Thời tiết tốt, vải thiều Bắc Giang ra hoa đạt tỷ lệ cao dự báo mùa bội thu
Hiện nay, cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, giám sát 178 mã vùng trồng với diện tích 16.695 ha đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, cây vải thiều trên địa bàn tỉnh hiện đang giai đoạn nở hoa, tỷ lệ ra hoa đạt khoảng 90-95%.
Để tăng cường, đảm bảo chất lượng cho trái vải, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, đảm bảo truy suất nguồn gốc; tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế, chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu vải thiều.

Thời tiết tháng 3/2023 rất tốt, phù hợp để hoa vải đậu trái, dự báo một mùa vải bội thu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ảnh tác giả Linh Chi - TC Người làm báo
Hiện nay, cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, giám sát 178 mã vùng trồng với diện tích 16.695 ha đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; duy trì 215 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, 01 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Rà soát, kiểm tra và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 04 mã vùng trồng với diện tích 43,06 ha tại huyện Tân Yên đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ…
Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tăng cường sử dụng biện pháp cơ giới, vật lý, sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Khuyến cáo người trồng vải chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh khi thực sự cần thiết, không sử dụng lạm dụng, tràn lan.
Thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU... Bố trí kinh phí hỗ trợ vật tư phục vụ sản xuất cho nông dân (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón); nơi cất giữ, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phân tích mẫu quả vải về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch; chứng nhận vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Trái vải Bắc Giang đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Ảnh Vietnamnet
Năm 2022, tổng diện tích trồng vải an toàn toàn của tỉnh tiếp tục duy trì 28.300 ha, trong đó: Vải chín sớm là 6.050 ha, vải chín muộn là 22.250 ha; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng 1.000 tấn; Duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha; sản lượng 1.600 tấn để xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ; tiếp tục chỉ đạo 34 mã số vùng trồng, diện tích 267 ha, sản lượng 2.100 tấn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; duy trì 149 mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 95.000 tấn.
Mặc dù trước những khó khăn, áp lực rất lớn trong xuất khẩu; giá vải thiều đầu và cuối vụ ở mức cao, giữa vụ được duy trì ổn định với giá bán vải thiều bình quân của cả vụ ước đạt 22.100 đ/kg (tăng 2.300đ/kg so với năm 2021). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.785 tỷ (xấp xỉ với doanh thu các năm gần đây; năm 2021 là 6.830 tỷ đồng, năm 2021 là 6.821 tỷ đồng), trong đó: Doanh thu từ vải thiều đạt khoảng 4.411 tỷ đồng (cao hơn so với năm 2021 là 137 tỷ đồng), doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.374 tỷ đồng (giảm hơn so với năm 2021 là 173 tỷ đồng, do sản lượng vải thiều năm 2022 giảm hơn so với năm 2021 là trên 15.000 tấn).
Giá vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30-55.000đ/kg, giá bán vải thiều tại một số thị trường nước ngoài như: tại Nhật Bản, Mỹ, Úc và một số nước EU (Pháp, Đức, Ý, Bỉ Hà Lan…) có giá bán rất cao và được tiêu thụ thuận lợi, dao động từ 350-550.000đ/kg tùy từng thị trường. Vải thiều được người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng, khó tính đánh giá cao về chất lượng và được quan tâm đón nhận.
Gửi bình luận