Yên Lập, Yên Phú (Tuyên Quang) được nhiều người biết tới bởi ý chí, nghị lực thoát nghèo, khao khát mong bầy trẻ được thỏa sức tới trường đeo đuổi con chữ.



Nông dân thôn Yên Lập 1, xã Yên Phú (Hàm Yên) phấn khởi với vụ lúa được mùa. (Ảnh minh họa)
Nông dân thôn Yên Lập 1, xã Yên Phú (Hàm Yên) phấn khởi với vụ lúa được mùa. (Ảnh minh họa)

Yên Lập bình yên

Ba thôn 1, 2, 3 Yên Lập cách xa trung tâm xã Yên Phú tới cả chục ki lô mét. Chạy xe men theo con suối Hẻ, thôn 1, 2, 3 Yên Lập hiện ra trước mắt với những nếp nhà sàn lúp xúp trên những triền đồi dốc thoai thoải.

Nhà sàn ở đây vẫn được giữ nguyên bản với mái lá cọ vương màu khói xám, nhà xen lẫn những rừng cây, điểm xuyết là những thảm cỏ còn xanh rì nguyên sơ, nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc của cả làng.

Anh Lý Văn Đàng, Trưởng thôn 1 Yên Lập tính nhẩm: “Nếu gộp lượng trâu của cả 3 thôn thì cũng phải lên tới 650 con, mỗi thôn trung bình trên 200 con, tính ra mỗi hộ ít thì 1 con mà nhiều thì từ năm đến bảy ấy chứ”.

Cũng chính từ những đàn trâu này mới có chuyện nhà trưởng thôn này với ông bí thư chi bộ thôn kia hùn vốn mua xe ô tô chở nông lâm sản, rồi ông bí thư chi bộ thôn này gộp sức với người trưởng thôn kế bên mua máy ủi, máy xúc phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn.

Anh Bàn Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ thôn 2 Yên Lập thủng thẳng bảo: “Cũng từ nuôi trâu mà những người đứng đầu thôn như chúng tôi mới dám nghĩ, dám làm, quyết tiên phong trong công tác xóa nghèo. Miệng nói tay làm, cái bụng dân ưng là làm theo tắp lự.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng người dân trong thôn tận dụng nguồn thức ăn dồi dào tại địa phương để chăn nuôi trâu với quy mô lớn hơn, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân”.

Ngôi nhà sàn của ông Lý Văn Minh, thôn 2 Yên Lập nằm ngay gần đầu thôn, gia đình ông Minh vụ nào cũng nuôi từ 4 đến 6 con trâu.

Ông Minh chia sẻ: “Khi mua trâu về bắt buộc phải tiêm phòng các loại bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và tẩy giun sán cho đàn trâu.

Đối với chuồng trại cần làm cao ráo, thoáng mát về mùa hè, mùa đông cần che kín giữ ấm cho đàn trâu, nền chuồng nên lát gạch để dễ vệ sinh và thực hiện phun hóa chất khử trùng theo định kỳ”.

Thời điểm trâu lớn nhanh là vào tháng 5 đến tháng 6, khi đó tranh thủ thời gian chuyển vụ giữa vụ lúa xuân và vụ mùa, thả trâu cả đêm ngoài đồng để trâu ăn các mầm lúa non mà người dân quen gọi là “trau lúa”.

Trao đổi thêm về kinh nghiệm chăm sóc đàn trâu trong mùa đông, ông Minh cho biết: “Không nên chăn thả lẫn với các đàn trâu khác, những ngày rét phải pha nước muối ấm cho trâu uống và thả muộn, khi trời đã tan giá và đưa trâu về sớm hơn thường ngày, như vậy vừa tạo điều kiện để trâu có thời gian vận động, thích nghi dần với thời tiết và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên, dành thức ăn chuẩn bị sẵn cho các đợt rét khác”.

Ngoài nuôi trâu, ông Minh còn trồng trên 10 ha rừng đều đã đến tuổi khai thác, hai năm 2014, 2015 vừa qua gia đình ông thu về từ khai thác gỗ rừng trồng tới 130 triệu đồng, được khoản tiền lớn ông không quên dành tiền để tiếp tục thời gian tới đầu tư mở rộng quy mô phát triển đàn trâu, mua thêm giống cây để phủ xanh khoảng rừng vừa khai thác.

Điểm qua các nhà nuôi trâu ở đây, hộ nào cũng xây dựng chuồng chăn nuôi đảm bảo thoáng mát về mùa hè và giữ ấm vào mùa đông.

Vừa chỉ lên đám rơm khô được chất đầy ngay trên nóc mỗi chuồng trâu, bà Bàn Thị Nhình, thôn 1 Yên Lập bảo: “Có đám rơm khô này trâu chẳng lo đói vào mùa rét, những ngày mưa lạnh chúng tôi giữ trâu ở lại chuồng cho ăn rơm khô để bảo vệ đàn trâu khỏi giá lạnh, rét mướt”.

Năm 2015 cả ba thôn xuất bán trâu tới trên ba chục tấn, chiếm tỷ lệ tới gần 50% tổng trọng lượng trâu bán của cả xã. Việc chăn nuôi trâu, dê, lợn, gia cầm rồi trồng lúa, lạc, đậu tương đều trợ lực cho việc “lấy ngắn nuôi dài” của bà con nơi đây, bởi cùng với chăn nuôi thì người dân còn trồng rừng, trung bình mỗi thôn diện tích rừng trồng trên dưới 100 ha, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 2.200 m3 gỗ mỗi năm.

Tục cấp sắc và chuyện học

Dưới sự chở che của núi rừng đại ngàn, sự tưới tắm của dòng suối Hẻ, suối Trò, biết bao thế hệ người Dao nơi đây đã trưởng thành, an cư lạc nghiệp, xây dựng đời sống ấm no, gia đình văn hóa.

Người cán bộ văn hóa xã khoe với tôi về thành tích mà đội văn nghệ của các thôn này lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của người Dao rồi đi thi khắp trong ngoài huyện.

Trong những lần tham gia thi hội diễn văn nghệ ấy, họ thường diễn lại Lễ cấp sắc, một phong tục cổ truyền của người Dao theo họ từ đời này nối đời sau.

Theo ông Đặng Văn Chín, thôn 3 Yên Lập, mỗi thôn thường có một thầy đứng lên làm chủ lễ. Lễ cấp sắc không chỉ là một tục lệ rất phổ biến mà còn là bắt buộc đối với tất cả đàn ông người Dao.

Đồng bào nơi đây có lòng tin sâu sắc rằng, được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ dân tộc mới phát triển. Người ta làm Lễ cấp sắc lần lượt theo thế hệ và thứ bậc: Ông, bố, anh, em…

Độ tuổi được cấp sắc của người Dao là từ 12 đến 16 tuổi trở lên và chỉ cấp sắc cho con trai chưa có vợ. Tổ chức Lễ cấp sắc là một việc lớn trong đời người Dao.

Thực hiện Lễ cấp sắc đòi hỏi gia đình người thụ lễ phải chuẩn bị rất công phu như: Gạo, thịt, rượu, quần áo, tranh thờ, nhạc cụ truyền thống…

Nền tảng giáo dục từ tục cấp sắc đó, người dân nơi đây cũng ý thức được việc chăm lo chuyện học cho con em mình chu đáo. Những năm gần đây Nhà nước đầu tư xây dựng điểm trường cho học sinh tiểu học và điểm trường mầm non cho con em trong các thôn này được theo học. Nhờ vậy mà 100% các cháu đều được đến trường theo đuổi ước mơ con chữ.

Cô giáo Phạm Thị Năm Hậu, giáo viên điểm Trường Mầm non 1, 2 Yên Lập chia sẻ, điểm trường hiện có 63 cháu theo học ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Công tác tại điểm trường 3 năm, cô Hậu cùng với 2 cô giáo cùng chăm lo, dạy dỗ con em của đồng bào nơi đây.

Không chỉ dạy các em, mà ngoài những giờ nghỉ các cô còn cùng gia đình các em trồng trọt, sản xuất nâng cao đời sống. Nhiều khi có cô giáo còn tìm sách để hướng dẫn gia đình các em trồng rau gì vào các mùa để các em có thực phẩm ăn, khuyến khích các gia đình làm nông nghiệp.

Cô còn cho biết, trong túi luôn mang theo vài loại thuốc để kiêm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe tụi trẻ. Các cô cũng bỏ tiền túi để mua dép, ủng hộ quần áo cho các em. Cô bảo rằng thời kỳ đầu đi vận động các em đến lớp vô cùng khó khăn. Học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc Dao.

Nhờ sự khéo léo trong giao tiếp cũng như gần gũi với người dân nơi đây, công tác vận động các gia đình cho trẻ tới trường được các cô làm suôn sẻ.

Vì yêu quý mà bà con vẫn gọi các cô là “cô giáo của bản”, dần tin tưởng cho con đi lớp theo lời cô nói. Ánh mắt cô ánh lên niềm vui khi kể rằng:

“Các cháu ở chỗ tôi dạy không bỏ trường bỏ lớp, chỉ cần có giáo viên là các cháu đến trường đều đặn. 3 thôn này hiện đã có 2 cháu đỗ các trường cao đẳng, đại học, đây chính là tấm gương để các cháu học sinh nơi đây tiếp tục theo đuổi giấc mơ tri thức”.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận