Chuyện một người thầy khiếm thị
Dù khiếm thị, nhưng bù lại, ánh sáng từ trái tim của anh Đặng Ngọc Duy (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm và định hướng cuộc đời của nhiều trẻ em tật nguyền.
Quỹ nhịp cầu Plus mang “hơi ấm tình thương” đến với 2 sinh viên nghèo vượt khó
Lê Trường Giang - Chàng trai khuyết tật vượt khó bằng tranh gạo
![]() |
Các em nhỏ tại Mái ấm Hướng Dương (Ảnh: cosomaiamhuongduong.com). |
Trong căn nhà nhỏ thuê làm cơ sở Mái ấm Hướng Dương trên đường Điện Biên Phủ (TP. Tam Kỳ), anh Đặng Ngọc Duy (sinh năm 1976) kể với chúng tôi về một ký ức buồn của tuổi thơ.
Năm học lớp 6 anh có nhặt được một kíp nổ. Tính hiếu kỳ của một đứa trẻ hơn 10 tuổi đã làm kíp phát nổ, phá hỏng đôi mắt và bàn tay trái. Cảm giác của một đứa trẻ khi mất đi đôi mắt là quá sức chịu đựng khi không thể cùng chúng bạn đi học, đi chơi. Chìm vào cuộc sống trong bóng tối là một điều kinh khủng, có lúc anh tưởng như đã tuyệt vọng.
Anh Duy nhớ lại: “Tôi thèm làm mọi thứ, thèm được sống bình thường, được đá bóng, chạy nhảy... Nhưng thực tại là tôi chỉ có một mình với bóng đen”.
Thấy con thèm khát đến trường, ba mẹ anh Duy lần lượt đưa anh đến học tại trường khuyết tật tại Đà Nẵng rồi về lại Tam Kỳ. Nhưng cơn tuyệt vọng tiếp tục dìm anh vào bóng tối. “Tôi từng bỏ nhà đi lang thang hơn 1 năm. Trong thời gian đó, tôi nhận ra mình cần sống có ích hơn với cuộc đời”, anh Duy tâm sự.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, anh Duy tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2002. Không dừng ước mơ đi học lại ở đây, sau nhiều lần đi thi, Đặng Ngọc Duy đậu vào chuyên ngành sư phạm ngữ văn (Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, nay là Đại học Quảng Nam) vào năm 2005.
Tuổi thơ trải qua biến cố cùng với những khó khăn trong cuộc sống giúp anh Duy hiểu rõ khát vọng đến trường, được sống cùng bạn bè đồng trang lứa của những trẻ em khuyết tật. Từ đó, anh đã ấp ủ về một cơ sở dạy học cho các cháu nhỏ tật nguyền.
Với hai bàn tay trắng, anh kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân xuất bản tập thơ “Sắc màu âm thanh”. Số tiền thu được dùng để thực hiện ước mơ về một mái nhà cho trẻ em tật nguyền.
Cùng với sự hỗ trợ của những người thầy, người cô từng dạy học cho anh Duy, cuối năm 2009, Mái ấm Hướng Dương ra đời.
![]() |
Ngày 6/3 đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mái ấm Hướng Dương và ghi nhận những nỗ lực của anh Đặng Ngọc Duy (Ảnh: VGP/Hồng Hạnh). |
Đó là một căn nhà thuê lại trên đường Trần Dư với khoảng 10 cháu khiếm thị theo học. “Có một mình nên đến cái chén, đôi đũa tôi cũng phải tự sắm để đón các cháu tới ăn ở, học tập. Ban đầu cũng vất vả lắm vì nguồn kinh phí ít ỏi, không tự chủ được”, anh Đặng Ngọc Duy kể chuyện lúc mới thành lập cơ sở Hướng Dương.
Đến nay, Mái ấm Hướng Dương là ngôi nhà chung của 25 cháu nhỏ khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sinh hoạt, học tập và vui chơi. Để giúp các cháu nhỏ học tập, “hiệu trưởng” Đặng Ngọc Duy phải nhờ đến các cô giáo tình nguyện.
Để việc dạy học hiệu quả, anh phải chia thành các lớp nhỏ và có cách truyền đạt kiến thức riêng cho từng dạng khuyết tật. Dù mỗi em là một hoàn cảnh, nhưng sinh hoạt trong Mái ấm Hướng Dương, các em tạm quên được mặc cảm để hòa mình trong tình yêu thương chân thành, ấm áp. Ở đây, các em được học chữ, học hát, được nuôi dưỡng, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ.
Hồ hởi với môi trường có bạn bè cùng chung cảnh ngộ, em Nguyễn Công Tài (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) cho biết được học ở đây rất vui, vì “ở quê thì buồn vì cháu khó có thể chơi chung với các bạn khác”.
Cũng như Tài, nhiều em nhỏ tại Mái ấm Hướng Dương luôn coi anh Đặng Ngọc Duy là ngôi sao định hướng cho cuộc đời của mình. Với nhiều em, giấc mơ được làm thầy giáo như “chú Duy” trở thành niềm hy vọng mãnh liệt để vượt qua bóng tối, vượt qua mặc cảm tật nguyền.
Vào đầu tháng 3/2016, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và ghi nhận những nỗ lực của Mái ấm Hướng Dương và cá nhân anh Duy trong việc giúp đỡ trẻ em khuyết tật của tỉnh Quảng Nam.
Được biết, chính quyền Quảng Nam đã cấp cho Mái ấm Hương Dương một mảnh đất rộng 800 m2 để xây dựng cơ sở mới. Dự kiến trong tháng 8/2016, cơ sở mới sẽ hoàn thành.
Anh Duy hy vọng, cơ sở mới khang trang, rộng rãi, Mái ấm sẽ có điều kiện tốt hơn để nuôi dạy các em. “Chỉ cần cơ sở được mở rộng, để có thêm nhiều cháu khuyết tật được học tập tại cơ sở là tôi thấy hạnh phúc đủ đầy”, anh tâm sự.
Gửi bình luận