e magazine
Dạy tiếng Anh ở vùng cao Mù Cang Chải

31/01/2023 08:11

Giống như nhiều huyện vùng cao khác, tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có thể nói là báo động.

Được biết, tại nhiều địa phương vùng cao của tỉnh Yên Bái, việc thiếu giáo viên Tiếng Anh đã tác động không nhỏ đến công tác dạy và học. Để giải quyết dần dần tình trạng này, tỉnh Yên Bái đã biệt phái 15 giáo viên Tiếng Anh lên hỗ trợ giảng dạy môn tiếng Anh tại các đơn vị trường vùng cao của tỉnh, trong đó, Thành phố Yên Bái có 7 giáo viên tình nguyện lên hỗ trợ giảng dạy Tiếng Anh tại 1 số trường tiểu học và THCS ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.

Với tổng số 16 trường (8 trường tiểu học và 8 trường tiểu học & trung học cơ sở), 1 phân hiệu, gồm 290 lớp với 9.235 học sinh nhưng Mù Cang Chải hiện mới chỉ có duy nhất 1 biên chế giáo viên tiếng Anh. Vậy cần làm gì trước mắt để khắc phục tình trạng này?

Học trực tuyến kết hợp trực tiếp

Đúng 15h30 ngày 10/01/2023 gần 3.600 em học sinh khối 1 và 3 của 117 lớp học tại 16 trường của huyện Mù Cang Chải đồng loạt bắt đầu bài học tiếng Anh đầu tiên theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Giáo viên chính tại Hà Nội dạy trực tuyến qua Zoom tới 117 điểm cầu trên khắp huyện Mù Cang Chải, tại đó các trợ giảng là giáo viên địa phương sẽ hướng dẫn học sinh học với một thao tác quan trọng duy nhất là… bấm nút.

MCC1Với 117 điểm cầu, giáo viên chính tại Hà Nội đã dạy trực tuyến qua phần mềm học tập, gần 3.600 học sinh của 16 trường thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã bắt đầu học tiếng Anh trực tuyến và có giáo viên trực tiếp hỗ trợ.

Bài giảng số đã được cài đặt sẵn vào máy tính ở mỗi lớp học và mỗi bài học đã được kịch bản hoá đến từng giây để trợ giảng biết lúc nào bấm vào nút gì trên máy tính.

Tuy nhiên, để “bấm đúng nút” sao cho thành thạo, thì chính các giáo viên bản địa (hầu hết không biết tiếng Anh) đã được đào tạo, tập huấn trực tiếp và trực tuyến nhiều buổi về phương pháp dạy mới, về cách sử dụng thiết bị, và đặc biệt là hiểu cách vận hành lớp học sử dụng bài giảng số.

Sau những ngày học tập gian nan, tất cả vì học sinh thân yêu, các thầy/cô đã vận hành thành thục các kỹ năng sử dụng phần mềm một cách trơn tru.

MCC3Các giáo viên tại các điểm trở nên thành thạo khi sử dụng phần mềm.

Đây là dự án CSR (trách nhiệm xã hội) lớn nhất của iSMART – thương hiệu công nghệ giáo dục (EdTech) lớn nhất của Tập đoàn Giáo dục EQuest, thực hiện tại địa bàn được coi là khó khăn nhất của Việt Nam về mọi mặt. Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục EQuest cho biết dự án kéo dài 5 năm và hoàn toàn miễn phí.

“Tôi có một niềm tin sắt đá rằng, nếu được tiếp cận bình đẳng với nền giáo dục tốt và phương pháp giáo dục hiện đại thì học sinh dù ở đâu cũng có thể học tốt và thành người có ích, bất kể điều kiện kinh tế hay nguồn gốc xuất thân. Tôi muốn chứng minh điều đó tại Mù Cang Chải.” – ông Chiến đồng thời cho biết, để thực hiện được dự án này, điều kiện tiên quyết là thái độ của chính quyền địa phương - “Tôi chưa từng gặp cán bộ địa phương nào nhạy bén và phản ứng nhanh trước những việc có lợi cho cộng đồng như lãnh đạo Phòng Giáo dục và lãnh đạo UBND huyện Mù Cang Chải. Chúng tôi họp với Phòng Giáo dục chiều hôm trước thì sáng hôm sau công văn của UBND huyện đã về đến Hà Nội rồi.”.

MCC4Các học sinh hào hứng tham gia tiết học thú vị.

Mọi thủ tục cần thiết để thực hiện dự án đã được lãnh đạo UBND huyện và Phòng Giáo dục giải quyết nhanh chóng. Nhanh chóng cả trong việc phê duyệt chi ngân sách để mua sắm thiết bị và đặc biệt là hiệu quả trong việc kêu gọi xã hội hoá. Quỹ Chắp cánh, một tổ chức xã hội phi lợi nhuận đã nhanh chóng ủng hộ 300 triệu đồng để mua TV thông minh cho các lớp và sẽ tiếp tục giải ngân cho các năm sau.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải sốt sắng với dự án này, chủ yếu vì nó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với trọng tâm là phát triển du lịch. Huyện đang triển khai các chương trình dạy tiếng Anh cho cả người lái xe ôm, người kinh doanh dịch vụ Homstay và cả người bán hàng. Do đó việc dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học sẽ tạo ra các thay đổi cơ bản cho nguồn nhân lực tương lai. Lý do thiết thực khác đó là giải quyết được vấn đề phải dạy tiếng Anh như là môn bắt buộc từ lớp 3 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi ngành giáo dục huyện thiếu nhiều giáo viên môn tiếng Anh.

Ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải đang còn thiếu rất nhiều giáo viên tiếng Anh, nhiều trường không có giáo viên tiếng Anh nào, UBND tỉnh Yên Bái đã dành sự quan tâm ưu tiên tuyển dụng nhưng không có nguồn để tuyển. Năm học 2022- 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo đã biệt phái 09 giáo viên Tiếng Anh từ thành phố Yên Bái và một số huyện vùng thấp lên tăng cường cho huyện Mù Cang Chải nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt - ông Nguyễn Anh Thuỷ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết.

MCC2Nhiều em học sinh đã cho rằng, tiếp cận với một ngôn ngữ mới lạ không phải là quá khó.

Chương trình này không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên mà còn giải quyết được một vấn đề khá thú vị là phát âm của học sinh. Từng là giáo viên dạy tiếng Anh, ông Chiến cho rằng, các giáo viên tiếng Anh của Việt Nam chú trọng dạy ngữ pháp hơn là dạy phát âm nên chất lượng phát âm, khả năng nói đúng và nói hay của học sinh Việt Nam khá hạn chế.

Trong chương trình dạy tiếng Anh ở Mù Cang Chải, học sinh được “nhúng” vào bài giảng số với các tình huống cuộc sống và phát âm của người bản ngữ. Theo thời gian, các em sẽ hấp thu một cách tự nhiên cách phát âm của người bản ngữ và trình bày các vấn đề và kiến thức học được một cách rất tự nhiên.

Khó khăn và thách thức

Tuy nhiên, những người thực hiện dự án này thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng vì họ nhìn nhận thấy khó khăn và thách thức phía trước. Nhiều giáo viên địa phương ngại thay đổi, nhất là phải học các kỹ năng công nghệ mới. Đặc biệt, một số cô giáo rất e ngại vì không biết tiếng Anh. Các thầy cô vốn đã rất bận rộn với việc dạy và chăm các con vì hầu hết các trường là bán trú nay lại thêm “gánh nặng” trợ giảng này. Nhưng lo hơn cả là các thầy cô không biết các con có phát âm đúng không.

MCC6Nhiều giáo viên địa phương ngại thay đổi, nhất là phải học các kỹ năng công nghệ mới. Đặc biệt, một số cô giáo rất e ngại vì không biết tiếng Anh.

Ông Hoàng Đình Quế, Giám đốc dự án nói, sẽ tiếp tục theo dõi phản hồi và sẽ điều chỉnh phương pháp cho phù hợp nhất. Ông Quế khẳng định, các em học sinh sẽ được kiểm tra đánh giá định kỳ như học sinh ở các nơi khác. Việc đánh giá và kiểm tra được thực hiện cả trực tuyến và trực tiếp. Công nghệ có thể giải quyết được cả việc chấm điểm tự động.

Đối với ông Nguyễn Anh Thuỷ, Trưởng phòng Giáo dục Mù Cang Chải, mong muốn của ông chỉ là trẻ em được làm quen với tiếng Anh, với phương pháp dạy và học mới và giúp từng bước tạo lập và phát triển môi trường giao tiếp Tiếng Anh trong các trường của huyện Mù Cang Chải.

Ông rất vui khi nhìn thấy các em nhỏ hào hứng nhảy, hát theo nhạc và rất sôi nổi tham gia các phần thực hành trong buổi học. Ông còn có một niềm vui khác đó là việc đào tạo, nâng cao năng lực cho giáo viên của ông qua chương trình này. Ông nói: “Nhờ chương trình,giáo viên của chúng tôi cũng sẽ thay đổi và tiến bộ hơn do được huấn luyện và tiếp cận phương pháp dạy mới với các học liệu mới, hiện đại”.

MCC5Hello, teacher! là câu nói cửa miệng của nhiều bạn nhỏ sau khi được tiếp cận với một ngôn ngữ mới lạ. Một thứ ngôn ngữ sẽ khiến cánh cửa cuộc đời của những mầm non tương lai của đất nước thêm rộng mở.

Sau 40 phút học bài đầu tiên về số đếm, gần 300 học sinh lớp 1 và 3 của trường Tiểu học và THCS Mồ Dề “mệt phờ” vì nhảy múa, phát âm, tương tác với bài học. Các em ùa ra sân chơi đùa và mỗi khi nhìn thấy các cán bộ dự án là vẫy tay và nói thật to “Hello, teacher!”

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 thay vì tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành, đặc biệt là những nơi vùng sâu vùng xa, miền núi, còn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 5.780 là số giáo viên ngoại ngữ cần phải bổ sung theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho các khối lớp 3, 4, 5 trên cả nước trong năm học này.

Nhã Vân