Việc đã và đang diễn ra hiện tượng phá rừng ở nhiều địa phương là bài học sâu sắc trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.



Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Như Pháp luật Plus đã phản ánh, thời gian qua, tình trạng các xưởng bóc mọc lên gần rừng tự nhiên đang hàng ngày khiến cho những cánh rừng này dần bị thu hẹp ở Hà Giang là việc diễn ra thực tế. Tuy nhiên, trong thời gian dài người bảo vệ rừng và chủ rừng vẫn chưa có phương án khắc phục hoặc cố tình để cho các đối tượng khai thác gỗ lộng hành khiến rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp lại.

Trong một diễn biến mới nhất gần đây, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các nghành, huyện tập trung làm rõ việc Pháp luật Plus thông tin. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo: Giao UBND huyện Quang Bình thành lập Tổ công tác của huyện xuống hiện trường kiểm tra, xác minh và ngăn chặn ngay tình trạng phá rừng tự nhiên trái phép tại một số xã.

Đồng thời có những đánh giá cụ thể thiệt hại, xác định nguyên nhân, lý do, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Làm rõ việc phản ánh phá rừng tự nhiên, việc lâm tặc nườm nượp chở những khúc gỗ cắt khúc, việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động của các cơ sở ván bóc. Bên cạnh đó, xác định nguồn gốc xuất xứ lâm sản người dân bán cho các xưởng ván bóc và việc chậm trễ kiểm tra của lực lượng chức năng khi đã tiếp nhận thông tin phản ánh.

66

Không chỉ các xưởng bóc tại huyện Quang Bình, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang cần rà soát và tăng cường kiểm tra tại các xưởng bóc ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Xín Mần, Bắc Mê.

Theo ông Đặng Ngọc Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Nam, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết, trên địa bàn nơi ông quản lý không có tình trạng buôn bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên. Thực tế tại địa phương đã có nhiều vụ án mang tính chất hình sự vì mua bán, vận chuyển gỗ trái phép nên hiện nay không ai dám khai thác gỗ rừng tự nhiên nữa.

Sau khi nắm bắt thông tin từ báo chí, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý tình trạng vận chuyển, mua bán gỗ tự nhiên trái phép. Đặc biệt đã xử lý hành chính một đối tượng tên Thèn Minh và yêu cầu sẽ xử lý hình sự một người tên Trường” - ông Lý Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang nói.

Từ thực tế trên cho thấy, mỗi địa phương muốn bảo vệ rừng thì trước hết chủ rừng, người bảo vệ rừng cần phải trung thực, mạnh tay hơn nữa trước những sai phạm của người dân cũng như doanh nghiệp. Và rõ ràng thực trạng rừng tự nhiên hiện nay đang bị tàn phá là không thể chối cãi, việc cho phép các xưởng gỗ “mọc lên” gần rừng tự nhiên đồng nghĩa với nguy cơ mất rừng rất lớn. Và như nhiều người dân địa phương nói về việc giữ rừng đó là đừng để khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

a2

Tình trạng khai thác rừng tự nhiên phục vụ sản xuất ván bóc xuất khẩu đang là nội dung nổi cộm tại  Hà Giang.

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra phá rừng

Để làm rõ về trách nhiệm của người bảo vệ rừng tại địa phương này, phóng viên Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang

Theo ông Đông cho biết, sau khi nhận được hình ảnh thực tế mà phóng viên cung cấp, lãnh đạo Chi cục đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình tổ chức kiểm tra tất cả các địa phương có tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ tự nhiên trên địa bàn và khẳng định vấn đề này lãnh đạo Chi cục cũng đang trăn trở.

Năm 2019 lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng chức năng đã phát hiện 271 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 46 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó đã xử lý 270 vụ, tịch thu gần 200m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 2,76 tỷ đồng.

Về quản lý lâm sản, thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 276 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Trong năm 2019, Chi cục đã tổ chức 2 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 4 cơ sở thuộc huyện Vị Xuyên, Bắc Quang; 1 cuộc kiểm tra chuyên đề tại các huyện: Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.

Báo cáo cho hay, qua thanh, kiểm tra nhìn chung các cơ sở chế biến lâm sản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh, chế biến. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 2 cơ sở vi phạm.

- Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Giang.

“Chi Cục đã giao phòng chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch, Chi cục Trưởng đã cùng với lãnh đạo các phòng trực tiếp làm việc với UBND các xã, nơi mà phóng viên đã ghi nhận.

Qua đó kiểm tra vai trò của Hạt Kiểm lâm địa phương, Trạm Kiểm lâm phụ trách địa bàn; nắm tình hình về trách nhiệm quản lý rừng, của các chủ rừng, trách nhiệm của chính quyền địa phương và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”.

“Sau khi xem xét mức độ phức tạp của tình trạng phá rừng mà báo chí phản ánh, đồng thời nhận thấy trách nhiệm của Trạm Kiểm lâm xã Xuân Giang, huyện Quang Bình khi nhiều lần để xảy ra thực trạng phá rừng tự nhiên cả trước đó và hiện tại gây bức xúc trong dư luận.

Chi cục Kiểm lâm Hà Giang đã đề nghị cách chức Trạm Trưởng Kiểm lâm Xuân Giang, hiện chỉ đang đợi quyết định của Giám đốc Sở Nông nghiệp vì giám đốc mới có quyền cách chức chức vụ này” - ông Đông nói.

Động thái này của Kiểm Lâm Hà Giang có thể nói là khi địa phương nào để mất rừng trước hết xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Việc này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời điều này còn được xem như tiếng chuông đốc thúc hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các địa bàn khác.

Khi phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Thủ tướng) nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu kiện toàn các tổ chức có liên quan, nhất là lực lượng kiểm lâm. Chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật. 

Việc đã và đang diễn ra hiện tượng phá rừng ở nhiều địa phương là bài học sâu sắc trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Các cán bộ kỷ luật, người vi phạm đều nhận thức rõ được những sai phạm của mình trong công tác quản lý và bảo vệ rừng nên nhận hình thức kỷ luật đều “tâm phục, khẩu phục”.

Một thực tế có thể thấy rõ là việc chặt và phá rừng đều xuất phát từ nguyên nhân không hiểu hết chính sách pháp luật và quy định của của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng. Nhiều địa phương trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến người dân các quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp. Do vậy cần có chỉ đạo sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ban ngành đoàn thể tỉnh Hà Giang, nhằm thực hiện tuyên truyền cho người dân hiểu về cơ chế, chính sách của nhà nước và nghĩa vụ của người dân đối với công tác lâm nghiệp.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận