Tranh chấp khi mang thai hộ, giải quyết thế nào?
Mặc dù không quy định rõ về giới hạn tuổi của người mang thai hộ nhưng mặc nhiên được hiểu là người phụ nữ đó phải còn trong độ tuổi sinh sản.
Làm "người yêu nhí" mang thai, thanh niên đối mặt vòng lao lý
Đắk Lắk: Trên đường đi sinh, người phụ nữ mang thai bị giật túi xách
Hỏi: Sau khi sinh con gái đầu lòng, vì kinh tế gia đình khó khăn nên vợ chồng tôi quyết định “kế hoạch” để tập trung làm ăn. Nay con gái tôi đã 10 tuổi, kinh tế gia đình khá giả nhưng vợ chồng tôi mắc chứng vô sinh thứ phát, mãi không có thêm con.
Vợ tôi cũng đã cứng tuổi, gần đây lại hay ốm đau nên chúng tôi định nhờ cô em họ mang thai hộ nhưng đang băn khoăn vì cô ấy lớn hơn tuổi vợ tôi (36 tuổi)? Xin hỏi phụ nữ 36 tuổi mà mang thai hộ liệu đứa trẻ ra đời có bảo đảm thông minh, khỏe mạnh không? Pháp luật có quy định cụ thể về độ tuổi được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không? (Anh Đỗ Tùng, 45 tuổi ở Huế).
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trả lời: Vấn đề anh hỏi, tại khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về điều kiện của người được nhờ mang thai hộ.
Theo đó, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Theo điểm c khoản 2 Điều 95 kể trên, độ tuổi phù hợp của người mang thai hộ được hiểu là người phụ nữ đó từ đủ 18 tuổi trở lên, đã từng sinh con nhưng chưa mang thai hộ lần nào và mỗi người chỉ được mang thai hộ một lần duy nhất.
Mặc dù không quy định rõ về giới hạn độ tuổi của người mang thai hộ nhưng mặc nhiên được hiểu là người phụ nữ đó phải còn trong độ tuổi sinh sản và có đủ sức khỏe để thực hiện việc mang thai. Có một vấn đề tuy anh không hỏi nhưng luật sư cần phải tư vấn rõ: Vợ chồng anh không đủ điều kiện để áp dụng việc mang thai hộ.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: “Vợ chồng đang không có con chung”. Như anh trình bày thì vợ chồng anh đã có một con chung là con gái đầu lòng, nay bị mắc vô sinh thứ phát vậy nên sẽ không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp mang thai hộ
Hỏi: Em năm nay 27 tuổi, đã có một con gái 8 tuổi. Thực tế em và chồng đã sống ly thân ngay từ khi con gái tôi được 2 tuổi, nhưng vì lý do riêng nên em không thể ly hôn. Hiện chồng em đang thụ án 20 năm tù vì ma túy. Biết hoàn cảnh của em như vậy, mới đây vợ chồng người chị gái hiếm muộn đã đặt vấn đề nhờ em mang thai hộ giúp vợ chồng chị ấy.
Em cũng muốn nhận lời anh chị ấy, vừa là làm việc nghĩa, cũng là kiếm một khoản tiền lớn để lo cho con gái học hành sau này nhưng lại sợ chồng em sẽ không đồng ý. Xin hỏi liệu em tự mình quyết định việc nhận mang thai hộ có được không, hay bắt buộc phải được sự đồng ý của chồng em?(Chị Hà Thị Dương, ở Bắc Giang).
Trả lời: Theo như chị trình bày, mặc dù thực tế vợ chồng chị ly thân đã nhiều năm và hiện tại chồng chị đang thụ án tù dài hạn nhưng hai người chưa ly hôn nên giữa chị và chồng vẫn tồn tại hôn nhân hợp pháp.
Mặc dù chồng chị đang thụ án tù, đang bị mất quyền tự do thân thể và hạn chế một số quyền công dân, tuy nhiên một số quyền khác của chồng chị như quyền đối với hôn nhân, tài sản, con cái vẫn tồn tại và được pháp luật bảo vệ.
Về tình huống mà chị hỏi, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 tại điểm d khoản 3 Điều 95 đã quy định: “Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.”
Như vậy, trong trường hợp chị muốn nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì bắt buộc phải được sự đồng ý của người chồng thì mới đủ điều kiện pháp luật cho phép.
Bên cạnh đó, Điều 96 Luật này về Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng quy định: thỏa thuận giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và vợ chồng người mang thai hộ với nội dung pháp luật quy định phải lập thành Biên bản thỏa thuận, có công chứng.
Trong trường hợp vợ/ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ/ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền cũng phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.
Như vậy, dù không muốn nhưng bắt buộc chị vẫn phải vào trại giam gặp chồng để thảo luận, thuyết phục chồng đồng ý cho chị thực hiện việc mang thai hộ.
Nếu đã thuyết phục được chồng, bước tiếp theo là chị cần chuẩn bị các giấy tờ, văn bản để người chồng ủy quyền để chị đứng ra giải quyết, thực hiện việc mang thai hộ; do các văn bản, ủy quyền pháp luật quy định phải có công chứng nên chị phải mời công chứng viên vào trại giam cùng với mình để thực hiện các thủ tục này.
Hỏi: Vì sức khỏe của em gái tôi không bảo đảm nên vợ chồng cô ấy quyết định thực hiện việc mang thai hộ. Nay vợ chồng cô ấy đã tìm được người để nhờ mang thai hộ và hai bên đã thỏa thuận, thống nhất được công việc.
Xin hỏi hồ sơ yêu cầu thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm những giấy tờ gì, vợ chồng cô ấy cần gửi ở đâu để được hỗ trợ thực hiện việc mang thai hộ? (Chị Hoài Thương, 38 tuổi ở Huế).
Trả lời: Theo Nghị định số 10/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Và bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật này.
Theo đó, người có nhu cầu nhờ mang thai hộ cần gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.
Theo Điều 14 Chương 5 Nghị định số 10 kể trên, hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm 12 loại giấy tờ: a, Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo mẫu; b, Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu; Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
c, Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận; d, Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
đ, Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;
e, Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
g, Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ; h, Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa; i, Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
k, Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý; Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo mẫu. Bệnh viện nơi tiếp nhận được bộ hồ sơ này sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ.
Theo đó, người đề nghị mang thai hộ sẽ được khám để được xác định là vô sinh (ví dụ như không có tử cung, bị sảy thai liên tục, mắc các bệnh lý nguy hiểm nên không thể mang thai...) nhưng cơ thể vẫn còn buồng trứng hoạt động khỏe mạnh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 10 kể trên, hiện cả nước mới có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là Bệnh viện Phụ sản trung ương- Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế- tỉnh Thừa Thiên Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh.
Hỏi: Vợ chồng chị em đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về việc nhờ người mang thai hộ. Vợ chồng chị em nhờ người em họ (đang có chồng) mang thai hộ, đứa trẻ mang thai hộ sẽ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng cô ấy như vậy liệu có được xác định là con chung của vợ chồng cô ấy hay không? Giả sử sau này xảy ra tranh chấp con trong việc mang thai hộ thì sẽ giải quyết như thế nào ạ? (Bạn Thanh Vân, 24 tuổi ở Đồng Nai).
Trả lời: Vấn đề mà bạn băn khoăn đã được pháp luật dự liệu và quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Theo đó, Điều 94 Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”
Mặc dù pháp luật quy định rõ ràng nhưng nếu vẫn xảy ra tranh chấp thì giải quyết thế nào? Điều 99 Luật này quy định: “1. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ.
2. Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật Dân sự.
Gửi bình luận