Nhiều người cho rằng, cần làm rõ hành vi phá phách, xúc phạm cán bộ Tòa án trong buổi công khai xin lỗi tù oan Hàn Đức Long.



Được trở về đoàn tụ cùng gia đình và xã hội sau quãng đường hơn 11 năm ngồi tù oan, đối với ông Hàn Đức Long, một lời xin lỗi chân thành chính là điều ông mong chờ nhất.

Vậy nhưng niềm mong mỏi ấy của ông dường như vẫn chưa thể đạt được khi bất ngờ trong buổi TAND Cấp cao xin lỗi công khai ông ngày 25/4, gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Y. đã có mặt và phá phách, gây rối vì cho rằng chưa tìm ra thủ phạm thật sự thì không được xin lỗi. Thậm chí, họ còn có những hành động thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng đối với cán bộ Tòa án như giật loa, ném dép...

Ông Trần Văn Tuân, Phó chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long.
Ông Trần Văn Tuân, Phó chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao đọc lời xin lỗi ông Hàn Đức Long.

Ai cũng hiểu về sự đớn đau, dằn vặt khi vụ án đã xảy ra hơn 11 năm rồi mà hung thủ giết cháu Y. vẫn chưa được tìm ra, nhưng hành động quá khích ấy làm cho những người đại diện Tòa án đứng ra công khai xin lỗi rơi vào trạng thái bị cô lập, bị xúc phạm nghiêm trọng về sức khỏe và danh dự.

Nhiều người chứng kiến điều này băn khoăn rằng, liệu đó có phải là một hành động vượt quá giới hạn cho phép, là một hành vi vi phạm pháp luật và cần được giáo dục, xử lý?

Buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long diễn ra trong sự hỗn loạn.
Buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long diễn ra trong sự hỗn loạn.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với luật sư, thạc sĩ Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, Điều 51, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định rõ về việc xin lỗi, cải chính công khai với những người bị oan trong tố tụng hình sự.

"Theo đó, việc đại diện cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai với ông Hàn Đức Long là đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của ông Long theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự". - luật sư Cường nói.

Tuy nhiên, sự hỗn loạn trong buổi xin lỗi công khai đó đã là một sự bất ngờ, khiến cho cán bộ Tòa án bị xâm phạm còn ông Hàn Đức Long thì rơi vào trạng thái hoảng sợ, tái phát bệnh cũ.

Khi trao đổi về điều này, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật có những quy định, những chế tài để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm công dân, bảo vệ trật tự công cộng, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Hành vi tấn công người thi hành công vụ, gây mất trật tự nơi công cộng... là hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tuỳ thuộc vào nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi, tuỳ thuộc vào hậu quả... mà hành vi vi phạm pháp luật đó có thể bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm, bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

"Với hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác... gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị áp dụng chế tài hình sự về tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS), tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS), tội làm nhục người khác (điều 121 BLHS)" - luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường.

Những bức xúc, hành động, phản ứng tiêu cực, thiếu kiềm chế cảm xúc đó đã biến thành hành động không còn chuẩn mực, không phù hợp với quy định pháp luật... Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, những hành động thiếu kiềm chế ấy được bắt nguồn từ sai phạm nghiêm trọng của những người tiến hành tố tụng, của cơ quan tiến hành tố tụng.

Vì vậy, những hành vi vi phạm này có thể xem là bài học rút kinh nghiệm cho cả hai bên, không nên nâng cao quan điểm để áp dụng chế tài pháp luật. "Nếu xử lý những người bức xúc bằng chế tài hành chính hoặc hình sự trong vụ việc này thì sẽ không đạt được hiệu quả trong áp dụng pháp luật,chỉ làm tăng thêm sự bức xúc, bất mãn trong dân chúng". - luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Thiết nghĩ, các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm và làm tốt hơn công tác tư tưởng cũng như việc tổ chức, thực hiện thủ tục xin lỗi công khai để hoạt động này đạt được đúng mục đích mà pháp luật đã đặt ra.

Tháng 6/2005, bé Nguyễn Thị Y. (5 tuổi, tại thôn Yên Lý) bị hiếp dâm và sát hại. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định ông Hàn Đức Long là hung thủ. Từ năm 2007 đến 2011, trải qua bốn phiên tòa, ông Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạt án tử hình về tội hiếp dâm trẻ em và giết người.

Năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để yêu cầu điều tra nhiều vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án.

Ông Hàn Đức Long trong ngày trở về đoàn tụ.
Ông Hàn Đức Long trong ngày trở về đoàn tụ.

Ngày 20/12/2016, do chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long về các tội danh bị khởi tố, VKSND tỉnh Bắc Giang đã đình chỉ điều tra vụ án, đồng thời yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Long.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận