UBND tỉnh Bắc Kạn cần chỉ đạo làm rõ việc Công ty Ngọc Linh chôn lấp đá thải quặng tại xã Ngọc Phái
Đá thải đen kịt lấy từ mỏ quặng kẽm chì được ào ạt trút xuống ao hồ khe suối và lu lèn thành những bãi đất rộng lớn tập kết khoáng sản.
Ông Lưu Quốc Trung giữ chức Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn
Bắc Kạn: Các xe tải hạng nặng chở khoáng sản có dấu hiệu quá tải vẫn tung tăng trên quốc lộ và tỉnh lộ
Vụ xe chở quặng chạy tung tăng trên quốc lộ tại Bắc Kạn: Đội trưởng CSGT huyện Chợ Đồn nói gì?
Ngay sau bài viết “Bắc Kạn: Đoàn xe chở quặng chì kẽm có dấu hiệu quá tải ngang nhiên chạy trên Quốc lộ” nêu thực trạng vi phạm các quy định an toàn giao thông trên địa bàn huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH Ngọc Linh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc chấn chỉnh.
Hiện tại đã không còn hiện tượng chở quặng kẽm chì đắp cao vượt quá thành thùng như trước đó, đồng thời các lái xe cũng đã có ý thức hơn khi dùng bạt che đậy kín đáo, để tránh vương vãi bụi bặm xuống lòng đường.

Trước đó, đoàn xe chở quặng kẽm chì được chất cao có ngọn vận chuyển từ mỏ Ba Bồ đến bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây dư luận lại đang dấy lên việc Công ty Ngọc Linh thực hiện việc mở rộng bãi đổ thải có vị trí tiếp giáp với điểm mỏ khai thác quặng kẽm chì nằm tại khu vực Ba Bồ, xã Ngọc Phái diện tích phát sinh lên tới hàng nghìn m2 chủ yếu là các ao ruộng của người dân được Công ty này mua lại.
Một số người dân lo ngại, nếu việc chôn lấp chất thải rắn của Công ty Ngọc Linh vẫn tiếp tục diễn ra như thế này, thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, nguồn nước nơi đây rất có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề dẫn tới ô nhiễm môi trường và dần dần cạn kiệt.

Bãi thải rắn đang được chôn lấp san gạt xuống ao chuôm và khe suối phía dưới.
Ghi nhận của nhóm phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, gần hiện trường cho thấy việc chôn lấp đá thải được diễn ra trong khuôn viên mỏ quặng kẽm chì, ngày càng lấn dần ra mấy cái ao hay ruộng đất nông nghiệp có chứa nước và xung quanh bờ là cỏ mọc rậm rạp.

Nước ứ đọng chuyển màu.
Tuy nhiên, một vài ý kiến khác thì cho rằng nguồn nước suối Ba Bồ hiện có thể chảy vòng qua đường khác nên sẽ không bị tắc nghẽn hay ảnh hưởng gì.
Đồng thời việc chôn lấp san gạt đá thải của Công ty TNHH Ngọc Linh là đúng quy định bởi vẫn đang trong khuôn viên thuộc diện tích được cấp phép.
Nhưng để chứng minh được điều này thì vẫn phải có các cơ quan chuyên môn xác định phạm vi bằng các biện pháp nghiệp vụ thì mới đưa ra kết luận chính xác được.
Theo đó, việc tự ý mua bán đất ao, ruộng (nếu có) thuộc đất nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản cũng cần phải có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng thì mới có thể quy hoạch thành bãi đổ thải (trừ việc đã được quy hoạch từ trước đó).

Ao chứa nước đã được bán lại cho Công ty Ngọc Linh để chôn lấp san gạt đổ thải mở rộng diện tích.
Khu vực khai thác quặng chì kẽm khu vực Ba Bồ thuộc địa phận xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, cách thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn) khoảng 3,5km về phía Tây Bắc, cách Thành phố Bắc Kạn khoảng 45 km về phía Tây Tây Bắc, tổng diện tích khu vực khai thác là 10,68 ha.
Theo Quyết định số 1340/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường của Dự án “Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ quặng chì- kẽm khu vực Ba Bồ, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” thì Dự án có tổng diện tích sử dụng đất là 19,07ha.
Để làm rõ thông tin liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 16/11, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái, ông Hiệu cho biết: "Vị trí mà Công ty Ngọc Linh đổ thải là đất của Công ty đã mua lại của các hộ dân, chính vì đất của Công ty nên UBND xã không kiểm tra được".
Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:
- Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận
Như vậy, có thể thấy hành vi tự ý san lấp ao mà làm biến dạng địa hình thì bị xem là hủy hoại đất. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì đối với trường hợp hủy hoại đất làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;
- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệuđồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
Đối với trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm nêu trên là: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Gửi bình luận