Cân đối giữa đào tạo “thợ” với “thầy” trong quy mô đào tạo chung của đất nước
Trước hết cần tập trung tạo chuyển biến về nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới.
Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngay sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành Phiên chất vấn.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.
Chiều cùng ngày, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc với những nội dung trọng tâm, gồm:
(1) Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
(2) Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
(3) Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
(4) Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trả lời nội dung đại biểu chất vấn xung quanh quan điểm, chủ trương đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chỉ thị số 21 cũng như Nghị quyết của Chính phủ đã đề cập rõ nội dung này, chúng ta cần thực sự tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng lĩnh vực này để góp phần đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, cân đối hài hòa giữa đào tạo “thợ” với “thầy” trong quy mô đào tạo chung của đất nước.

Bộ trưởng Bộ LĐ TB&XH Đào Ngọc Dung
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, trước hết cần tập trung tạo chuyển biến về nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới, nâng cao thu nhập, liên thông học suốt đời; rà soát bổ sung toàn bộ hệ thống các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, thực hiện học văn hóa trong trường nghề; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên miền núi…
Về việc hỗ trợ tiền thuê nhà, Bộ trưởng cho biết, trong Chương trình thực hiện Nghị quyết số 43, nhằm phục hồi thị trường lao động, thu hút người lao động quay trở lại thị trường, Quốc hội cho phép sử dụng tối đa 6800 tỷ để hỗ trợ nhà ở cho người lao động, trên thực tiễn, sau khi Quốc hội có chủ trương, Chính phủ đã đưa ra tiêu chí phân bổ cụ thể. Bộ đã bám sát đúng tiêu chí, mục tiêu, đối tượng thì sử dụng hết 4500 tỷ, đến giờ này, tất cả các đối tượng thuộc diện đó đều được cấp tiền theo quy định. Còn lại 2300 tỷ, do không sử dụng hết, không đúng mục tiêu, Bộ có trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách, đề xuất sử dụng vào các chính sách khác cũng phục vụ lợi ích cho người lao động.
Về việc đảm bảo quyền lợi cho người Việt Nam lao động ở nước ngoài khi đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề liên kết giữa các nước, có sự thỏa thuận, hợp tác giữa các nước. Chúng ta đã ký kết hiệp định song phương với Hàn Quốc, người Việt Nam lao động tại Hàn Quốc chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội một lần. Với Nhật Bản, chúng ta đã tiến hành 5 vòng đàm phán nhưng chưa đạt được thành công.
Với người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, ở các nước chưa ký hiệp định song phương về bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết, người lao động thường chỉ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, rủi ro, thương tật chứ không phải tham gia bảo hiểm tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp. Sắp tới, khi sửa luật Bảo hiểm xã hội và luật sửa đổi chính thức có hiệu lực, chúng ta sẽ có thay đổi trong vấn đề này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc vấn đề xử lý nợ đóng bảo hiểm
Phát biểu tranh luận với ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc chậm xử lý nợ đóng bảo hiểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng không thể nói rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho người lao động. Đại biểu đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc, xem xét trách nhiệm cơ quan giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Đánh giá của Bộ trưởng về thị trường lao động Việt Nam?
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%. Vậy, Bộ trưởng đánh giá như nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người. Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.
Thời gian qua sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện…
Gửi bình luận