Bập bềnh thân phận xóm chài "tạm trú" bên sông Cửa Tiền
Cuộc sống của xóm chài ven sông Cửa Tiền gồm 7 hộ dân cơ cực là thế. Nhưng suốt hơn 40 năm qua, họ vẫn cố gắng bám trụ để mưu sinh.
Chỉ cách trung tâm TP Vinh chừng 500m nhưng xóm vạn chài tạm trú ven sông Cửa Tiền (thuộc khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) như một thế giới khác với những căn chòi lá lụp xụp, những con người nghèo khổ, những đứa trẻ học hành dang dở, tương lai mờ mịt, vô định.
Không “tấc đất cắm dùi”
Qua tìm hiểu của phóng viên, cả 7 hộ dân ở đây đều đến từ hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình. Khi chưa dựng chòi trên bờ, ngư dân trong xóm sống và sinh hoạt ngay trên chiếc thuyền của mình, người ta gọi những chiếc thuyền đó là nốc.
![]() |
Những đứa trẻ làng chài từ nhỏ đã quen với cuộc sống sông nước (Ảnh Duy Ngợi) |
Bình quân mỗi hộ có 4 lao động (tuổi từ 15 đến 65) và vài ba đứa trẻ. Cả 7 cái chòi ở đây mỗi chòi chỉ rộng khoảng 7m2 được dựng một cách tạm bợ bằng những cọc tre dài chôn chặt dưới đất, trên mái được lợp bằng những tán cọ. Bốn bề xung quanh được bao bọc bằng những tấm bạt chắp vá, cũ nát.
Trong 7 chòi lá cọ tồi tàn này, thứ giá trị nhất có lẽ là chiếc bếp ga thường ngày dùng để nấu nướng.
Ông Nguyễn Văn Nghinh (65 tuổi) là người đầu tiên đến xóm chài tạm trú bên sông Cửa Tiền. Ông quê ở Gia Viễn (Ninh Binh), gia đình sống bằng nghề nông nghiệp và đi biển. Sau khi lấy vợ, vợ chồng ông mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá ven sông. Sau nhiều lần đánh bắt xa bờ rồi dạt về khu vực ven sông Cửa Tiền.
Thấy việc đánh bắt ở đây thuận lợi hơn ở quê nên ông quyết định lập nghiệp tại vùng đất này. Sau những ngày lênh đênh trên sông, gặp những hộ gia đình khác cùng chung cảnh ngộ, họ bèn rủ nhau về ven sông Cửa Tiền để "lập xóm".
Rồi những đứa trẻ lần lượt chào đời. Nghĩ không thể cứ chui rúc trên chiếc thuyền chật chội, họ bàn nhau tìm chặt cây, cắt lá cọ về dựng lên những chiếc chòi tạm bợ mong có chỗ ở thoải mái. Sau này, nhiều người nhìn thấy cảnh sống khốn khó, ví nơi ở của họ chẳng khác nào khu ổ chuột, rồi đặt tên cho những người sống nơi đây là xóm Nhà Nốc.
Cách nhà ông Nghinh không xa là nhà chị Nguyễn Thị Thành (SN 1979), quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình). Từ nhỏ chị được bố mẹ đưa tới khúc sông này mưu sinh và gắn bó cuộc đời mình với cảnh sông nước từ đó.
16 tuổi, chị nên duyên vợ chồng với anh Đoàn Văn Vựng (SN 1978), một người cùng quê, cũng là dân vạn đò. Đến nay, vợ chồng chị có 4 người con (2 trai, 2 gái). Hoàn cảnh khó khăn, đứa con trai đầu và con trai thứ của anh chị người chỉ học hết lớp 6, người hết lớp 9 thì nghỉ học phụ bố mẹ đánh cá mưu sinh.
Khi phóng viên tìm đến, cô con gái thứ 3 của chị đang học lớp 8 vì mẹ ốm nên phải nghỉ học ở nhà mang cá ra chợ bán. Chị Thành cho biết, nghề chài lưới thu nhập bấp bênh, chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nhiều lúc rất muốn về quê nhưng vì không có tiền nên đành lỗi hẹn.
“Được cái người dân trong xóm này ai cũng nghèo khó, lại tha hương nên sống thân thiết nhau như anh em ruột. Có những hộ đời đời cha lại đến đời con, cứ lam lũ với sông nước như vậy. Sống nơi đây ai cũng chỉ mong kiếm tiền đủ trang trải cuộc sống chứ chẳng dám mong dư dả. Mà có mong cũng chẳng bao giờ khấm khá lên được”, chị Thành thở dài.
![]() |
Toàn cảnh xóm chài bên sông Cửa Tiền (Ảnh Duy Ngợi) |
Hẩm hiu đời chài lưới
Thu nhập chính của 7 hộ dân nơi đây là đánh bắt cá ven sông Cửa Tiền. Công việc của họ bắt đầu từ 18 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Để có thể đánh bắt cá, mỗi gia đình ở đây phải sắm một chiếc thuyền (gọi là nốc) với giá 25-30 triệu đồng. Không kể ngày mưa, nắng, họ lênh đênh trên khúc sông Cửa Tiền suốt đêm để giăng lưới bắt cá. Đến sáng trở về, những mớ cá kiếm được họ sẽ phân loại, đem ra chợ bán. Bình quân mỗi đêm như vậy mỗi hộ kiếm được khoảng 150 - 200.000 đồng.
Cứ mỗi dịp xuân về, vì không có điều kiện, ông Nghinh cũng như những người dân xóm chài tạm trú lại phải đón Tết trong những căn chòi này. Họ cùng nhau chung tiền mua gạo nếp nấu nồi bánh chưng, mua vài cân thịt lợn làm mâm cơm cúng đất trời, sông nước là xong cái Tết.
Tính đến nay, vợ chồng ông Nghinh cũng gắn bó với khúc sông này 40 năm. Vợ chồng ông có 6 người con thì hai người con trai sau cùng nối nghiệp của bố. Căn chòi rách nát của vợ chồng ông giờ đã có thêm hai vợ chồng con trai út và hai đứa cháu nhỏ.
Ngồi đan lưới cùng cha mẹ, anh Nguyễn Văn Ngọc (con trai út ông Nghinh) khuôn mặt sạm đen và trông già dặn hơn so với tuổi 25 rất nhiều, anh tâm sự: “Ngày trước, cá trên sông Cửa Tiền ni nhiều lắm nhưng mấy năm ni người ta đánh bắt bằng kích điện nhiều quá nên cá ngày càng cạn kiệt. Không biết sau ni những gia đình sống bằng nghề đánh cá ở đây phải sống răng nựa”, ông Nghinh nhìn ra khúc sông trước nhà tỏ vẻ lo lắng.
Mỗi khi vào mùa mưa lũ, những căn chòi ở xóm Nhà Nốc bị ngập lên đến tận nóc, những vật dụng như nồi niêu, xoong chảo, chậu thau... đến cả những đôi đũa đều bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi.
Những khi bão đến, phụ nữ và trẻ em phải xin đến các ngôi nhà trong làng để trú. Còn đàn ông, thanh niên lại xuống thuyền để giữ thuyền, để trục vớt những thứ trên chòi bị lũ cuốn trôi. Cứ qua mỗi đợt lũ là những hộ gia đình ở xóm vạn chài lại phải mất thêm hàng triệu đồng để mua tre, nứa, lá cọ… lợp lại mái chòi để có chỗ ở. Đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ dân khốn khó này.
Anh Nguyễn Đức Diệu (40 tuổi) người Quảng Bình, cho biết thêm, để có nước dùng để nấu nướng ăn uống hàng ngày, các hộ dân xóm Nhà Nốc cùng gom góp tiền mua nước sạch về trữ. Còn nước tắm giặt, vệ sinh thì nhờ vào giếng khoan của nhà dân quanh đó.
Điện cũng được kéo từ trên nhà dân xuống, hiện cả 7 hộ dân ở xóm chài tạm trú này dùng chung một công tơ điện. Mỗi hộ gia đình một tháng phải đóng tới 500 nghìn đồng, mùa hè còn phải chi trả cao hơn. “Biết là đắt đỏ nhưng nếu kêu ca thì người ta sẽ cắt điện nên đành cắn răng mà dùng thôi, miễn là có ánh sáng cho các cháu học buổi tối và xem ti vi giải trí”, anh Diệu phân trần.
![]() |
Bữa trưa của một đứa trẻ làng chài (Duy Ngợi) |
Mịt mờ tương lai
Những đứa trẻ xóm chài tạm trú ven sông Cửa Tiền đứa nào đứa nấy đen nhẻm vì cháy nắng. Hàng ngày, chúng buổi đi học, buổi bắt ốc, trông em, nấu nướng. Mới học lớp 2 nhưng chúng đã biết chèo đò. Hằng ngày, sáng chèo đò qua sông đi học, trưa chúng lại chèo đò về chòi, chiều chèo đò ra sông bắt ốc.
Khúc sông sâu, đục ngầu, vậy mà chúng bất chấp, không phao cứu hộ mà hàng ngày chèo đò qua sông ít nhất vài ba lần. Hỏi chúng có sợ đuối nước không, chúng chỉ cười bảo quen rồi, con của vạn chài thì phải biết chèo đò, biết mùi sông nước. Bố mẹ chúng cũng bận rộn với cuộc mưu sinh, chẳng có thời gian để ngày hai buổi chèo đò đưa đón con cái mình. Họ còn nghĩ, phải để con cái biết tự lập dần, mai mốt còn nối nghiệp.
Vất vả với cuộc mưu sinh nên không ai đến việc học hành của con cái. Trong xóm, đứa học cao nhất cũng gắng gượng đến lớp 9 là bỏ học rồi theo chân bố mẹ ra sông đánh bắt. Những đứa học lớp 2, lớp 3 thì buổi đi học, buổi ra sông bắt ốc. Sáng lại phải thức dậy sớm lựa cá để mẹ mang ra chợ bán.
Thời gian rảnh của chúng là buổi tối, thế nhưng cũng chẳng có ai chỉ dạy cho chúng học vì đó là giờ họ phải đi làm. Những đứa trẻ chân đất, cười nói hồn nhiên nhưng tương lai thì mù mịt.
Hỏi đến ước mơ, em Hồ Ngọc Yến (9 tuổi, học sinh lớp 3) ngồi bóc những tảng trứng ốc bươu vàng bám đầy cọc tre trên chòi, vừa cười hồn nhiên: “Cha mẹ nói học cho biết cái chữ, sau này có ra đường không bị cười chê. Vài năm nữa em nghỉ học, lại cùng cha mẹ ra sông bắt cá về bán. Em chỉ ước sau này bắt được nhiều cá để cho cuộc sống gia đình đỡ khổ hơn thôi”.
Ước mơ của Yến cũng giống như những đứa trẻ nơi đây, bắt được nhiều cá sẽ bán được nhiều tiền. Khi đó, sẽ có tiền đong gạo, mua quần áo mới và được mẹ cho ra thành phố chơi. Dù cái thành phố như chúng đang nói chỉ cách nơi chúng ở chưa đến một cây số, nhưng với chúng, nơi đó như thể xa vời lắm mà phải rất lâu, chúng mới có cơ hội được đến.
Chị Nguyễn Thị Loan (30 tuổi) thở dài: “Cũng may là chính quyền địa phương tạo điều kiện để chúng có cơ hội biết chữ. Hai năm trở lại đây, thi thoảng có các anh chị thanh niên tình nguyện đến dạy kèm chứ chúng tôi ai cũng bận rộn, lo miếng ăn còn chưa nổi nói chi đến chuyện học hành của con cái. Vài năm nữa chúng cũng phải nghỉ học, không đi làm công nhân thì cũng phải theo bố mẹ bám sông đánh cá”.
![]() |
Ông Nghinh cùng vợ, con làm lưới chuẩn bị cho một ngày mưu sinh (Ảnh Duy Ngợi) |
"Hiện tại trên sông Cửa Tiền thuộc phường Vinh Tân quản lý có 7 hộ dân vạn chài người Quảng Bình, Ninh Bình đến sinh sống. Cuộc sống của họ bập bềnh theo con nước và dù chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ về các mặt phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, họ không có hộ khẩu thường trú ở đây và con em họ dù được chính quyền tạo điều kiện đến trường nhưng thường bỏ học nên ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung của ngành giáo dục địa phương", Phó Chủ tịch UBND phường Vinh Tân, bà Trần Thị Hải Dương cho biết.
Gửi bình luận