Trải qua hơn 20 năm, sau gần chục phiên xét xử và vụ án đã được Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM giải quyết, thế nhưng TAND thị xã Dĩ An lại đang cố tình “chống đối” và tiếp tục… “làm khổ” dân?



 Ở nhờ rồi chiếm luôn đất

Theo hồ sơ, nội dung vụ việc có thể tóm tắt như sau: Nguồn gốc tài sản tranh chấp là nhà và đất có diện tích 3.537m2 tọa lạc KP Nội Hóa 2, P Bình An, huyện Dĩ An (nay là Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được xác định của cụ Ngô Văn Duy, SN 1890, quê quán Hải Phòng.

Năm 1984, cụ Duy lập di chúc để lại nhà và đất trên cho cháu nội là bà Ngô Bích Hải (SN 1942).

Đến năm 1986, do hoàn cảnh, bà Hải nhờ bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1946) trông coi giúp nhà và đất trên. Một thời gian sau, phát hiện con bà Tuyết cất nhà trên đất của mình nhờ bà Tuyết trông coi nên ngày 04/4/1995, bà Hải có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng huyện Dĩ An.

Trong khi đơn của bà Hải chưa được giải quyết thì ngày 13/12/1997, UBND huyện Dĩ An ký cấp (lần 1) Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) phần đất tranh chấp đã nêu cho bà Tuyết. Tiếp đó năm 1998, bà Tuyết tiếp tục cất một quán giải khát và cho một người con khác cất nhà trên phần đất bà Tuyết được cấp GCN.

Khu đất của cụ Ngô Văn Duy để lại cho bà bà Ngô Bích Hải.
Khu đất của cụ Ngô Văn Duy để lại cho bà bà Ngô Bích Hải.

Năm 2001, sau khi Thanh tra tỉnh Bình Dương kiểm tra phát hiện vụ việc, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo UBND huyện Dĩ An thu hồi GCN QSDĐ đã cấp cho bà Tuyết trái pháp luật. Đồng thời đề nghị giải quyết trả lại quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho bà Hải.

Hai năm sau, UBND huyện Dĩ An ban hành Quyết định huỷ GCN QSDĐ đã cấp sai cho bà Tuyết. Sau đó bà Tuyết có đơn khởi kiện Quyết định trên của UBND huyện Dĩ An.

Bản án gây hiểu lầm giúp bà Tuyết “qua mặt” cơ quan chức năng?

Tại Bản án số 14/HCPT (bản án phúc thẩm số 14) ngày 01/9/2004 của TAND tỉnh Bình Dương tuyên: Bác đơn khởi kiện của bà Tuyết, giữ nguyên Quyết định của UBND huyện Dĩ An huỷ GCN QSDĐ đã cấp cho bà Tuyết vào năm 1997.

Thế nhưng, cũng tại Quyết định của bản án phúc thẩm số 14 lại nêu một nội dung rất dễ gây hiểu lầm: “Về di sản của cụ Duy, bà Tuyết tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng hiện nay. Các đồng thừa kế có phát sinh tranh chấp sẽ được Tòa án thụ lý, giải quyết nếu còn thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật”.

Bản án số 14/HCPT của TAND tỉnh Bình Dương.
Bản án số 14/HCPT của TAND tỉnh Bình Dương.

Mặc dù sau đó, TAND tỉnh Bình Dương có Công văn số 02/HC-TLĐ (ngày 15/12/2004)  trả lời đơn ông Ngô Phạm Thiện (do bà Hải ủy quyền) khẳng định: “Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương không giao phần đất tranh chấp cho bà Tuyết mà tạm thời để bà Tuyết tiếp tục quản lý, sử dụng…”, thế nhưng lợi dụng “sơ hở” trên, vào năm 2005, bà Tuyết nộp đơn xin cấp GCN QSDĐ cho phần đất đã bị thu hồi trước đó.

Và đơn của bà Tuyết được hàng loạt các cơ quan chức năng như: Thi hành án huyện Dĩ An, UBND phường An Bình, Phòng TN-MT và UBND thị xã Dĩ An “dễ dàng” thông qua. Đến ngày 26/5/2006, bà Tuyết lại được UBND thị xã Dĩ An cấp GCN QSDĐ lần 2 cho phần đất đã bị hủy GCN trước đây.

Cũng từ những sai lầm nghiêm trọng trên đã khiến vụ việc càng trở nên phức tạp!

Có GCN QSDĐ trong tay, năm 2009, bà Tuyết tách thửa tặng cho và chuyển nhượng hết phần đất (vốn của cụ Duy cho bà Hải) cho 5 người. Tiếp đó 5 người này lại chuyển nhượng cho một số người khác. Cuối cùng, thửa đất trên bị “xâu xé” và được cấp 8 GCN QSDĐ cho 7 người (Võ Thị Lợi (2 GCN), Trần Thị Kim Ngân, Hồ Văn Xáng, Võ Thị Kim Hạnh, Trương Văn Khắng, Trần Văn Hạnh, Trịnh Thị Kim Hà - trong số này, vài người là con cháu bà Tuyết)!

TAND thị xã Dĩ An “chống” TAND Tối cao?

Tháng 12/2010 bà Hải khởi kiện bà Tuyết yêu cầu trả lại nhà và đất của cụ Duy cho.

Bản án số 164/2013/DS-PT của TAND Tối cao tại TP HCM.
Bản án số 164/2013/DS-PT của TAND Tối cao tại TP HCM.

Tại bản án số 164/2013/DS-PT (bản án 164) ngày 20/5/2013 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên: “Bà Ngô Bích Hải được thừa kế 3.016,3m2 đất của cụ Ngô Văn Duy trên đó có căn nhà số 150B…; Ghi nhận sự tự nguyện của bà Ngô Bích Hải cho lại bà Nguyễn Thị Tuyết, anh Trần Văn Dũng và anh Trần Văn Thắng được quyền quản lý sử dụng 316,3m2 đất… vì có công trông coi bảo quản tài sản trên…; Buộc bà Nguyễn Thị Tuyết, anh Trần Văn Dũng và anh Trần Văn Thắng giao trả cho bà Ngô Bích Hải khu đất có diện tích 2.790m2…; Ghi nhận sự tự nguyện của bà Ngô Bích Hải cho riêng ông Ngô Phạm Thiện toàn bộ tài sản thừa kế nói trên…”.

Đến năm 2015, UBND thị xã Dĩ An đã ban hành các Quyết định thu hồi và hủy các GCN QSDĐ cấp trái pháp luật (phần đất của cụ Duy) cho bà Tuyết và 8 cá nhân liên quan.

Sau đó 8 cá nhân bị thu hồi GCN có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy các Quyết định của UBND thị xã Dĩ An và tuyên huỷ GCN QSDĐ do đơn vị này ký cấp cho ông Ngô Phạm Thiện ngày 23/12/2015 (căn cứ theo bản án 164 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM).

Các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND thị xã Dĩ An.
Các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND thị xã Dĩ An.

Sau khi thụ lý đơn, ngày 25/12/2015, TAND thị xã Dĩ An đã ban hành các Quyết định theo thứ tự số 01 đến 07/2015/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn tạm thời có nội dung: “Cấm ông Ngô Phạm Thiện thay đổi hiện trạng đất và tài sản gắn liền trên đất, chuyển dịch về quyền tài sản đối với đất và tài sản gắn liền trên đất…” phần đất của cụ Duy đã được cấp GCN cho ông Thiện; “Cấm Uỷ ban nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương thực hiện các hành vi đăng ký biến động liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” đã cấp cho ông Thiện.

Tiếp đó, ngày 26/4/2016, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương có Công văn số 295/TA-GĐKT (Công văn 295) đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án 164 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM.

Trình bày với Pháp luật Plus, ông Thiện bức xúc: “Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An ban hành các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ ngày 25/12/2015 đến nay là 1 năm 8 tháng đã gây thiệt hại cho gia đình tôi quá lớn sau hơn 20 năm đi tìm công lý. Ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho gia đình tôi?”.

`` Trả lời Công văn 295, ngày 10/4/2017, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 94/CV-GĐKT II, nội dung khẳng định: “Những người thực tế quản lý tài sản tranh chấp là bà Tuyết, anh Dũng, anh Thắng đều đã tham gia tố tụng và bản án phúc thẩm đã quyết định những người này phải trả lại tài sản như thế nào. Có một số người khác nhận chuyển nhượng đất được cấp giấy chứng nhận nhưng các giấy chứng nhận này đã bị thu hồi. Do đó, bản án phúc thẩm là thi hành được. Việc chuyển nhượng đất giữa bà Tuyết, anh Dũng, anh Thắng và những người khác nếu không tự giải quyết được thì họ có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 164/2013/DS-PT ngày 20/5/2013 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Mặc dù Công văn 94/CV-GĐKT II của TAND Tối cao một lần nữa khẳng định như vậy, thế nhưng, Thẩm phán TAND thị xã Dĩ An là ông Vũ Linh (Thẩm phán được giao giải quyết vụ kiện của 7 cá nhân trên) vẫn “chống lệnh” và tiếp tục duy trì 07 Quyết định “giam” GCN QSDĐ của ông Thiện.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận