Theo đó, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chỉ ra hàng loạt những vi phạm trong công tác đấu thầu, quản lý tài chính...đối với 22 dự án ODA của VUSTA.



Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022.

Theo đó, VUSTA là tổ chức của đội ngũ tri thức khoa học và công nghệ Việt Nam, được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động, VUSTA là hội có tính chất đặc thù hoạt động trên phạm vi cả nước.

306076991_494669056003171_7540064424790675537_n

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) có trụ sở tại 53 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh fanpage

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm tra trong giai đoạn kiểm tra từ 1/1/2018 đến 30/6/2022, VUSTA đã duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 305 các khoản tài trợ từ nước ngoài trong đó có 22 khoản ODA không hoàn lại. 

Căn cứ Điều 1, khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. 

Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Có những nhận định không chính xác

Qua thanh tra, đã phát hiện một số tồn tại, thiếu sót trong công tác thẩm định, phê duyệt văn kiện và quyết định đầu tư dự án (22 dự án ODA). Cụ thể:

Được biết, giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022 thì  GS.VS.TSKH

Đặng Vũ Minh, giữ chức Chủ tịch Liên Hội Việt Nam khóa VI (2010-2015) và khóa VII (2015-2020).

Cơ quan thanh tra đã phát hiện VUSTA không ban hành quyết định về chủ dự án và giao chủ dự án phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài lập văn kiện dự án tại 19 dự án ODA không hoàn lại là vi phạm quy định.

Cùng với đó, toàn bộ dự án ODA không hoàn lại, VUSTA đã tổ chức thẩm định (bao gồm cả 9 dự án không phải thẩm định nhưng VUSTA vẫn tổ chức thẩm định) đều không có Báo cáo kết quả thẩm định.

Quá trình thẩm định đối với 22 dự án nêu trên đã có nhận định không chính xác về hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA đối với khu vực tư nhân tại 20 dự án của các đơn vị trực thuộc VUSTA. Do các đơn vị trực thuộc VUSTA độc lập hoàn toàn với VUSTA về tài chính tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước nên theo quy định các đơn vị này là tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập thuộc khu vực tư nhân.

Các đơn vị này tự vận động, kêu gọi tài trợ hoặc tham dự đấu thầu do các tổ chức nước ngoài mời thầu mà không tiếp cận tài trợ theo các hình thức được quy định. Do đó 20 dự án này phải là dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài không thuộc nguồn thu Ngân sách Nhà nước, không phải là dự án ODA không hoàn lại. Từ nhận định không chính xác trong quá trình thẩm định dẫn đến phê duyệt văn kiện và quyết định đầu tư là dự án ODA không phù hợp quy định tại 20 dự án.

Không thống nhất

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra cụ thể một số dự án có quyết định phê duyệt văn kiện và quyết định đầu tư dự án không thống nhất với quyết định phê duyệt chủ trương bao gồm:

Dự án "In sổ tay hướng dẫn sơ cứu tặng các trường học" do Tổng lãnh sự quán Úc tài trợ, chủ dự án là Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe Cộng đồng CCHS trong quyết định phê duyệt chủ trương nêu địa bàn thực hiện dự án là TP Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Biên Hòa, tuy nhiên trong quyết định phê duyệt đi kiện chỉ nêu địa bàn thực hiện là TP HCM.

Dự án “Các tổ chức xã hội giám sát tác động của hiệp định đối tác tự nguyện trong bối cảnh FLEGT và REDD+" do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc FAO tài trợ, chủ dự án là Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững SRD: trong quyết định phê duyệt văn kiện ghi địa bàn thực hiện là Hà Nội tuy nhiên trong báo cáo văn kiện ghi là Hà Nội và 3 tỉnh trọng điểm về trồng rừng.

Dự án “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại Việt Nam” do UNOPS tài trợ, chủ dự án là Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI: Quyết định phê duyệt chủ trương ghi không có hoạt động thực hiện trước nhưng trong văn kiện có hoạt động thực hiện trước.

Dự án “Tăng cường can thiệp dự phòng HIV trong Quân đội nhân dân Việt Nam" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tài trợ, chủ dự án là Trung tâm Nâng cao Sức khỏe Cộng đồng CHP: Quyết định phê duyệt chủ trương ghi thời gian thực hiện từ tháng 1/2018-1/2019 nhưng trong quyết định phê duyệt văn kiện thời gian thực hiện Dự án là 3/2018-1/2019.

Cùng với đó là toàn bộ dự án ODA không hoàn lại có thời gian thẩm định, phê duyệt văn kiện, quyết định đầu tư dự án vượt quá thời hạn quy định.

Qua đánh giá công tác tổ chức quản lý thực hiện dự án của VUSTA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại như: Liên quan đến hình thức tổ chức quản lý dự án thì chủ dự án không thành lập Ban quản lý dự án theo quy định. Có đến 21 dự án ODA không hoàn lại, chủ dự án không lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm thực hiện dự án để trình VUSTA phê duyệt.

Để sảy ra những tồn tại, sai phạm trên Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc VUSTA và các chủ dự án không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo đối với 22/22 dự án ODA. Tại tất cả dự án ODA không hoàn lại đều không có đầy đủ hồ sơ, tài liệu thể hiện công tác giám sát, đánh giá dự án của VUSTA không hoàn lại là vi phạm quy định.

16

Ảnh minh hoạ.

Không đấu thầu rộng rãi nhiều gói thầu

Qua thanh tra công tác đấu thầu, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phát hiện tại 22/22 dự án ODA không hoàn lại còn chưa tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2013. Các chủ dự án không trình VUSTA phê duyệt kế hoạch đấu thầu hàng năm cũng như kế hoạch đấu thầu tổng thể toàn bộ dự án.

Chủ dự án không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu mà áp dụng hình thức chỉ định thầu là không phù hợp quy định. Đối với các gói thầu có giá trị nhỏ, chủ dự án cũng chỉ định đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hoá không có báo giá của ít nhất 3 nhà cung cấp khác để so sánh, đánh giá.

Trong công tác quản lý tài chính, nhiều dự án không thực hiện được thủ tục xác nhận viện trợ theo quy định, cùng với đó là không thực hiện thủ tục miễn thuế, hoàn thuế.

Phát hiện, 22/22 dự án ODA không hoàn lại, chủ dự án không lập kế hoạch tài chính hoặc lập không đúng mẫu.

Kết quả, trong số 22 dự án ODA không hoàn lại chỉ có 1 dự án đã lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán hoàn thành, 1 dự án lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán năm (đang thực hiện, chưa kết thúc dự án), còn lại 20 dự án chưa được lập báo cáo quyết toán hàng năm hoặc báo cáo quyết toán hoàn thành.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin quá trình thực hiện, khắc phục những lỗi vi phạm mà Kết luận kiểm tra đã nêu tại kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận