Hà Giang: Người dân phản ánh nhiều bất cập trong quá trình thi công chợ Vạt
Người dân và tiểu thương cho rằng, trước khi đi vào xây dựng chợ Vạt, nhiều nội dung không được đưa ra bàn luận công khai dẫn đến bất cập.
Hà Giang: Nhiều hạn chế, sai phạm trong quá trình vận hành Thủy điện Thác Thúy
3 năm tù cho đối tượng hiếp dâm nữ hướng dẫn viên du lịch ở Hà Giang
Vướng mắc khi chuyển đổi mô hình chợ
Chợ Vạt một mặt nằm trên trục Quốc lộ 2, thuộc địa phận thôn Vạt (xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), mặt khác nằm trên đường đi liên các xã: Quảng Ngần, Thượng Sơn, Cao Bồ… Đây là một trong những khu chợ sầm uất, lâu đời của địa phương.
Ngày 12/03/2021, UBND huyện Vị Xuyên đã có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Vạt.
Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất hệ thống chợ, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh ổn định, thu hút các nghành dịch vụ phát triển.

Chợ Vạt đang trong quá trình được xây dựng mới.
Được biết, khu chợ có diện tích 6.113,3m2, các hạng mục dự kiến xây mới gồm: 2 nhà chợ chính, các ki tốt, công trình vệ sinh, sân bê tông, tường rào, kè…Tổng dự toán khoảng 1,850 tỷ đồng.
Nhà thầu được lựa chọn kinh doanh, khai thác có thời gian 5 năm là Công ty TNHH D&G Hà Giang. Thời gian thi công là 12 tháng, tuy nhiên theo chính quyền địa phương do dịch bệnh và các lí do khác nên tiến độ hoàn thành xây dựng được lùi lại đến cuối năm 2023 và hiện phụ lục một số hạng mục trong thiết kế điều chỉnh quy hoạch chợ vẫn chưa được hoàn thiện.
Nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực chợ Vạt cho biết, hiện đơn vị thi công vẫn đang thi công chợ. Tuy nhiên, trước khi xây dựng phương án thi công người dân không nhận được thông báo, việc chuyển đổi mô hình chợ không được đưa ra bàn luận cùng người dân dẫn đến nhiều bất cập.

Ông Nông Thế Phương cho rằng, trước đó gia đình hiến đất cho chợ và thống nhất đi đường chung, nhưng nay quy hoạch chợ mới lại yêu cầu ông đi đường khác khó khăn hơn mà không thông báo trước khi có phương án.
Cụ thể, ông Nông Thế Phương, trú tại tổ 2, thôn Vạt cho hay năm 2001 gia đình ông có hiến một phần đất làm chợ. Đường đi lại của nhà ông trước đây thống nhất đi chung với đường chợ.
Nhưng đến đầu năm 2022, đơn vị thi công xây dựng chợ đã đổ đất tôn lên cao đến cả mét so với đất của gia đình nên việc đi lại khó khăn, trước đó gia đình ông cũng không nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc mời người dân đến họp bàn về việc chuyển đổi mô hình chợ, hiện nay chợ bỗng dưng mọc lên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của gia đình ông.
Còn ông Lê Duy Mừng, trú tại Tổ 2 cho rằng trước đây đường đi của gia đình chung với chợ và một số hộ dân. Hiện tại quá trình làm chợ họ không hỏi các hộ đi chung, tôn đường cao lên, bị bỏ cấp so với đường cũ, gia đình phải bắc cầu bằng tấm bản nên đi lại rất khó khăn.
Theo ông Mừng, việc thi công chợ như hiện trạng trên đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh nhà nghỉ của gia đình ông và gây khó khăn cho các hộ khác khi đi đường này vào nhập kho.
Nhiều tồn tại, bất cập
Ông Lê Xuân Phú cũng cho hay, hiện tại chợ đang được xây dựng, nhưng toàn bộ lối thoát nước chưa có mà đã tôn đất lên cao hơn cả nhà của chị gái ông là bà Lê Thị Hoàng Long.
Quá trình thi công, đơn vị thi công lu nền cũng làm nứt nhà, đổ đất lấp mất đường nước vệ sinh và nước sinh hoạt của gia đình. Thời gian tới, mưa lũ chưa biết nước sẽ thoát như thế nào, hiện đất chợ cao hơn nền nhà của chị ông là 30cm, gia đình bức xúc lên xã hỏi thì nhận được câu trả lời chung chung, không có hướng giải quyết cụ thể.
“Theo tôi tìm hiểu, việc chính quyền địa phương và đơn vị thi công không lấy ý kiến của người dân, tiểu thương về phương án chuyển đổi chợ, không đưa ra bàn luận cùng nhân dân là không đúng với quy định tại Quyết định số: 19/2020-QĐ-UBND ký ngày 8/06/2020 của UBND tỉnh Hà Giang. Việc này cần được làm rõ”, ông Phú nói thêm.

Ông Lê Duy Mừng cho hay chủ thầu mới tôn nền đất chợ cao hơn so với nhà của ông trong khi chưa có rãnh thoát nước nguy cơ ngập úng và gây khó khăn cho việc đi lại của gia đình.
Liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng chợ Vạt, các tiểu thương buôn bán tại khu chợ này cho rằng đơn vị nhà thầu xây dựng chợ còn mập mờ trong thu chi tài chính.
Cụ thể, ông N. C. N. - Tiểu thương buôn bán tại chợ Vạt xin dấu tên cho biết, gia đình ông có làm hợp đồng với công ty, với mức đóng hơn 100m2 kinh doanh ki ốt, một tháng ông phải nộp 7 triệu đồng.
Ban đầu 2 bên kí kết, ông N. có cầm 1 bản hợp đồng, nhưng sau đó phía nhà thầu họ cũng thu đi nốt. Hiện cũng chưa có hóa đơn thu tiền.
Tương tự, bà V. T. H. - Tiểu thương buôn bán tại Chợ Vạt cũng bày tỏ bức xúc, gia đình bà kinh doanh ki ốt có diện tích trên 200m2, giá mỗi tháng là 10 triệu đồng.
“Chúng tôi được nhà thầu yêu cầu làm hợp đồng nộp mỗi lần là 2,5 năm. Gia đình cũng đã đóng tiền, nhưng không hề nhận được hóa đơn thu tiền”, bà H. chia sẻ.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng thôn Vạt cho hay trước đó có 10 hộ dân đã ký đơn yêu cầu làm rõ việc xây chợ không có thông báo trước cho người dân.
Gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sau đó một số hộ đã xin rút đơn, hiện một số hộ vẫn còn đang có đơn yêu cầu giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên.

Bà Lê Thị Hoàng Long bày tỏ bức xúc khi nền chợ cao hơn cửa hàng gây ngập úng, quá trình thi công làm nứt tường.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ tịch UBND xã Việt Lâm.
Theo ông Thuận, về cơ bản đơn vị thi công cũng đã hoàn thiện một số thủ tục cần thiết trong quá trình chuyển đổi mô hình xây dựng chợ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hộ dân có đơn thư nêu về những bật cập trong khi xây chợ.
“Do việc xây dựng chợ vẫn còn dang dở nên nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, hiện chúng tôi vẫn đang vận động, thuyết phục người dân để đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thiện công tác xây dựng chợ.
Còn việc thu chi là giữa tiểu thương và nhà thầu tự thỏa thuận nên chúng tôi không nắm được, chỉ khi tiểu thương ý kiến trực tiếp hoặc phản ánh thu quá so với quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh chúng tôi mới kiểm tra”, ông Thuận cho hay.
Việc xây dựng chợ là cần thiết đối với nhiều địa phương, song cần nghiên cứu, xem xét kỹ tính khả thi, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật để tránh ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Cùng với đó là việc công khai thu chi để người dân, tiểu thương tin tưởng vào nhà thầu.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những phản ánh, kiến nghị của người dân, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài.
Gửi bình luận