Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) “manh nha” tích hợp ba môn: Lịch sử, Giáo dục đạo đức công dân và Giáo dục an ninh- quốc phòng thành môn Công dân và Tổ quốc. Dù mới chỉ ở trong giai đoạn thai nghén nhưng đã khiến dư luận những ngày qua cứ như… dẫm phải tổ kiến.



Nguyên nhân để đưa Bộ GDĐT có sáng kiến “thu hẹp” môn lịch sử, có lẽ duy nhất là do học sinh chán học. Kết quả điểm thi của môn lịch sử ở kỳ thi đại học, tốt nghiệp THPT…thật là thê thảm với điểm 0 la liệt là một minh chứng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “điểm 0 môn lịch sử là chuyện bình thường”.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “điểm 0 môn lịch sử là chuyện bình thường”.

Bộ GDĐT đã lãnh đủ chỉ trích của dư luận. Phát biểu của “Tổng tư lệnh” ngành giáo dục - Phạm Vũ Luận rằng, “điểm 0 môn lịch sử là chuyện bình thường”, chẳng khác gì thêm dầu vào lửa.

Dường như để yên lòng dư luận, cách đây ba mùa thi, Bộ GDĐT đã có sáng kiến “loại” môn lịch sử khỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng cách, ngoài ba môn thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, còn một môn là tự chọn.

Quyết định này làm dư luận, nhất là phụ huynh và học sinh cứ như ruộng hạn gặp mưa, Bộ GDĐT không còn bị điều tiếng về môn học được cho là ngán nhất của học sinh.

Nhưng vẫn còn con số lẻ tẻ học sinh đăng ký thi môn lịch sử lại khiến dư luận chút xao lòng. Có hội đồng thi có mỗi thí sinh. Và những thí sinh chọn tự chọn là lịch sử, bỗng được nhìn với con mắt đầy cảm phục.

Vẫn còn có học sinh yêu thích môn học này, chứ không phải là  ngoảnh mặt quay lưng hoàn toàn.

Phải nói rằng, lỗi để cho học sinh ngán môn lịch sử  thuộc về Bộ GDĐT đầu tiên. Khởi nguồn từ chủ trương phân ban. Ban C vắng bóng học sinh. Bộ lại khôi phục, lại thất bại. Buộc lòng phải khai tử Ban C trong lặng lẽ, không kèn không trống.

Trong khi học sinh chán, giáo viên thì nản, dạy cho có, vì đã là môn phụ lại chương trình, sách giáo khoa quá nặng nề,  thiên về sự kiện, con số, ngày tháng…Bộ GDĐT lại không tìm hướng đổi mới dạy và học môn lịch sử, cử luẩn quẩn “xoay phương, đổi hướng”, cái cần đổi mới là sách giáo khoa và chương trình lại không.

Để rồi, ngày hôm nay, bộ đã bày tỏ rõ quan điểm: Khai tử môn lịch sử, nhưng vớt vát bằng cái tên mỹ miều: Công dân và Tổ quốc.

Hẳn bạn đọc của Phapluatplus đã quá tường tận những phản ứng đa chiều của dư luận với chủ trương “nhào lộn ba môn thành một”- được GS Phan Huy Lê nói rằng: Chỉ có ở Việt Nam mởi có môn học “Công dân và Tổ quốc”.

Với ý tưởng tích hợp này, Bộ GDĐT những tưởng đã chiều được lòng xã hội, ai ngờ dư luận lại bừng bừng nổi giận, với câu hỏi: Có nước nào trên thế giới loại bỏ lịch sử của dân tộc với công dân nước mình?

Hẳn là không. Và chỉ thấy tư tưởng đó ở Bộ GDĐT, thậm chí có ý kiến còn nghi ngờ lòng yêu nước của những người đã đề xuất bỏ môn lịch sử.

Bộ GDĐT hãy có tầm nhìn xa trông rộng, xem các nước họ dạy môn lịch sử cho học sinh như thế nào, trong khi phải làm việc đó từ cả hai, ba chục năm rồi, thì bộ vẫn cứ giữ nguyên phương pháp truyền tải kiến thức “thày đọc, trò chép”, muốn điểm sử cao thì chỉ có học thuộc lòng.

Sách giáo khoa, chương trình thì nặng nề, khô khan, bao nhiêu năm vẫn “chỉ thêm” chứ không đổi mới tư duy từ sách giáo khoa, chương trình, phương pháp đến việc thi cử.

Không đếm xuể những cuộc hội thảo “dạy sử trong nhà trường phổ thông”. Giáo viên nói, học sinh than, nhưng rồi, nghe xong…để còn nghiên cứu.

Có ai thấy day dứt khi học sinh vẫn tưởng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai ông chứ không phải một.

Vì sao học sinh lại càng ngày càng chán môn lịch sử. Đừng vội trách thế hệ trẻ, hãy trách những người có trách nhiệm đã để thế hệ trẻ biết lịch sử dân tộc qua google “Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không hiểu thì tra google”.

Đảm bảo học sinh hiểu biết về lịch sử

Khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục về THCS có nêu: Giáo dục trung học cơ sở phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở tiểu học, đảm bảo cho học sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học, xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận