Cần tạo điều kiện để cho tư nhân đầu tư vào trung tâm đăng kiểm
Đây là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT tại phiên họp ngày 7/6.
Chiều ngày 7/6, dưới sự chủ trì và trực tiếp điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh quochoi.vn
Điều hành nội dung chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn tập trung vào các nhóm nội dung: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Cần tạo điều kiện để cho tư nhân đầu tư vào trung tâm đăng kiểm

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc đăng kiểm phương tiện cơ giới trong thời điểm hiện nay thì không đáng lo. Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, Bộ trưởng trả lời như vậy chỉ đúng một phần, bằng một số giải pháp cấp bách hiện tại như là sửa ban hành Thông tư 08, kéo giãn thời gian đăng kiểm đối với chu kỳ đăng kiểm phương tiện cá nhân dưới 7 chỗ. Đại biểu cho rằng, đây chỉ là giải pháp trước mắt.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhận thấy, với 75% các trung tâm tăng trưởng hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực hiện. Doanh nghiệp ngoài nhà nước khi đầu tư thì họ phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên với cơ chế tài chính như hiện nay, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng rất khó để các doanh nghiệp này có thể duy trì được các trung tâm đăng kiểm mà họ xin phép đã được thành lập.
Do đó, thời gian tới, đại biểu đề nghị cần có đổi mới về cơ chế tài chính, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện, đây mới là giải pháp có thể đảm bảo tính lâu dài. Còn nếu chỉ kéo giãn ra và vẫn giữ cơ chế tài chính như hiện nay thì rất khó có thể tồn tại các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện như hiện nay.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết nguyên nhân thiếu hụt nhân viên đăng kiểm gây khủng hoảng trong công tác đăng kiểm. Đại biểu Trần Thị Kim Nhung cho rằng đây cũng có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải khi không chủ động, chưa kịp thời phối hợp với các cơ quan để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh quochoi.vn
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm. Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Bộ đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.
Bộ đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực. Bộ cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe.
Bộ trưởng cho biết, còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên. Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường.
Ngoài ra, Bộ cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.
Ưu tiên vốn để hoàn thiện các tuyến đường còn dở dang
Quốc lộ 27 là đường giao thông trọng yếu có tính chất liên vùng cần được ưu tiên. Công trình này đã được đầu tư từ năm 2008 đến nay, tuy nhiên còn một số đoạn ngắn khoảng 20km chưa hoàn thành, cử tri đã kiến nghị nhiều nhưng đều được trả lời chưa được bố trí vốn.
Đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn hoàn thiện tuyến đường này, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm rõ việc khi nào hoàn thiện tuyến đường này, lộ trình và giải pháp thực hiện?
Tuyến đường tránh TP. Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng đã khởi công từ năm 2017 thuộc dự án đầu tư cải tạo tuyến Quốc lộ 20. Tuy nhiên do vướng mắc nguồn vốn đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ giải pháp sớm hoàn thiện tuyến đường này để đảm bảo an toàn giao thông.
Khó khăn khi tiếp cận nguồn vật liệu để phục vụ hạ tầng giao thông quan trọng
Đại biểu Lê Văn Hoàn cho biết, tháng 1/2022 Quốc hội đã có Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, theo đó cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về miễn cấp giấy phép khai thác mỏ, khoáng sản làm vật liệu thông thường khác với Luật Khoáng sản để phục vụ hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2015.

ĐBQH Lê Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh quochoi.vn
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, qua phản ánh của cử tri và doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vật liệu thông thường trên thực tế như đất, cát, san nền là rất khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vướng mắc, khó khăn là do đâu, giải pháp khắc phục trong thời gian tới để hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo đúng thời hạn.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, chi phí logistic rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%. Theo đại biểu, để giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu một, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Đại biểu lấy ví dụ số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa ít hơn trước khi sửa. Đại biểu cho rằng, bỏ mấy nghìn tỷ nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí, do vậy Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistic ở Việt Nam.
Gửi bình luận