Sau khi nhận cải tạo phương tiện tại xưởng, Dương đưa phương tiện đến Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới giao thông Lào Cai để kiểm định với giá mỗi phương tiện là 15 triệu đồng.



Đại diện VKSND tỉnh Lào Cai ngày 28/2 cho biết, đơn vị đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 bị can, gồm: Dương Đức Minh (SN 1979) -  Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đăng kiểm xe cơ giới giao thông Lào Cai (mã số 24-01D) về tội “Nhận hối lộ” theo điều 354 BLHS năm 2015.

Nguyễn Kim Dương (SN 1984), Giám đốc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Việt Lâm có địa chỉ tại đường Trần Đại Nghĩa, phường Duyên Hải, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai về tội “Đưa hối lộ” theo điều 365 BLHS năm 2015.

doc-cac-quyet-dinh

 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đọc lệnh khám xét nơi làm việc của các đối tượng. (Ảnh: CA Lào Cai).

Quá trình điều tra cho thấy, sau khi thực hiện cải tạo phương tiện xe ô tô tại xưởng sửa chữa của Nguyễn Kim Dương. Dương tiếp tục đưa phương tiện đến Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới giao thông Lào Cai để kiểm định. Mỗi lần kiểm định, Dương đã chi phí cho Minh với mỗi phương tiện là 15 triệu đồng.

Trước đó, ngày 18/2, Công an tỉnh Lào Cai đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, VKSND tỉnh Lào Cai tiến hành khám xét khẩn cấp tại nơi làm việc và nơi ở của Dương Đức Minh. Đồng thời, khám xét khẩn cấp nơi làm việc và nơi ở đối với Nguyễn Kim Dương.

Quá trình khám xét, cơ quan chức năng đã tạm giữ, niêm phong các hồ sơ, tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Điều 354 BLHS năm 2015 quy định tội nhận hối lộ như sau:

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận