Theo phản ánh, sau khi xét xử, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố hoãn tuyên án và hẹn sẽ tuyên sau. Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 tháng nhưng HĐXX vẫn không tuyên và không có thông báo gửi đến đương sự cho biết khi nào mở lại phiên tòa.



Chuyển nhượng hay cầm cố?

Theo đơn kêu cứu của ông Trần Văn Sáu (SN 1948, ngụ Ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) trình bày, ngày 21/11/1987, ông có nhận chuyển nhượng của bà Lê Thị Ao 2.000m2 đất thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và canh tác trồng hoa màu. Đến năm 1992, ông Sáu được UBND xã Đông Thạnh cấp Giấy chứng nhận (tạm thời) và ông đã hoàn tất thủ tục đóng thuế và lệ phí cấp Giấy chứng nhận.

Tờ bán đứt bất động sản do ông Sáu giữ và cung cấp
Tờ bán đứt bất động sản do ông Sáu giữ và cung cấp

Tuy nhiên, cũng theo ông Sáu, vào năm 1993, bà Ao cùng các con đã nhổ hết hoa màu do gia đình ông trồng và chiếm lại đất. Phía bà Ao cho rằng gia đình bà chỉ làm giấy cầm cố, còn giấy bán đất là do ông Sáu làm giả. Từ đó hai bên xảy ra tranh chấp kéo dài, qua bao nhiêu cấp chính quyền giải quyết.

Theo hồ sơ thể hiện, từ năm 1993 đến năm 1998, lần lượt UBND xã Đông Thạnh, UBND huyện Hóc Môn và UBND TP HCM đều có Quyết định công nhận ông Sáu được quyền sử dụng phần đất trên.

Bỗng gần 10 năm sau, UBND TP HCM lại ban hành Quyết định số 4113/QĐ-UB ngày 4/9/2009, hủy bỏ quyết định công nhận quyền sử dụng đất cho ông Sáu của chính UBND Thành phố đã ban hành trước đó ngày 17/11/1998.

Các quyết định giải quyết vụ việc qua các cấp chính quyền
Các quyết định giải quyết vụ việc qua các cấp chính quyền

Một khía cạnh khác, từ khi gia đình bà Ao “chiếm” lại phần đất, trong lúc các cơ quan chức năng đang giải quyết việc tranh chấp thì ông Trần Văn So (con bà Ao) đã đem phần đất trên chuyển nhượng lại cho rất nhiều người để chiếm đoạt tiền.

Ngày 27/4/2007, TAND huyện Hóc Môn đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo So và xử phạt 9 năm tù giam. Trong vụ án này, ông Trần Văn Đũa (con bà Ao) là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bản án sau đó không có kháng cáo, kháng nghị nên ông So đã phải thi hành bản án trên.

Thẩm phán vi phạm tố tụng nghiêm trọng?

Liên quan vụ tranh chấp, sau khi có quyết định của UBND Thành phố, ngày 11/4/2012, ông Trần Văn Đũa đã khởi kiện ông Sáu ra TAND huyện Hóc Môn yêu cầu hủy tờ bán đứt bất động sản lập ngày 21/11/1987 và yêu cầu tòa án công nhận quyền sử dụng đất trên cho ông.

Ông Trần Văn Sáu trên phần đất được cho rằng đã chuyển nhượng của bà Ao nhưng nay đã được sang bán cho nhiều người
Ông Trần Văn Sáu trên phần đất được cho rằng đã chuyển nhượng của bà Ao nhưng nay đã được sang bán cho nhiều người

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/01/2014, mặc dù người đại diện hợp pháp của ông Sáu là ông Nguyễn Đăng Đạt cùng đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hóc Môn đã yêu cầu tòa giám định chữ ký trong tờ bán đứt bất động sản và định giá tài sản để giải quyết hậu quả pháp lý nhưng HĐXX không chấp nhận. Riêng phía nguyên đơn là ông Đũa mặc dù cho rằng tờ bán đứt bất động sản là giả nhưng lại từ chối việc giám định chữ ký. (?!)

Bản án sơ thẩm đã không làm rõ bằng chứng rất quan trọng trên là thật hay giả nhưng tuyên hủy tờ bán đứt bất động sản nêu trên nên ông Sáu kháng cáo.

Về phía Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hóc Môn, sau khi có bản án đã có Quyết định kháng nghị bản án nêu trên, đề nghị TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án dân sự sơ thẩm để xét xử lại.

Tại Bản án phúc thẩm số 763/2014/DS-PT ngày 17/6/2014 của TAND TP HCM đã hủy Bản án dân sự sơ thẩm trên và giao hồ sơ cho tòa án huyện này giải quyết lại vụ án.

TAND huyện Hóc Môn đã thụ lý vụ án sơ thẩm lần 2 vào ngày 11/7/2014 và phân công Thẩm phán Nguyễn Văn Mai giải quyết vụ án.

Giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời cấp cho ông Sáu
Giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời cấp cho ông Sáu

Mãi đến ngày 15/9/2017 (tức sau hơn 3 năm), TAND huyện Hóc Môn mới mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2. Theo đại diện bị đơn và đại diện người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày, ngay khi phiên tòa diễn ra, nguyên đơn đã yêu cầu dừng phiên tòa để giám định chữ ký và dấu vân tay của ông Trần Văn Đũa trên tờ bán đứt bất động sản. Trong khi trước đó, tại biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải ngày 6/7/2017, nguyên đơn đã nêu ý kiến là không yêu cầu giám định.

Theo phía bị đơn, yêu cầu của nguyên đơn đã vi phạm vào khoản 1 Điều 102 của BLTTDS 2015. Thế nhưng, HĐXX lại đồng ý yêu cầu này của nguyên đơn và cho dừng phiên tòa để giám định chữ ký và dấu vân tay của ông Đũa.

Điều lạ là dù nguyên đơn “đòi hỏi” vậy nhưng lại không chịu đóng chi phí giám định nên yêu cầu trên đã không thể tiến hành.

Theo phản ánh, ngày 18/12/2017, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự thủ tục nhưng đến phần nghị án thì HĐXX không tuyên và hẹn sẽ tuyên vào ngày 21/12/2017. Thế nhưng, đến ngày hẹn nhưng tòa vẫn chưa tuyên. Lý do được Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Văn Mai đưa ra là còn một số vấn đề cần phải xác minh thêm.

Và kể từ đó đến nay, đã gần 4 tháng nhưng vụ án vẫn “im lặng” một cách khó hiểu. Liệu có gì khuất tất?

Theo đại diện bị đơn là ông Sáu và đại diện người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho biết, từ khi hoãn tuyên án đến nay đã không nhận được bất kỳ quyết định hay thông báo nào về việc hoãn phiên tòa và ngày giờ nào sẽ mở lại phiên tòa để tuyên án. Hiện tại, cả hai đại diện trên đã làm đơn “tố cáo” vụ việc đến Chánh án TAND huyện Hóc Môn và yêu cầu thay đổi Thẩm phán.

Để làm rõ thông tin, ngày 10/4/2018, phóng viên đã liên hệ TAND huyện Hóc Môn. Trao đổi bước đầu qua điện thoại, một cán bộ tòa án này cho biết Chánh án bận họp nên không trao đổi với phóng viên được. Tuy nhiên, cũng theo cán bộ này thông tin, hiện tòa mới nhận được đơn và đã chuyển cho bộ phận giải quyết khiếu nại xem xét giải quyết.

Theo Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP HCM:

Việc HĐXX không tuyên án sau khi kết thúc phần tranh luận cho đến nay đã gần 4 tháng là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật TTDS.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 284 Bộ luật TTDS việc nghị án có thể kéo dài, nhưng không quá 5 ngày làm việc đối với các vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Ngoài ra, HĐXX chỉ được phép tạm ngừng phiên tòa, thời hạn tạm ngừng không quá 01 tháng trong một số trường hợp.

Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo khoản 2 Điều 259 Bộ luật TTDS.

Do đó, việc HĐXX đã không tuyên án sau khi nghị án cho đến nay đã gần 4 tháng, nhưng không có bất kỳ thông báo nào về mặt tố tụng là sự kiện “hi hữu”, vi phạm nghiêm trọng pháp luật TTDS.

Sau thời gian này, nếu HĐXX có tuyên án, ban hành bản án thì khả năng sẽ bị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án khi có kháng cáo, kháng nghị (nếu có) vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về thời hạn tuyên án.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận