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chờ được cấy ghép nội tạng. Có bệnh nhân phải chờ đợi hơn 10 năm, thậm chí 20 năm mà chưa tìm được nguồn tạng để cấy ghép. Việt Nam hiện đang rất khan hiếm nguồn tạng hiến tặng.



Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/6/2014, số lượng các ca ghép mô tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Cụ thể, ghép thận là 1.011 ca, ghép gan là 37 ca, ghép tim 11 ca, ghép tụy là 1 ca... Trong khi đó, nhu cầu cần cấy ghép nội tạng ở nước ta là rất lớn. Khoảng 6000 người bị suy thận cần được cấy ghép, hơn 300.000 người bị mù do bệnh lý giác mạc, hơn 1.500 người suy gan cần được cấy ghép…

Y học của nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, kỹ thuật cấy ghép nội tạng của chúng ta rất tốt, có thể sánh ngang với các nền y học lớn trên thế giới. Nhiều bệnh nhân suy tạng có thể được cứu sống nếu chúng ta có nguồn tạng thích hợp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tạng được hiến tặng tại nước ta rất khan hiếm.

Nếu như trên thế giới, 90% số người được ghép tạng là lấy nguồn tạng của người hiến tặng sau khi chết hoặc chết não và 10% lấy của người thân, thì ở Việt Nam con số này ngược lại hoàn toàn. Để có thể được ghép tạng, không ít bệnh nhân phải chờ đợi suốt 20 năm thậm chí là hơn như vậy.

Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam rất phát triển (Ảnh: Internet)
Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam rất phát triển (Ảnh: Internet)

 Anh Nguyễn Văn Hồng, bệnh nhân chạy thân lâu năm tại Bệnh Viện Bưu Điện cho hay: “Tôi chạy thận cũng hơn 10 năm nay, cũng chỉ biết tuần 3 lần chạy thận chứ để thay thận thì cũng gặp khá nhiều khó khăn. Cái khó lớn nhất là phải tìm được quả thận tương thích với cơ thể tôi, và phải có người hiến tặng”. Đây cũng là nỗi lo ngại chung của rất nhiều bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng. Bởi có được nguồn hiến tặng mô tạng, nhưng phải phù hợp với cơ địa của từng người là điều không hề đơn giản. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó giám đốc trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) chia sẻ: “Theo quan niệm của người phương Đông khi chết là phải toàn thây nên số lượng người sẵn sàng đăng ký hiến tạng ở nước ta khá thấp. Bên cạnh đó, việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống bị cho là xui xẻo nên không mấy ai muốn đăng ký hiến tạng". 

Hiểu được những khó khăn này, năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Gần đây nhất, ngày 26/10 vừa qua, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp: “Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết thêm: “Hiện nay, đã có khoảng 200 người trực tiếp đến Trung tâm tìm hiểu và đăng ký hiến mô tạng, và sau ngày 26/10 vừa qua, trung tâm đã tiếp nhận thêm hơn 100 lá đơn đăng ký hiến tạng”.

“Cái chết đến là không biết trước được, nếu trước khi chết chúng ta làm một việc tốt cho xã hội là đăng ký hiến mô tạng, là chúng ta đã hoàn thành được tâm nguyện của mình.”

"Ai cũng có thể đăng ký hiến tạng miễn là trên 18 tuổi có đủ năng lực hành vi nhân sự. Dù là người có độ tuổi cao thì trung tâm vẫn tiếp nhận đăng ký. Tuy nhiên, để việc đăng ký hiến tạng thực sự có ý nghĩa khi người hiến tạng chết, chết não thì việc ủng hộ của gia đình và người thân cũng là yếu tố quan trọng.", ông Phúc nhấn mạnh.

Trên thực tế, để huy động nguồn máu dùng cho việc chữa bệnh, chúng ta đã thực hiện quá trình vận động cộng đồng hiến máu nhân đạo. Đầu xuân hàng năm đều tổ chức "Lễ hội xuân hồng" kêu gọi mọi người tham gia hiến máu tình nguyện vô cùng ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng. Nhờ đó, đến nay đã có những ngân hàng máu di động, và hàng ngàn người được cứu sống nhờ nguồn máu quý giá này.

Hy vọng một tương lai không xa, với công tác tuyên truyền sâu rộng,  những chương trình truyền thông ý nghĩa, quan niệm, nhận thức của cộng đồng xã hội về việc hiến tặng bộ phận cơ thể mình sau khi qua đời hay chết não sẽ thay đổi, từ đó nhiều bệnh nhân suy tạng sẽ được cứu sống, mạnh khỏe nhờ vào nguồn mô, tạng được đăng ký hiến tặng của cộng đồng. 

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận