e magazine
Bài 2: Chạm mặt “lâm tặc” trong rừng phòng hộ Thuận Hòa

16/01/2023 12:56

Có đi tìm hiểu sâu về tình trạng phá rừng, nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam mới hiểu được vì đâu mà diện tích rừng ngày một ít.

3

Ông N. một trong những người có uy tín ở thôn Lùng Mười, xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) bảo, năm 2017 xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới, nhưng thực tế tỉ lệ hộ nghèo của thôn vẫn còn cao, chưa có điện và giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện, riêng thôn Lùng Mười chỉ có 2km đường bê tông, còn từ đầu đường Quốc Lộ 4C đi đến thôn Ngài Thầu Sảng có chiều dài khoảng 7km vẫn là đường đất. Cột điện và dây điện ở trục đường chính này được kéo, lắp nối từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa hề đóng điện.

2

Theo ông N. hiện cả thôn chỉ có duy nhất đội 1 có điện lưới, còn lại từ đội 2 đến đội 5 đều phải tự bỏ tiền, bỏ công sức đi mua máy phát điện chạy bằng sức nước. Riêng nhà ông N. không có chỗ lắp máy phát điện nên phải bỏ tới 4 triệu đồng cho chủ đất chỉ để xin chỗ… đặt máy điện nước.

Ông N. cho hay, chính vì cái nghèo “thâm căn, cố đế” như thế nên người dân mới phá rừng. Để chứng minh rừng ở Lùng Mười đã bị phá rất nhiều, ông N. dẫn chúng tôi đi sâu trong rừng già ở đội 2, rồi bảo khu rừng này trước đây vốn không có người dân sinh sống, nhưng sau đó có nhiều hộ dân là người Mông lui về đây ở, họ sống gần rừng, cái nghèo đeo bám, thành thử rừng cũng dần mất theo thời gian.

Vừa đi, ông N. vừa chỉ tay lên những cánh rừng già có nhiều cây nghiến đã khô, thân sơ xác. Ông N. cho hay, vì những cây này dễ nhìn thấy, nhà nước không cho chặt nên người ta khoanh vỏ, đánh dấu đợi cho cây chết, rồi theo thời gian cây tự đổ họ lấy làm củi, còn thân cây tốt thì họ cắt làm thớt bán.

3

Đi tiếp vào khu rừng nguyên sinh khu vực đầu nguồn nước, rất nhiều hộ đã phá rừng để trồng ngô, lợp lán, nhiều cây nghiến cổ thụ xung quanh lán đã bị chặt hạ. Ông N. đưa chúng tôi đến một cây nghiến đã bị xẻ gốc vào năm ngoái, rồi bảo vụ này cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, nhiều người trước đây sống cùng làng với ông N. hiện vẫn đang trong trại cải tạo. Còn cách đó không xa, một cây nghiến khổng lồ khác đã bị đốn hạ, nằm rạp trong rừng già, nhưng thủ phạm thì đến nay vẫn chưa rõ.

4

Có đi vào khu rừng già được quy hoạch là rừng phòng hộ thuộc thôn Minh Tiến, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) chúng tôi mới thấy được toàn cảnh gỗ nghiến bị tàn phá là xót xa đến nhường nào. Ở đây, chúng tôi chứng kiến muôn kiểu phá rừng và cách “hô biến” để đưa lâm sản ra ngoài tiêu thụ mà không hề vi phạm pháp luật.

Để thâm nhập thực tế, nhóm phóng viên đã bỏ rất nhiều công sức để nắm bắt thông tin, thậm chí nhiều lần thất bại vì có “cò” báo tin cho “lâm tặc” bỏ chạy, khiến công sức của nhóm phóng viên trở thành công cốc. Tuy nhiên, sau nhiều lần thất bại nhóm phóng viên cuối cùng cũng được chạm mặt các đối tượng đang hạ sát rừng nghiến cổ thụ.

Cụ thể, ngày 2/1/2022, nhóm phóng viên tổ chức đi bộ xuyên rừng theo một đường mòn khác, lúc này mới phát hiện nhóm đối tượng đang cưa gỗ nghiến. Tại hiện trường lúc này, xác nghiến nằm la liệt, những khúc gỗ đã cắt thành dạng thớt được bỏ lăn lốc trong rừng, nhóm người chưa nhìn thấy chúng tôi vẫn mải miết vác gỗ ra khỏi rừng.

9

Bất ngờ gặp phóng viên, một số bỏ chạy, duy nhất còn một người mặc áo khoác màu lam chạc hơn 40 tuổi cầm con dao phay hùng hổ nhảy ra từ bụi cây hỏi chúng tôi mục đích vào rừng.

Để tránh xảy ra xô xát, một người trong nhóm chúng tôi đáp vào rừng để đo đạc, khảo sát để chuyển mục đích sử dụng rừng giao cho hộ dân có nhu cầu. Tuy nhiên, gã không tin và có lời đe dọa, chúng tôi phải nói trong đoàn đi có cả công an theo sau thì gã mới rời khỏi hiện trường.

Ghi nhận tại hiện trường lúc này, ngoài những cây nghiến bị tàn sát không thương tiếc, chúng tôi còn phát hiện rất nhiều hố than đã được các đối tượng sử dụng. Mục đích là đốt những cây nghiến cổ thụ thành than rồi mang bán để sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Bà L. trú tại thôn Minh Tiến tiết lộ, trước đây rất nhiều trường hợp mang cả gỗ ra khỏi rừng bị phát hiện và xử phạt hành chính hoặc nặng có thể là hình sự. Do đó, người dân ở đây nghĩ ra cách đốt nghiến thành than.

Mỗi kilôgam than ở đây bán tại chỗ với giá 7 nghìn đồng, thị trường tiêu thụ lớn nhất là những nhà hàng, quán nướng ở các huyện vùng cao nguyên đá.

5

Cũng theo bà L. những gốc cây Chai, Nghiến cưa gốc dùng để làm bàn trang trí hoặc đôn ngồi uống nước lâu nay thường được một người đàn ông tên V. ở trung tâm xã Quyết Tiến nhận chở ra tiêu thụ. Còn riêng thớt nghiến thì không cố định người chở và xe chở, mỗi chuyến là một người khác hoặc xe khác nhau, thường họ chỉ chở vào ban đêm.

Ở khu vực được coi là “đại công trường” hạ sát cây nghiến này, một kiểu phá rừng mới được chúng tôi phát hiện là đốt gốc nghiến. Phương thức giết “báu vật” thiên nhiên này được các đối tượng thực hiện bằng cách cưa một đoạn gốc rồi châm lửa đốt gốc cây trong nhiều ngày, lúc này cây nghiến tự đổ, lực lượng chức năng có phát hiện cũng đã muộn và rất khó xác định được thủ phạm phá rừng.

6

Bằng phần mềm định vị, cùng sự hỗ trợ của một nhân viên trung tâm điều tra rừng đi cùng chúng tôi xác định vị trí khu rừng đang bị tàn phá không thương tiếc tại thôn Minh Tiến, xã Quyết Tiến thuộc lô 13191, khoảnh 3, tiểu khu 107, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đá thường xanh nghèo, thuộc loại rừng phòng hộ và nằm dưới sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Vị Xuyên.

Với những thủ đoạn phá rừng tinh vi, cùng với đó là công tác bảo vệ rừng lỏng lẻo những rừng nghiến ở rừng phòng hộ Minh Tiến đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi rừng xanh.

(Còn nữa)