Cục Điều tra hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa bắt giữ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cùng với một cựu cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự (C02), để điều tra về hành vi "nhận hối lộ" và "môi giới hối lộ"



Theo đó, Cục Điều tra hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa bắt giữ ông Vi Đức Ninh (SN 1975), Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để điều tra về hành vi "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự 2015.

Ông Ninh bị bắt vì nhận hối lộ liên quan đến một vụ án ma túy mà Viện KSND huyện Lục Ngạn chịu trách nhiệm kiểm sát, điều tra.

Đồng thời, Công an tỉnh Bắc Giang cũng bắt khẩn cấp một cựu cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an để điều tra nghi vấn môi giới hối lộ.

Ông Vi Đức Ninh. Ảnh: Viện Kiểm sát nhân dân Lục Ngạn.

Ông Vi Đức Ninh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lục Ngạn. Ảnh: Viện Kiểm sát nhân dân Lục Ngạn.

Thông tin trên báo Giao Thông, đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: "Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan này sẽ sớm có thông tin chính thức liên quan đến vụ việc".

Theo thông tin trên VOV.vn, ông Vi Đức Ninh đã nhận hối lộ 1 tỷ đồng liên quan đến một vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn. Ông Ninh sau đó đã đến cơ quan chức năng để đầu thú về hành vi của mình.

Được biết, Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất thủ tục bàn giao đối tượng cho Cơ quan điều tra hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp nhận điều tra theo thẩm quyền.

Tội nhận hối lộ thuộc tội phạm về tham nhũng được khoản 1 điều 354 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận