Trạm trưởng kiểm lâm và hai Phó Chủ tịch xã ở Phú Thọ bị công an Bắc Giang bắt do lập khống hồ sơ nguồn gốc gỗ, giúp doanh nghiệp xin giấy chứng nhận xuất xứ và làm thủ tục hải quan.



Ngày 27/2, thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang bắt Nguyễn Anh Tuấn (SN 1976), Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Văn Luông (Tân Sơn, Phú Thọ) để điều tra hành vi "Giả mạo trong công tác".

Cơ quan điều tra khởi tố các cán bộ làm giả hồ sơ gỗ. Ảnh: Công an Bắc Giang

Cơ quan điều tra khởi tố các cán bộ làm giả hồ sơ gỗ. Ảnh: Công an Bắc Giang.

Cùng bị bắt về tội danh này có 4 bị can khác gồm: Hà Ngọc Tú (SN 1980), nguyên Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận (Tân Sơn, Phú Thọ); Hà Văn Sơn (SN 1977), Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận; Hoàng Trọng Đại (SN 1978), cán bộ lâm nghiệp UBND xã Mỹ Thuận và Trần Thị Bích Thảo (SN 1983, ở Lạng Giang, Bắc Giang), Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gỗ.

Cảnh sát cho hay, trước đó phát hiện thông tin việc một số doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang có dấu hiệu sai phạm trong việc kinh doanh, xuất khẩu gỗ.

Điều tra bước đầu xác định, Nguyễn Anh Tuấn với vai trò Trạm trưởng kiểm lâm Văn Luông đã cùng một số cán bộ thuộc UBND xã Mỹ Thuận lập khống các hồ sơ nguồn gốc lâm sản gỗ.

Hồ sơ sau đó được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này để họ thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và làm thủ tục hải quan.

Điều 359 Bộ luật Hình sự quy định, ai có hành vi "Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn" sẽ bị phạt từ 1 đến 20 năm tù, tùy tính chất mức độ.

Theo điều 359, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội giả mạo trong công tác như sau:

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Như vậy, đối với tội giả mạo trong công tác thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận