e magazine
Sai phạm tại Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô: Vội vàng tuyên án khi nhiều căn cứ chưa được làm rõ?

04/12/2018 08:14

Nhiều uẩn khúc cần được làm rõ tại phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Phí cùng các đồng phạm trong dự án nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.

Đất đã quy chủ, đi khiếu nại bị buộc tội cố ý làm trái

Liên quan tới sự việc, bản án sơ thẩm số 19/2016/HSST của TAND tỉnh Phú Yên nêu rõ: các bị cáo như Nguyễn Kích, Hùynh Ngọc Sương, Hùynh Ngọc Thắng...là cán bộ UBND huyện Đông Hòa đã lập hồ sơ và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho từng người có đất bị thu hồi trái với quy định của pháp luật.

Trong đó, nổi bật là việc lập hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức của ông Nguyễn Hữu Phí.

Theo đó, gia đình ông Phí có 11 thửa đất với tổng diện tích 70.118 m2 nằm trong vùng giải tỏa 134ha giai đoạn 1, trong đó có 8 thửa là đất nuôi trồng thủy sản với diện tích 62.524 m2.

Lễ khởi công dự án nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.
Lễ khởi công dự án nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.

Toàn bộ diện tích trên đã được Công ty TNHH Tứ Thiện phối hợp với UBND xã Hòa Tâm đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật đứng tên Nguyễn Hữu Phí.

Tổ kiểm kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa bao gồm Hùynh Ngọc Thắng, Bùi Xuân Quang, Trần Trọng Duy đo đạc, kiểm kê tài sản trên đất ghi trong sổ ngoại nghiệp có Phí ký xác nhận từng thửa và đã khái toán bồi thường cho ông Phí hơn 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó, ông Phí có liên hệ với Nguyễn Kích và Hùynh Ngọc Thắng thì được biết diện tích đất nuôi trồng thủy sản do mình đứng tên vượt mức quy định không được bồi thường về đất nên ông đã tìm tới Nguyễn Tài (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện) để giúp đỡ.

Trong quá trình làm việc, bị cáo Thắng đã đề xuất, chỉ còn cách Phí viết giấy chuyển nhượng cho người khác đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 30/11/2014.

Theo hướng dẫn của ông Hùynh Ngọc Thắng, ông Phí đã viết giấy chuyển nhượng và nhờ Nguyễn Văn Thiệu, nhân viên của Công ty TNHH Tứ Thiện lập lại hồ sơ quy chủ cho 4 người thân (4 giấy viết tay ghi lùi lại thời gian chuyển nhượng vào năm 2004 với các diện tích tại thửa 63,76, 89,99, tờ bản đồ số 10 là đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Ngày 9/12/2013, Lê Văn Hòang, Chủ tịch UBDN xã Hòa Tâm đã ký hợp thức hồ sơ quy chủ cho ông Phí để Thắng cùng Quang, Duy lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho ông Phí hưởng lợi sai quy định hơn 3,7 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Hữu Phí cho rằng: Toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án là của cá nhân, việc được bồi thường không thỏa đáng nên khiếu nại và được xem xét bồi thường, chứ không nhờ vả ai không đồng phạm với ai cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, hơn nữa bị cáo là người dân nên không thể phạm tội như cáo trạng của Viện kiểm sát quy kết.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Phú Yên vẫn cho rằng bị cáo Phí cùng với các lãnh đạo huyện Đông Hòa là đồng phạm, thành một thể thống nhất không thể tách rời.

Bản án sơ thẩm còn cho rằng cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân tỉnh Phú Yên truy tố bị cáo Nguyễn Hữu Phí và các đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khỏan 3, Điều 165 BLHS là có căn cứ, đúng tội.

Bản án này cho rằng bị cáo Phí và người bào chữa không phạm tội theo như cáo trạng là không có cơ sở và đề nghị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là chưa thuyết phục.

Chính từ những viện dẫn đó, TAND tỉnh Phú Yên cho rằng hành vi của ông Nguyễn Hữu Phí phải xử lý thích đáng và tuyên bị cáo hình phạt 01 năm tù treo.

Bản án kết tội có oan sai ?

Ngay sau khi TAND tỉnh Phú Yên tuyên bản án sơ thẩm, không chấp thuận như cáo trạng, ông Nguyễn Hữu Phí đã làm kháng cáo.

Bản án phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ngày 25/9/2018.
Bản án phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ngày 25/9/2018.

Trong phiên tòa phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ngày 25/9/2018, ông Nguyễn Hữu Phí đã cho rằng: “Việc xử bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước là hoàn toàn oan sai vì bị cáo cùng toàn bộ gia đình đã nuôi tôm trên diện tích đất bị thu hồi, do việc thu hồi không đúng nên bị cáo khiếu nại và được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục để được đền bù thi bị cáo làm.

Bị cáo không biết quy định về đền bù, hỗ trợ khi bị nhà nước thu hồi đất như thế nào là đúng, sai. Bị cáo cùng gia đình thấy số tiền đền bù không đủ để khôi phục sản xuất như ban đầu nên khiếu nại.

Bị cáo không phải là người được giao giải quyết chế độ đền bù, hỗ trợ cũng không biết quy định của nhà nước về đền bù, hỗ trợ”.

Theo luật sư Nguyễn Đình Thơ, Văn phòng luật sư Nguyễn Đình Thơ cũng cho rằng: Bị cáo Phí không đồng phạm vì đang là người có đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản nhưng bị nhà nước thu hồi. Việc thu hồi đất bị cáo Phí và gia đình chấp hành nghiêm.

Việc đền bù không đúng nên bị cáo phải khiếu nại, bị cáo gặp ông Tài để khiếu nại việc đền bù là đúng người có trách nhiệm.

Ông Phí chỉ làm theo hướng dẫn của cán bộ được giao giải quyết đền bù, hỗ trợ. Số tiền đền bù 3,7 tỷ ông Phí không nhận mà những người thân trong gia đình nhận.

Đất nuôi trồng thủy sản của gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích còn lại là do gia đình khai hoang, nhận chuyển nhượng không có tranh chấp.

Vì vậy, án sơ thẩm kết tội ông Phí như vậy là hòan toàn không có căn cứ.

Cần làm rõ nhiều căn cứ

Tại bản án phúc thẩm số 236/2017/HSPT của TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho thấy dựa trên tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng đều ghi nhận: Nguyễn Hữu Phí có 08 thửa đất nuôi trồng thủy sản với diện tích 62.524 m2.

Toàn bộ diện tích này đã được UBND xã Hòa Tâm ký hồ sơ quy chủ cho ông Phí vào năm 2013. Như vậy toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Hữu Phí đã được quy chủ.

Phối cảnh dự án nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.
Phối cảnh dự án nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.

TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã viện dẫn một số quy định để làm rõ hành vi phạm tội của ông Phí như: Điểm a, Khỏan 2, Điều 16, Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định “Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng vượt hạn mức thì việc bồi thường đuợc thực hiện như sau: a) Trường hợp diện tích đất vượt hạn mức do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng từ người khác, tự khai hoang theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyện thì được bồi thường”.

Đồng thời, Khỏan 1 và Khỏan 8, Điều 129, Luật Đất đai 2013 quy định: “1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. “8. Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều này.”

Đến đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng TAND tỉnh Phú Yên do năng lực hạn chế không biết các quy định này hay “vô cảm” áp dụng các quy định khác để “nhanh chóng” khép lại vụ việc khiến người dân bị oan sai ?

Đối chiếu với các quy định trên đây, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Yên cần phải xác định diện tích đất nuôi trồng thủy sản của ông Phí là do nhà nước giao bao nhiêu, còn bao nhiêu do bị cáo Phí khai hoang sử dụng và nhận chuyển nhượng của những người khác.

Phần diện tích nào của bị cáo Phí là do khai hoang, phần nào là do chuyển nhượng; nếu không được bồi thường thì được hỗ trợ bao nhiêu.

Đồng thời, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cũng cho rằng cần phải thu thập hồ sơ nguồn gốc đất sử dụng của bị cáo Phí, xác định rõ nội dung nói trên, đối chiếu với những quy định bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để xác định tội danh của Nguyễn Hữu Phí.

Bên cạnh đó, cũng phải tiếp tục làm rõ hành vi, động cơ, mục đích (nếu có) của Nguyễn Tài, Nguyễn Kích, Hùynh Ngọc Thắng và Lê Văn Hòang trong việc giúp bị cáo Phí được đền bù đất vượt hạn mức để xác định trách nhiệm cụ thể của từng bị cáo.

Từ những tình tiết chưa được làm sáng tỏ, chính vì vậy TAND cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định các căn cứ để kết tội Nguyễn Hữu Phí về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đủ căn cứ.

Lê Đình