Sau hơn 11 năm chịu oan ức vì “đội lốt” kẻ hiếp dâm, giết người, ông Hàn Đức Long đã được trở về sum họp, đón xuân cùng gia đình.



Một mùa xuân ấm áp, đoàn viên đang đến với mọi nhà, mọi người. Thế nhưng đối với gia đình ông Hàn Đức Long, không khí tết sum vầy và ngập tràn hạnh phúc đã chính thức gõ cửa gia đình từ ngày 20/12, ấy là ngày ông được trả lại tự do sau 11 năm chịu oan ức, tăm tối nơi ngục tù.

Người vợ đã không ngại gian khó, ngày ngày tháng tháng đi kêu oan cho chồng. Và giờ đây bà đã có thể vui mừng vì chồng được tự do.
Người vợ đã không ngại gian khó, ngày ngày tháng tháng đi kêu oan cho chồng. Và giờ đây bà đã có thể vui mừng vì chồng được tự do.

Mùa xuân... "đầu tiên"

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26/6/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (đăng ký thường trú tại huyện Tân Yên, Bắc Giang) không thấy con gái Nguyễn Thị Yến (sinh năm 2000) ở nhà nên đã đổ xô đi tìm.

Sáng hôm sau, có người phát hiện xác của cháu Yến tại mương nước ngoài đồng, khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy âm đạo cháu bị rách.

Sau gần 4 tháng không tìm ra thủ phạm, CQĐT nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến (SN 1930) và con gái của bà Khuyến là Trương Thị Năm (SN 1960) đều tố cáo bị ông Long về hành vi hiếp dâm.

Quá trình bị hỏi cung, ông Long thú nhận hành vi hiếp dâm mẹ con bà Khuyến cùng việc hiếp dâm và giết hại cháu Yến. Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang nhiều lần xét xử và tuyên ông Hàn Đức Long án tử hình mặc dù tại các phiên tòa, ông Long đều phản cung.

Chính xác là sau 11 năm, 2 tháng, 2 ngày ông Hàn Đức Long ngồi tù trong oan ức, tuyệt vọng, VKSND tỉnh Bắc Giang mới chính thức đình chỉ điều tra vụ án giết người, hiếp dâm mà ông bị cho là hung thủ. Từ đây, chính quyền địa phương và các ngành chức năng mới chính thức phục hồi mọi quyền công dân cho ông.

Đó là niềm vui không chỉ của riêng gia đình ông, mà còn là niềm hạnh phúc vỡ òa đối với những người đã miệt mài cùng ông đi tìm công lý trong quãng thời gian dài đằng đẵng ấy.

Đối với mọi người, một cái tết sum họp bên gia đình luôn là một “điệp khúc” rất bình thường trong năm, nhưng tết này với "tử tù" Hàn Đức Long thật sự là một niềm hạnh phúc, nó giống như một cuộc “hồi sinh” lần hai.

Bởi lẽ, khoảnh khắc sum họp này ông đã ao ước từ rất lâu, dù bị oan ức nhưng không còn cách nào khác, Hàn Đức Long gồng mình chịu đựng, trải qua nhiều tháng ngày tủi nhục chỉ để chờ đợi ngày thoát khỏi ngục tù.

Ngày trở về, ai cũng bảo trông ông già đi vài chục tuổi chứ không phải là mười tuổi so với cái ngày ông bị gọi lên UBND xã để nộp tiền bồi thường rồi bị bắt giam cho đến nay. Vậy nhưng không vì khuôn mặt già đi mà nụ cười của ông vụt tắt, sau khi được đoàn tụ, ông Hàn Đức Long lúc nào cũng tỏ ra vui mừng, cười nói, mừng đến nỗi không ăn uống được gì.

Kỳ 2: Xuân sang “gõ cửa”, đón Tết đoàn viên cùng gia đình ông Hàn Đức Long

Hàn Đức Long chia sẻ, "lúc ở trong tù, đồ ăn chỉ có hạn nên tôi luôn bị đói. Thế mà từ ngày được trở về với tự do, hàng xóm, bạn bè mang quà biếu toàn đồ ngon nhưng tôi lại chả ăn được vì vui quá".

Mỗi lần đến chúc tụng thì hàng xóm, họ hàng của ông lại mang theo đồ biếu, người thì vài cân gạo nếp, con gà, người lại ít trái cây vườn nhà, dù là không lớn về giá trị vật chất nhưng nó thắm đượm nghĩa tình. Nhiều luật sư, nhà báo trên Hà Nội về biếu ông bộ quần áo để ông mặc Tết, thùng mỳ tôm hoặc là ít tiền để vợ ông sắm một cái tết ấm áp, đủ đầy hơn.

Bà Nguyễn Thị Mai - vợ ông Hàn Đức Long cho biết, để đáp lại tấm chân tình của mọi người, Tết này bà sẽ “tháp tùng” ông đi thăm xóm giềng, họ hàng và những luật sư, nhà báo đã đồng hành trong công cuộc minh oan cho chồng.

Ảnh hai vợ chồng ông Hàn Đức Long bà Mai chụp năm 1995. Ảnh Quốc Đô.
Ảnh hai vợ chồng ông Hàn Đức Long bà Mai chụp năm 1995. Ảnh Quốc Đô.

"Tôi đã mua lá dong rồi, gạo nếp thì đã có họ hàng cho, tôi sẽ gói thật nhiều bánh chưng để bạn bè, xóm giềng và khách qua ăn tết chung, năm nay chắc chắn là sẽ rất vui vầy" - bà Mai hồ hởi nói.

Bế trên tay đứa cháu nội 2 tuổi, ông Hàn Đức Long rưng rưng nước mắt, nước mắt của sự hạnh phúc, tự do. Ngày ông bị bắt giam và đưa đi cải tạo, hai con của ông mới đang ở tuổi chập chững “ngưỡng cửa” cuộc đời khi chưa học xong cấp 2. Ông cảm thấy vô cùng may mắn khi không có bố dạy dỗ nhưng các con ở nhà đều ngoan ngoãn và lớn khôn.

Ông nhìn đứa cháu nội và nói, "không biết bà nội và bố mẹ nó dạy sao mà tôi vừa trở về đến nhà, nó đã chạy ra ôm trầm và nhảy tót lên người tôi, lại còn đòi tôi phải chuẩn bị tiền mừng tuổi cho nó...".

Vậy là 11 năm rồi, gia đình ông Hàn Đức Long lại mới có một cái Tết đúng nghĩa và đủ đầy. Theo bà Mai, những mùa xuân trước, ngoài mâm cơm cúng gia tiên, gia đình không mua sắm thêm gì cả, phần vì chẳng vui vẻ gì, phần cũng là do không có tiền, lăn lộn cả năm nhưng bà cũng chỉ đủ tiền đi thăm ông và trang trải cuộc sống thường ngày.

Vui xuân này lại nghĩ đến xuân xưa...

Hơn 11 năm trời đằng đẵng cũng qua đi, giờ đây được trở về, hòa nhập với cộng đồng, nhưng đôi lúc Ông Hàn Đức Long vẫn cảm thấy “ớn lạnh” khi nghĩ về quá khứ. Đó là những cái tết chan đầy nước mắt trong ngục tù tăm tối.

Ông Hàn Đức Long đang gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết.
Ông Hàn Đức Long đang gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết.

Đã 11 mùa xuân ông không hề biết đến tình cảm gia đình ngày tết. Ông kể, mỗi khi Tết đến xuân về, thoáng nhìn thấy hình ảnh cành đào hoa nở hồng rực ở đâu đó thì hai hàng nước mắt lại trào ra. Những lúc đó ông lại tự an ủi mình rằng, mình là “đấng nam nhi”, lẽ nào lại dễ dàng gục ngã đến vậy?

Nhận món quà Tết từ người vợ tần tảo qua những lần vào thăm, ông lại không sao kìm được những tiếng nấc nghẹn ngào, vì đâu mà cuộc đời ông bỗng dưng trở nên tăm tối đến vậy? Ông dặn dò vợ con rằng đừng lo cho ông, hãy trở về và chuẩn bị một cái tết ấm áp nhưng không biết rằng trong 11 năm ông chịu giam cầm ấy, bà Mai và các con cũng chưa bao giờ được hưởng một cái tết nào đúng nghĩa cả.

Mỗi khi có quà từ người nhà, ông đều chia cho các bạn tù. "Trong tù nhiều lúc cũng tình nghĩa lắm, có những người thì nhận ra sai lầm nên sống rất hiền từ, có những người cũng chịu oan ức như tôi nên rất thương nhau, đôi lúc còn chia nhau từng miếng lương khô một" - ông Hàn Đức Long nhớ lại.

Nhiều người thân đã đến tặng hoa, chúc mừng ông Hàn Đức Long nhân dịp được trả tự do.
Nhiều người thân đã đến tặng hoa, chúc mừng ông Hàn Đức Long nhân dịp được trả tự do.

Ngày Tết, ông và những người bạn tù được quan tâm hơn thường ngày một chút, nhưng đang trai tráng, sức ăn nhiều nên ông không bao giờ cảm thấy no. Nhiều hôm ông và bạn tù có được mì tôm để ăn đêm, nhưng nửa đêm trong trại lại không cho nước nóng nên đành phải nhai sống.

Nghe những câu chuyện trong tù mà ông kể, nhiều người đã xúc động và không khỏi rơi nước mắt. Đó là những lần ông và bạn tù bóp nát mì tôm, chan nước lã, đợi mì nhũn ra rồi ăn, hay những lần ăn nửa thanh lương khô mà uống hai cốc nước lã cho nở ra chỉ để chống đói...

Mười một năm khổ cực ấy cuối cùng cũng qua, công lý thực sự đã trở về với ông Hàn Đức Long cùng gia đình. Tết này ông dự định sẽ đi nhiều nơi, thăm nhiều người để thỏa lòng mong nhớ sau rất nhiều năm xa cách.

Bà Mai và các con vẫn đang miệt mài với công việc chuẩn bị gạo, rửa lá, gói bánh chưng. Ai đi ngang qua xóm Yên Lý cũng cảm thấy phấn khởi và vui mừng cho gia đình Hàn Đức Long. Đã 11 năm nay, những tiếng cười đùa, những âm thanh vui nhộn mới lại ùa về trong căn nhà nghèo nàn của vợ chồng người “tù oan” Hàn Đức Long…

Vào năm 2011, vụ án Hàn Đức Long đã được đưa ra xét xử rất nhiều lần nhưng lần nào kết quả cũng chỉ là án tử. Sự bặt vô âm tín của các cơ quan công quyền giữa lúc chồng bà sắp phải thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc khiến bà Nguyễn Thị Mai tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật mà luật sư Lê Xuân Thảo làm việc.

Thế rồi bằng lời cầu cứu của luật sư Lê Xuân Thảo, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có lá thư viết tay gửi đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị chỉ đạo xem xét lại vụ án.

Có thể nói, đây là một bước ngoặt lớn của vụ án, luật sư Lê Xuân Thảo đã đến bên ông Hàn Đức Long đúng lúc ông tuyệt vọng và cần có sự trợ giúp nhất. Bởi thế nên ngay sau khi chính thức được minh oan, nguyện vọng đầu tiên của ông Hàn Đức Long là đến thăm bác Lê Khả Phiêu cùng các luật sư, nhà báo.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận