Luật sư phân tích tính pháp lý xung quanh vụ 7 bệnh nhân tử vong sau khi chạy thận
Nếu có đủ căn cứ xác định bác sĩ có lỗi vi phạm quy định về khám chữa bệnh thì những người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cam kết sớm tìm ra nguyên nhân vụ tử vong khi chạy thận
Vụ sốc phản vệ khi chạy thận ở Hòa Bình: Các bệnh nhân đã về đến BV Bạch Mai
Ngày 30/5, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân 7 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết cũng đã tạm đình chỉ toàn bộ khoa chạy thận nhân tạo, chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận chu kỳ tại đây để các bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.
![]() |
Có tới 7 nạn nhân tử vong trong vụ sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. |
Cũng ngay trong đêm 29/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để chỉ đạo vụ việc và thăm hỏi người nhà bệnh nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành y gặp phải sự cố gây tử vong đối với bệnh nhân, tuy nhiên, sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lần này là một sự cố đáng tiếc, nghiêm trọng bởi con số bệnh nhân tử vong lên tới 7 người tính tới thời điểm này.
Bên cạnh sự xót xa, thương cảm đối với các nạn nhân và gia đình trong vụ việc này, dư luận còn bày tỏ sự quan tâm rằng, đơn vị, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm khi hậu quả đáng tiếc đã xảy ra như vậy?
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, 7 người chết là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ hoạt động khám chữa bệnh và có dấu hiệu sai phạm từ phía bệnh viện. Vì vậy, cơ quan điều tra công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án đối với vụ việc này là có căn cứ.
"Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan để có căn cứ giải quyết vụ án. Nếu có đủ căn cứ xác định bác sĩ, y tá, điều dưỡng... có lỗi vi phạm quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc thì những người có liên quan đó sẽ bị khởi tố bị can và có thể bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra" - luật sư Đặng Văn Cường nói.
Để xác định nguyên nhân 18 bệnh nhân suy thận bị sốc phản vệ thuốc dẫn đến 7 người bệnh đã tử vong, luật sư cho biết cần sự điều tra kỹ lưỡng của các cơ quan có chuyên môn thì mới có kết luận chính thức về sự việc.
"Cá nhân nào có lỗi dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong thì cá nhân đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh quy định tại Điều 242 BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009" - Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. 1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ 7 năm đến 15 năm 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”. |
Như vậy mức hình phạt cao nhất có thể là 15 năm, phạt tiền đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề đến 5 năm.
Ngoài ra, do vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nên khi hậu quả xảy ra, nếu xác địch được có lỗi của nhân viên, bác sĩ thuộc bệnh viện thì ngoài trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo quy định của Bộ luật dân sự, sau đó trách nhiệm liên đới giữa các bác sĩ và bệnh viện sẽ giải quyết khi xác định được lỗi thuộc về cá nhân nào.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Chi phí khám, chữa bệnh, cấp cứu; chi phí bồi dưỡng, chăm sóc; chi phí mai táng; tiền bồ thường tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của nạn nhân (không quá 100 Tháng lương tối thiểu) và tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.
Gửi bình luận