Theo Tổng cục Quản lý Thị trường, lực lượng chức năng đã xử phạt gần 45 triệu đồng đối 03 sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Với sản phẩm hàng hóa giả mạo là 3.087 sản phẩm, ước tính tổng trị giá hàng hóa là gần 51 triệu đồng.



kinh doanh hang hoa gia mao

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: Tổng cục QLTT)

Nhận được tin báo, tuần qua Đội Quản lý thị trường số 4 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Trí Hải, địa chỉ: 103, Phạm Hữu Chí, KP. Long Hiệp, TT Long Điền, huyện Long Diền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đơn vị chủ thể của nhãn hiệu Mắm Trí Hải tiến hành kiểm tra 03 cơ sở kinh doanh trên địa bàn Tỉnh gồm: Hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp Q.T do ông L.Q.T làm chủ; Hộ kinh doanh – P.Đ do ông H.V.G làm chủ và hộ kinh doanh C.S do ông Đ.T.Đ làm chủ.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện tại 03 cơ sở nêu trên có kinh doanh 3.087 sản phẩm gồm: Mắm tôm bắc Trí Hải, số lượng 288 chai (loại 115 gram); Mắm tôm bắc Trí Hải, số lượng 801 chai (loại 225 gram/hộp); Mắm ruốc có gia vị cao cấp Trí Hải, số lượng 1.251 (loại 160 gram/hộp); Mắm ruốc có gia vị cao cấp Trí Hải,  số lượng 747 hộp (loại 360 gram/hộp) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Mắm Trí Hải của công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Trí Hải. Tổng trị giá hàng hóa là gần 51 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa và lấy mẫu sản phẩm gửi chủ sở hữu xác nhận hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Kết quả: Toàn bộ số lượng 3.087 sản phẩm nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của chủ sở hữu.

Cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 hộ kinh doanh nêu trên với tổng số tiền xử phạt 43,5 triệu đồng về hành vi vi phạm, đồng thời buộc tiêu hủy đối với toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định.

Sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Đội QLTT số 4 phát hiện, xử lý. (Ảnh : Tổng cục QLTT)

Sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Đội QLTT số 4 phát hiện, xử lý. (Ảnh : Tổng cục QLTT)

Được biết, theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hướng dẫn và quy định cụ thể hơn cho khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Khoản 8 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP: “Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác."

Điều 213. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ:

1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan."Do đó, để hiểu và phân định những sản phẩm/mặt hàng nào là hàng giả thì phải chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả như các quy định trên.

 

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận