Sáng 16/6, Đoàn Kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).



Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Cùng đi có đồng chí Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp. Tiếp và làm việc với Đoàn Kiểm tra có đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng đại diện Lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, Bộ đã ban hành một số văn bản nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và thi hành pháp luật về XLVPHC trong giai đoạn hiện nay; đẩy mạnh phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan. Về việc áp dụng pháp luật về XLVPHC, đã thực hiện 313 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ảnh 1

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.

Về tình hình, kết quả áp dụng biện pháp XLVPHC, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, năm 2021, các cơ sở cai nghiện ma tuý trên cả nước đã tổ chức cai nghiện ma tuý cho 72.575 người nghiện ma tuý, trong đó hơn 70 nghìn người tại các cơ sở cai nghiện ma tuý công lập, hơn 1 nghìn người tại các cơ sở cai nghiện do tổ chức, cá nhân thành lập. Tính đến 31/12/2021, các cơ sở cai nghiện ma tuý trên cả nước còn quản lý, điều trị hơn 33 nghìn học viên.

Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật XLVPHC; công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC cũng đã được quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý XLVPHC theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn và chưa thật sự hiệu quả.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ảnh 2

Cụ thể, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, các nội dung tại mục 3 Chương 2 “Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá” không thực hiện được do chưa sát với thực tiễn; cơ quan thanh tra không có nghiệp vụ, chức năng về định giá tài sản; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (01 năm) chưa phù hợp với tình hình thực tiễn trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, số lượng các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tương đối lớn và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung nên việc cập nhật còn gặp khó khăn; khi tiến hành cưỡng chế bằng hình thức khấu trừ tiền qua tài khoản, phần lớn các tài khoản doanh nghiệp cung cấp trong quá trình thanh tra không còn số dư hoặc số dư còn rất ít nên việc cưỡng chế không hiệu quả.

Qua đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 166 theo hướng quy định rõ trách nhiệm, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức không tuân theo quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính; xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về XLVPHC, nội dung pháp luật lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ảnh 3

Tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về XLVPHC trong các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng, giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế riêng về biên chế số lượng công chức thanh tra, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống các cơ quan thanh tra trong tình hình mới.

Sau khi nghe báo cáo, Đoàn Kiểm tra đã có những nhận xét, đánh giá đồng thời yêu cầu Bộ LĐ, TB&XH cung cấp thêm thông tin, giải trình, làm rõ hơn một số vấn đề thuộc nội dung Báo cáo; đề nghị trả lời thêm các vấn đề khác liên quan đến phương thức, cách thức, biện pháp tổ chức thực hiện, kết quả công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; trình bày rõ hơn về công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, đồng thời nêu rõ việc ký kết các quy chế phối hợp…

Kết luận tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao việc chuẩn bị về hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra cũng như sự có mặt, tham gia đầy đủ của các thành viên dự họp theo yêu cầu. Ghi nhận những kết quả Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được, Đoàn kiểm tra đã nắm bắt đầy đủ, xác thực công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; làm rõ những ưu, nhược điểm, khó khăn, vướng mắc trong nội dung các quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về XLVPHC. Thứ trưởng cũng đã giải thích, hướng dẫn cụ thể những hạn chế, tồn tại hoặc vấn đề sai sót cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ảnh 4

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận sơ bộ tại buổi kiểm tra.

Để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục triển khai hoạt động này sát sao và sâu rộng hơn. Đồng thời ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH và sẽ tổng hợp để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận