Hơn 147 m2 diện tích trồng ổi của bà con nông dân tại thôn Thiện Trang (Thanh Xuân, Thanh Hà, Hải Dương) bị thiệt hại do ảnh hưởng của khói lò gạch thuộc xã Bình Dân (Kim Thành) gây ra.



Trắng tay vì khói lò gạch

Đã từ nhiều năm nay, nông sản của bà con 2 xóm Minh Tân và Minh Phúc thường xuyên bị ảnh hưởng khói và bụi từ lò gạch phía bên kia sông thuộc xã Bình Dân, huyện Kim Thành. Ông Đồng Quảng Tuyên người dân xóm Minh Tân cho hay: “Ngày trước có gần chục cặp lò hoạt động nhưng họ đã tự động chuyển sang công nghệ làm gạch mới, giờ chỉ còn 2 cặp lò của ông Nguyễn Văn Lớn hoạt động theo công nghệ cũ và năm nào cũng gây ảnh hưởng đến vườn chuối và ổi của chúng tôi.” 

Quả thực về đây những ngày này mới thấy tiếng cười nói của bà con nông dân chuẩn bị cho một vụ thu hoạch ổi mới không còn mà thay vào đó là những tiếng thở dài não nuột bởi vườn ổi gần như đã hỏng. 

Những dãy chuối bạt ngàn bên cạnh con sông Văn Úc bị cháy xẹm từng lá, những chùm ổi non bị cháy rám hỏng quả do khói lò gạch phải cắt bỏ. Cả một vùng trồng cây ăn quả đang tươi tốt bỗng chốc trở nên xám xịt, dự báo một vụ mùa mất trắng với bà con nông dân. Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất ông Mạc Văn Kiên, người dân xóm Minh Tân cho hay: “Gia đình tôi bị ảnh hưởng 1,6 ha vườn ổi, giờ coi như mất trắng. Bao nhiêu công chăm bón chờ đến ngày thu hoạch thì bỗng nhiên gia đình tôi mất sạch chỉ trong vòng vài ngày.”

Hải Dương: Lò gạch thủ công

Lò gạch thủ công thuộc xã Bình Dân phía bên kia sông là "thủ phạm" Ảnh: Ngọc Nga

Khói và bụi từ lò gạch bao phủ cả đêm lẫn ngày không chỉ khiến cho nông sản có nguy cơ bị mất trắng mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe của bà con. Cửa nhà luôn trong tình trạng đóng mỗi khi lò gạch hoạt động, có nhiều khi bà con phải sơ tán đi các nơi để tránh hít phải khói. Ông Tiêu Hoàng Tuấn, người dân xóm Minh Phúc cho hay: “Gia đình tôi luôn phải đóng chặt cửa mỗi khi có khói từ lò gạch bay sang, giờ chúng tôi già rồi đành chấp nhận cảnh sống như vậy, chỉ thương lũ trẻ cứ phải bịt kín khẩu trang mỗi khi ngồi học ở nhà.” 

Đã từ lâu, người dân nơi đây chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là ổi. Vụ ổi chính được bà con chăm sóc và thu hoạch vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch. Toàn bộ sản phẩm được phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán. Giá ổi dao động từ 12.000 – 15.000/kg tại vườn mỗi gia đình có thể thu từ 15-20 triệu/sào.

Hiện nay, vườn ổi đang vào giai đoạn ép cây cho ra ổi non, kịp vụ thu hoạch sớm vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày ảnh hưởng của khói bụi từ lò gạch mà phần lớn số ổi non buộc phải cắt bỏ vì đã bị cháy sém.

Dân còn khổ nếu lò gạch vẫn hoạt động

Đây không phải là lần đầu tiên những vườn ổi của bà con nông dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi lò gạch. Tuy nhiên, cứ hết năm này qua năm khác, hết vụ mùa này qua vụ mùa khác lò gạch vẫn hoạt động và nông sản của bà con vẫn cứ tiếp tục bị ảnh hưởng. Đã rất nhiều lần bà con đưa đơn kiến nghị lên xã để mong tìm cách giải quyết, nhưng sau gần chục năm cách giải quyết thì chưa thấy, chỉ thấy vườn ổi bị ảnh hưởng ngày một nhiều thêm. “Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị lên xã, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết triệt để, nếu lò gạch còn hoạt động thì nông sản của chúng tôi còn bị ảnh hưởng” ông Tuyên cho hay.

Bãi chuối sát bờ sông lá bị cháy làm ảnh hưởng đến năng suất quả Ảnh: Ngọc Nga
Bãi chuối sát bờ sông lá bị cháy làm ảnh hưởng đến năng suất quả Ảnh: Ngọc Nga

Tìm gặp ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Rất nhiều lần chúng tôi đã gọi sang bên UBND xã Bình Dân, mong xử lý khói bụi ảnh hưởng từ lò gạch bên đó nhưng vẫn chưa tìm được cách giải quyết.” Khi tìm đến chính quyền xã Bình Dân để tìm hiểu về hoạt động của cặp lò gạch thủ công đã hoạt động nhiều năm nay thì phía chính quyền báo bận họp, không thể tiếp phóng viên".

Đã 2 tháng nay kể từ khi vườn ổi bị thiệt hại, bà con nông dân đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên mong được giải quyết đền bù. Mặc dù đã có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương về vấn đề này, nhưng cho đến nay cả hai bên vẫn chưa thống nhất được mức đền bù. Theo người dân cho hay thì mức đền bù thiệt hại chưa thỏa đáng nên họ vẫn tiếp tục kiến nghị lên cấp trên.

Theo thông tin được biết, sang đầu năm 2016 lò gạch thủ công trên địa bàn xã Bình Dân sẽ phải tự tháo dỡ dừng hoạt động sản xuất gạch. Tuy nhiên, bà con nông dân tại 2 xóm vẫn không đồng tình với quyết định đó. “Nếu bây giờ lò gạch tiếp tục hoạt động, từ giờ cho đến hết tháng 12 năm 2015 còn gần 3 tháng, như vậy thì khói bụi từ lò gạch sẽ vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Vậy nên chúng tôi vẫn kiến nghị lên cấp trên, đề nghị 2 cặp lò của ông Lớn dừng hoạt động ngay. Có như vậy, dân chúng tôi mới sống yên được” một người dân bức xúc nói.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận