e magazine
Bài 1 - Gia đình kiểu mẫu, dòng họ kiểu mẫu

10/06/2023 09:09

Bác Hồ từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

BIA

LỜI TÒA SOẠN:

Trong buổi Hội thảo hôn nhân - gia đình ngày 10/10/1959, Bác Hồ dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Chính vì vậy, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg.

Ảnh tư liệu.Ảnh tư liệu.

Theo đó, Quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua từng thời kỳ, giai đoạn phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn xã hội, tuy nhiên, những chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại bền vững, gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính vì vậy, Chuyên trang truyền thông pháp luật pháp luật + (Báo Pháp luật Việt Nam) khởi đăng loạt bài viết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”.


TEXT

Gia đình luôn là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của lòng yêu nước, yêu dân tộc. Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Vì vậy, Bác Hồ từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Để mỗi gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của mỗi công dân trong xã hội, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng chính gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện. Gia đình gương mẫu cần được tôn vinh, khen thưởng; thái độ vô trách nhiệm với gia đình phải bị lên án mạnh mẽ. Xây dựng gia đình phải trên cơ sở kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của thời đại về gia đình.

Ngày 24/6/2021, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW, chỉ thị nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

Từ khi Chỉ thị 06 ra đời và đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tích cực phổ biến, đưa Chỉ thị đi sâu, len lỏi vào ngóc nghách đời sống của mỗi người dân, mỗi gia đình, địa phương..

nongdan5

Là tỉnh miền núi phía Bắc Tổ quốc, Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90% dân số của tỉnh. Việc cụ thể hóa Chỉ thị 06 bước đầu là một bài toán nan giải, bởi trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, nhiều hủ tục lạc hậu thực tế vẫn còn tồn tại…

Tuy nhiên, bằng việc đưa ra những Nghị quyết cụ thể, đặc thù phù hợp áp dụng với địa phương như Nghị quyết 27 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh là một trong những định hướng đúng đắn cụ thể hóa Chỉ thị. Qua đó, thấy được hiệu quả thực tiễn thể hiện ở những mô hình dòng họ kiểu mẫu.

Ghi nhận tại xã Yên Hà, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang), địa phương những năm qua cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tình hình an ninh, trật tự đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, hủ tục lạc hậu… vẫn đang lặng lẽ tồn tại, hằn sâu trong xã hội vùng cao.

Từ thực tế ấy, nhiều dòng họ đã được lựa chọn để thành lập mô hình tự quản, nhằm nhân lên các giá trị văn hóa tốt đẹp, lan tỏa tinh thần tích cực của các cá nhân, gia đình, dòng họ gương mẫu… tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Ông Hoàng Văn Điều – Bí thư Đảng bộ xã Yên Hà cho hay, hiện xã đã có các mô hình được ra mắt, đó là mô hình: “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” và mô hình “dòng họ xóa bỏ hủ tục lạc hậu”. Các mô hình đang cho thấy hiệu quả thiết thực, thời gian tới dự kiến sẽ nhân rộng thêm những mô hình này”.

nongdan6

Trao đổi với phóng viên, ông Giàng Văn Ninh – Trưởng dòng họ Giàng (dân tộc Nùng) ở thôn Khuổi Cuốm, xã Yên Hà cho hay: “Kể từ khi ra đời, tôi cùng những người có uy tín trong dòng họ được các đồng chí cán bộ xã thường xuyên trao đổi các chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, tôi thấy Chỉ thị 06 của Ban Bí thư rất thiết thực với từng cá nhân, gia đình, dòng họ. Nhiều nội dung áp dụng hiệu quả, đơn giản như tình trạng thanh niên, đàn ông trong dòng họ Giàng uống rượu giảm hẳn, thanh niên chưa đủ tuổi đi mô tô tham gia giao thông cũng được Trưởng họ can thiệp, nhắc nhở kịp thời. Đặc biệt, trong dòng họ lối xưng hô theo kiểu “mày – tao” theo truyền thống dân tộc đã được cải tiến, thay đổi, xóa bỏ lối xưng hô này”.

nongdan2

Trong khi đó, tại thôn Yên Phú, dòng họ Hoàng Đình uy tín với mô hình “tự quản về an ninh, trật tự”. Bên bếp lửa hồng, trò chuyện với phóng viên, ông Hoàng Văn Thời – Trưởng dòng họ Hoàng Đình tự hào kể: “Việc ra mắt dòng họ kiểu mẫu có ý nghĩa nhân văn, điển hình như giúp đỡ người kém may mắn trong dòng họ. Chẳng hạn như vừa rồi, gia đình ông Hoàng Trung Hiếu có vợ phải mổ u đại tràng lần 2, dòng họ đã vận động mọi người trong họ đến gặt hái giúp hoặc cần sẽ cho vay quỹ của họ không lấy lãi để chữa bệnh. Đặc biệt, kể từ khi ra mắt trong họ cũng không có trường hợp sinh con thứ 3”.

Được biết, kể từ khi ra mắt, tỷ lệ người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong họ Hoàng Đình giảm đáng kể; ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong dòng họ ngày càng được nâng lên; tỷ lệ con, cháu học hết THPT đạt 100%; hơn 30 con, em trong dòng họ là cán bộ, công chức Nhà nước…; kinh tế hộ gia đình ngày càng được nâng cao với trên 50% hộ khá, có của ăn của để, từ đó có trách nhiệm hơn nữa giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác trong dòng họ, các hộ khó khăn trong xã…


TXE2

Ngoài những dòng họ về tự quản an ninh, trật tự đạt hiệu quả tại xã Yên Hà (Quang Bình) thì điển hình về mô hình dòng họ bài trừ hủ tục lạc hậu cũng được Huyện ủy Quang Bình, Đảng ủy xã Yên Hà, chi bộ các thôn quan tâm, nhân rộng.

nongdan4

Trò chuyện về nội dung này, ông Hoàng Trung Nông – Trưởng dòng họ Hoàng Nông với mô hình “dòng họ bài trừ hủ tục lạc hậu” hào hứng kể: “Sau khi thành lập, và được các cán bộ xã tuyên truyền, giảng giải, vận động thì nhiều hủ tục lạc hậu vốn “thâm căn cố đế” của người Tày đã được lược bỏ. Cụ thể như giảm bớt hoa phục vụ cho đám tang (hoa đám tang thường đi kèm theo con gà, vàng mã…), giảm lễ vật thách cưới…”.

Theo Thiếu tá Ma Việt Tiến – Trưởng Công an xã Yên Hà, các mô hình tự quản ra đời đã giúp lực lượng Công an xã bớt phải giải quyết các vụ việc phát sinh từ mâu thuẫn gia đình, các vụ việc nhỏ chưa đến mức phải xử lí hình sự

Theo vị Trưởng dòng họ Hoàng Nông, năm 2017 ông và những người uy tín trong họ đã từng phải can thiệp một gia đình trong họ thách cưới nhà trai quá cao. Cụ thể là thách cưới 100 mâm cơm, quy ra tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Lúc đó, ông đã có mặt để khuyên ngăn, thậm chí phải đe dọa gia đình kia nếu không giảm lễ thách cưới mọi người trong họ sẽ không đến giúp, không đến ăn cưới. Cuối cùng gia đình này phải giảm lễ thách cưới nhà trai xuống còn 15 triệu đồng.

Ông Nông tự hào nói: “Riêng dòng họ tôi không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống hay tảo hôn. Nhiều trường hợp thanh thiếu niên yêu nhau không biết có quan hệ huyết thống, chúng tôi đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Có cả trường hợp chưa đủ tuổi nhưng đưa nhau về nhà ở bị dòng họ phát hiện và ngăn chặn, đến khi đủ tuổi mới cho tổ chức đám cưới”.

Ở xã Bằng Lang, huyện Quang Bình “Hội nàng dâu tự quản về an ninh, trật tự” là một trong những mô hình điển hình được nhân rộng và ra mắt tại xã cách đây hơn 10 năm. Mô hình thể hiện vai trò bình đẳng giới và vai trò của người phụ nữ Tày trong gia đình.

nongdan1

Bà Nguyến Thị Đế - Hội Trưởng “Hội nàng dâu tự quản về an ninh, trật tự” trong dòng họ Nguyễn Bảo Quang cho hay, hiện hội có 72 chị em, tổ chức riêng một đội văn nghệ, 1 đội bóng. Hội cũng thành lập riêng tổ hòa giải để tham gia hòa giải cho gia đình bị rạn nứt tình cảm, cùng nhau góp ý dạy con cháu.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về mô hình “Nàng dâu tự quản về an ninh, trật tự” của xã, bà Hoàng Thị Lý – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bằng Lang cho hay, thủ tục ra mắt các mô hình xã đã kiểm duyệt khá chặt chẽ, có trình tự, thủ tục. Đảm bảo phải có quy chế cụ thể, sau đó xã đi khảo sát rồi mới duyệt.

Đánh giá về các mô hình dòng họ và nàng dâu tự quản, Trung tá Nguyễn Ngọc Chính – Trưởng Công an xã Bằng Lang cho hay, việc thành lập các dòng họ, các hội nhóm tại địa bàn xã tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền chính sách pháp luật. Hiện, còn có rất nhiều dòng họ, các hội cố gắng và mong muốn được ra mắt.

nongdan3

Ông Nguyễn Ngọc Kiên – Bí thư Đảng bộ xã Bằng Lang cho biết: “Từ những nền tảng dòng họ, các hội nhóm sẵn có, Đảng bộ xã đã thường xuyên thực hiện lồng ghép, phân tích, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, từ đó chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình.

Mỗi đảng viên, cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ những mô hình tiêu biểu, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Cùng với đó, đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Quán triệt đến từng họ, từng nhà để đưa Chỉ thị 06 đến gần hơn với nhân dân”.

Các mô hình dòng họ, hội nhóm ra mắt và hoạt động đã và đang góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đồng thời, đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật, không mê tín dị đoan, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, phục vụ tốt công cuộc xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất rẻo cao…

nongdan7

Ông Nguyễn Công Sự - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Quang Bình cho biết, trên cơ sở Chỉ thị số 06-CT/TW, huyện đã ban hành Chương trình số 11-CTr/HU ngày 02/11/2021. Chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và triển khai chỉ chị cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đưa việc triển khai thực hiện công tác xây dựng trở thành nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền.

Theo đó, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2022 là 86,3%; số dòng họ mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) toàn huyện có 63 mô hình tự quản và tổ tự quản về ANTT. Số mô hình nàng dâu tự quản về ANTT gắn với xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn có 18 mô hình nàng dâu tự quản với 746 nàng dâu ở 10 xã, thị trấn.

Ngày 12/5/2023, Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU.

Tại Hội nghị, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang (nay là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27 và 2 năm thực hiện Chỉ thị số 09, tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Toàn tỉnh có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn, tổ chức cưới theo nếp sống văn minh; vận động, can thiệp hoãn 330 cặp chưa đủ điều kiện kết hôn. Các hủ tục trong đám tang dần được loại bỏ, không còn hiện tượng mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn… bài cúng của thầy mo, thầy tạo được rút ngắn; hạn chế giết mổ nhiều gia súc, rượu chè linh đình nhiều ngày; thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ, thi hài người chết được chôn cất chu đáo.

Các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, tiết kiệm... Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.

Việc ban hành Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 là rất trúng với tâm nguyện của người dân, thực sự đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả nổi bật, đúng như kỳ vọng.

Dangquockanh

Tại Hội nghị, ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và yêu cầu các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần: Thường xuyên, liên tục, bền bỉ, “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp - dẹp cái xấu”.

Tiếp tục quan tâm, phát huy tốt vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ…; Cần quan tâm tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là lấy mô hình tiêu biểu, tấm gương cụ thể để người dân học, trực tiếp nói cho nhau nghe, làm theo. Quan tâm giáo dục cho con em, thế hệ trẻ hiểu đâu là hủ tục cần xóa bỏ, đâu là bản sắc văn hóa cần giữ gìn phát huy.

Còn tiếp...

Phàn Giào Họ - Nguyễn Nam - Vũ Quang - Lê Hải